Làng quê ở Nghệ An lao đao vì ‘hụi’ vỡ

GD&TĐ - Vợ chồng bà Hoàng Thị L. (ở huyện Yên Thành, Nghệ An) tuyên bố "vỡ hụi", không tiếp tục trả tiền, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh điêu đứng.

Những ngày qua, người dân vẫn tập trung trước cổng nhà bà L. để đòi tiền, tuy nhiên cánh cổng sắt vẫn đóng im lìm.
Những ngày qua, người dân vẫn tập trung trước cổng nhà bà L. để đòi tiền, tuy nhiên cánh cổng sắt vẫn đóng im lìm.

Không trả tiền hụi vì lý do sức khỏe?

Những tháng qua, nhiều người dân ở xã Hợp Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) vẫn chưa hết bất ngờ khi vợ chồng bà Hoàng Thị L. (SN 1969) và ông Nguyễn Văn H. (SN 1967) tuyên bố dừng nhiều dây hụi (phường, họ) do mình làm chủ và không có tiền để trả tiếp.

Thống kê ban đầu, có hàng chục người tham gia chơi hụi do bà L. làm chủ với tổng số tiền gần 10 tỉ đồng.

Theo đơn thư của người dân, từ năm 2013, bà L. bắt đầu đứng ra làm chủ hụi, vận động người dân tham gia với mục đích tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống và phát triển kinh tế.

Thời điểm này, do ông H. đang công tác trong ngành công an (nay đã nghỉ hưu), nên bà L. được nhiều người dân tin tưởng.

Trong những năm đầu, việc thu chi, đấu quyền nhận bà L. thực hiện minh bạch, nên thu hút được dòng tiền nhàn rỗi tham gia. Mỗi tháng có trên dưới 10 dây hụi hoạt động do bà L. làm chủ.

Tuy nhiên, cuối năm 2022, bà L. bất ngờ tuyên bố dừng hụi với lý do bị bệnh tiểu đường, sức khỏe yếu nên không còn khả năng điều hành và tiếp tục chi trả tiền.

Trong khi chờ cơ quan chức năng giải quyết, hàng chục “con hụi” đã tập trung trước nhà bà L. treo băng rôn để gây sức ép, yêu cầu trả tiền.

Đề nghị khởi kiện ra tòa

Là một trong số các nạn nhân của vụ việc này, chị Nguyễn Thanh Hương (SN 1977, trú tại xóm 7, xã Hợp Thành) cho biết, chị bị bệnh thận mức độ 5 từ 3 năm nay. Mỗi tuần 3 lần, chị lại bắt xe khách từ huyện Yên Thành vào TP Vinh để chạy thận.

Do chi phí điều trị, chạy thận nhiều, cộng với tiền đi lại, mỗi tháng gia đình phải tốn 7 - 8 triệu đồng.

Theo chị Hương, trước đây chị và bà L. chơi với nhau rất thân. Thời chị chưa đổ bệnh, 2 vợ chồng chị chăm chỉ làm lụng, tích góp được một số tiền. Những năm đầu, chị Hương tham gia 1 - 2 suất, mỗi suất 2 triệu đồng để kiếm thêm vài đồng tiền lãi.

Vì các dây hụi đấu giá cao, tiền trả đầy đủ nên càng về sau chị Hương càng tham gia nhiều suất.

Chị Nguyễn Thanh Hương kể về quá trình tham gia chơi hụi do vợ chồng bà Hoàng Thị L. điều hành.

Chị Nguyễn Thanh Hương kể về quá trình tham gia chơi hụi do vợ chồng bà Hoàng Thị L. điều hành.

Tuy nhiên, từ khi bà L. bị bệnh vào năm 2020, người phụ nữ này không còn gọi hội viên đến để họp và đấu công khai nữa. Nhiều thành viên có nhu cầu nhận tiền, xin đấu cũng không được. Nếu có người thắc mắc, bà L. chỉ nói có người bốc rồi và cũng không nói là ai.

Chị Hương cho biết, đến tháng 11/2022, bà L. tuyên bố dừng hụi, số tiền hơn 200 triệu đồng của chị đóng vào cũng không thể đòi lại được.

Vì điều trị chạy thận tốn kém, lại phải nuôi 2 người con ăn học, nên chồng chị Hương phải vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống.

“Khi bà L. thông báo dừng, tôi đi hỏi lý do tại sao, bà L. trả lời do ốm đau nên không có sức để đi thu trả cho con hụi được”, chị Hương nói và cho biết gần 1 năm qua người phụ nữ này mới trả cho mình 11 triệu đồng.

Liên quan vụ việc này, ông Hoàng Mạnh Linh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành - cho biết, từ ngày vợ chồng bà L. tuyên bố dừng hụi khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã trở nên phức tạp.

Theo ông Linh, cách đây vài tháng, xuất hiện tình trạng một số người dân tụ tập trước cổng nhà bà L. để đòi nợ, tuy nhiên gia đình đóng cửa không tiếp cận được.

Đã có hơn 60 người dân ký tên làm đơn tố cáo bà L. chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền gần 10 tỉ đồng.

Sau khi nắm bắt dư luận, chính quyền xã Hợp Thành đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa người dân và vợ chồng bà L.

Tuy nhiên, theo ông Linh, trong các cuộc đối thoại, bà L. đều không giải thích khoản tiền hụi đã thu của người dân đang ở đâu? Cũng không có phương án, lộ trình trả tiền.

“Bà L. chỉ nói có trả, trả dần chứ không đưa ra thời điểm trả cụ thể. Trong khi đó, ông H. chỉ mang tính chất đứng ngoài cuộc.

Trong số 9,4 tỉ đồng, họ chỉ cần trả nửa, còn nửa họ cho, nhưng gia đình không có thiện chí trả, không phối hợp”, ông Linh đánh giá.

Theo vị Chủ tịch UBND xã, chính quyền địa phương đã nhiều lần làm công tác tư tưởng, trong khi bà L. đau ốm thì ông H. phải có trách nhiệm.

Liên quan sự việc, Công an huyện Yên Thành, Nghệ An đã có thông báo không thụ lý đơn, đề nghị công dân làm đơn khởi kiện vợ chồng bà L. đến TAND huyện Yên Thành để được giải quyết.

Trong thời gian này, tại xã Tân Thành (huyện Yên Thành) cũng xảy ra vụ vỡ hụi khi nhiều người đưa tiền cho vợ chồng bà Lê Thị H. (SN 1975, trú tại xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) và cho vay cá nhân; với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng.

Sau khi “ôm” số tiền lớn, bà H. đã rời khỏi địa phương và không thể liên lạc được. Người dân sau đó làm đơn tố cáo bà H. về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ