Nhưng “Hạnh phúc của một tang gia” đã tái hiện được toàn bộ mặt trái trong đời sống của một bộ phận không nhỏ tầng lớp thượng lưu lúc bấy giờ. Không dùng lời kể chủ quan, nhà văn như đang dùng máy quay, tường thuật trực tiếp lại tất cả những gì mắt thấy, tai nghe cho khán giả - người đọc.
Những câu văn tưởng như dửng dưng, vô can nhưng lại chứa sức nặng ngàn cân gợi lên sự nhức nhối trong lòng người viết và cả người đọc về một thực trạng đau lòng của xã hội thượng lưu nửa mùa, nửa tây nửa ta ngày ấy.
1.
Chuyện xoay quanh một đám tang – cái chết của cụ cố tổ. Thông thường, chết thì buồn đau, thương tiếc nhưng trong trích đoạn này, điều làm cho người đọc chú ý chính là sự đi ngược lại quy luật chung đó.
Trong gia đình cụ cố Hồng, cái chết của cụ cố Tổ được coi là kịp thời, là một cái chết mà đám con cháu trong nhà từ lớn đến bé đều hết thảy mong chờ. “Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”. Chỉ một câu vậy thôi mà Vũ Trọng Phụng làm người đọc đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt phẫn nộ, rồi đau lòng. Lẽ nào một người ông, người cha đáng kính – người đứng đầu của gia đình chết đi lại có thể mang đến hạnh phúc cho tất cả con cháu trong nhà?
Thông thường, người ta hay nói ông bà sống thọ là phúc đức của gia tiên, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Nhưng trong cái gia đình cụ cố Hồng thượng lưu danh giá kia, người ta lại mong chờ cái chết của cụ cố tổ - ông cụ già đáng chết hơn bao giờ hết. Bọn họ, mỗi người đều ngấm ngầm trong lòng niềm sung sướng chung và riêng khi ông cụ già “chết thật”. Họ dùng bộ mặt đau buồn, lo lắng, bối rối để diễn với nhau, diễn với thiên hạ khi gia đình gặp phải mất mát không gì bù đắp được, nhưng thực ra hạnh phúc trong lòng họ đang trào dâng.
Ông cụ già chết, con trai cụ - cụ cố Hồng bên bàn đèn sung sướng, lim dim mắt mà mơ màng đến lúc được mặc đồ xô gai, “lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu”, để cho thiên hạ phải trầm trồ chỉ trỏ: “Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”. Cụ chẳng còn nghĩ đến việc gì ngoài niềm sung sướng đang âm ỉ lan tỏa trong lòng khi cha chết. Vậy nên thằng bồi tiêm ngồi bên cạnh đã đếm được 1.872 câu nói: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của cụ!”.
Thực ra, với câu nói đó, khi nói một lần, có thể người nói muốn nhấn mạnh điều “biết rồi” của mình; nói hai lần, có thể người nói muốn nhấn mạnh mình đang bực, đang khó chịu, nhưng nói đến 1.872 lần thì chỉ có thể là một con vẹt không hơn không kém. Vũ Trọng Phụng không nói, không đưa ra nhận xét nhưng kì thực, đọc đến đó, người đọc đều liên tưởng đến một con vẹt, nó được người ta mớm cho một câu nói và nó cứ lặp đi lặp lại một cách vô hồn, vô cảm.
Tác giả đã dùng ngòi bút của mình chầm chậm vẽ lên một “ông con trai” của cụ cố tổ, tuổi đời mới ngoài 50, ngồi bên chiếc bàn đèn đóng vai già cả, mơ đến một đám ma to tát, một cái gậy đẹp đẽ, mơ đến lúc đưa quan tài cha “diễu” qua các phố để thiên hạ một phen “lác mắt” mà xuýt xoa, mà trầm trồ.
Vợ cụ cố Hồng – con dâu cụ cố tổ thì không được thư thả như chồng. Bà cố Hồng tất bật cắt đặt việc nọ việc kia, đúng kiểu dâu thảo, vợ đảm, mẹ hiền. Vừa phải lo việc cho đám tang của cha chồng, đau buồn là thế bà vừa phải lo cho người đi tìm Xuân để nói chuyện hôn nhân của Xuân (ông Xuân đốc tờ, cố vấn báo Gõ mõ) và Tuyết – con gái bà. Vũ Trọng Phụng lướt nhanh qua người con dâu này nhưng vẫn để lại trong lòng người đọc được sự ghê tởm.
Người đọc không nhìn thấy giọt nước mắt tiếc thương cha chồng của bà ta nhưng người đọc lại thấy bà ta “hớt hải chạy lên, rồi cảm động hết sức” khi Xuân xuất hiện góp thêm sự long trọng cho đám ma. Ai có thể dám chắc rằng khi bà sung sướng nói câu: “Ấy giá không có món ấy thì là thiếu chưa được to, may mà ông Xuân đã nghĩ hộ tôi!” thì trong đầu bà lại không tính đến chuyện cưới xin giữa con gái của bà với “ông Xuân cao quý”?
Nhân vật Văn Minh – người cháu đích tôn của cụ cố tổ thì bận bịu trăm thứ việc.
Từ việc mời luật sư đến “chứng kiến cái chết của ông nội” để “cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa” đến việc lo xử trí Xuân thế nào khi hắn có hai cái tội nhỏ (quyến rũ một em gái ông, tố cáo tội hoang dâm của một em gái khác của ông) nhưng lại có cái ơn to (gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết). Rồi cả việc quảng cáo đồ tang mà cửa hàng của mình đang kinh doanh...
Mọi việc cứ rối như mớ tơ vò, khiến Văn Minh “phân vân, vò đầu rứt tóc, lúc nào mặt cũng đăm đăm chiêu chiêu”, cái mặt rất “hợp thời trang” của một gia đình đương bối rối vì tang gia. Người đọc đi từ sự chua xót về thái độ của người cháu đối với ông nội đến sự ghê tởm khi ngay trong đám tang của ông nội mình mà anh ta cũng “diễn”. Mà diễn rất khéo, rất chuyên nghiệp.
2.
Chẳng riêng gì Văn Minh, gia đình đó, từ trên xuống dưới đều diễn. Và cả những kẻ góp mặt trong đám tang đó cũng diễn. Diễn với chủ nhà, diễn với thiên hạ và diễn với ngay chính bản thân mình. Họ tưởng rằng đã che đậy được bộ mặt đạo đức giả của mình một cách hoàn hảo nhất. Nhưng không, tất cả đã lọt vào ống kính của Vũ Trọng Phụng, ông lặng lẽ quan sát, lặng lẽ bóc mẽ, lặng lẽ lột trần chiếc áo đạo đức của họ để phơi bày sự lố lăng, sự tha hóa về nhân cách đạo đức của xã hội thu nhỏ đó.
Vợ Văn Minh “sốt cả ruột vì mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời”; cậu Tú Tân thì “điên người lên vì cậu đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà mãi cậu không được dùng đến”; ông Phán mọc sừng thì sung sướng vì cái sừng hươu vô hình trên đầu đã mang đến món lợi lớn vài nghìn đồng cho ông ta.
Nổi bật trong đám tang đó có lẽ là Tuyết. Với vẻ mặt đau khổ, buồn rầu Tuyết đã khiến những người đến viếng đám tang phải thương cảm. Xét về đại thể thì là vậy. Nếu Vũ Trọng Phụng cứ để ống kính phía xa, cho người đọc nhìn cái toàn cảnh thôi, thì là vậy. Nhưng đằng này, tác giả lại đưa ống kính lại gần, rất gần. Trong đám tang của ông nội, Tuyết đau khổ đến nỗi “muốn tự tử đi được” không phải bởi sự ra đi đột ngột của người ông đáng kính mà bởi “tìm khắp mặt trong bọn người đi đưa đám ma cũng không thấy “bạn giai” đâu cả”. Và cái chết của ông nội cũng kịp thời là dịp may để Tuyết thanh minh cho thiên hạ thấy sự trong trắng của mình.
Tác giả viết: “Hôm nay, Tuyết mặc bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng, trong có coóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú – nhưng mà viền đen, và đội cái mũ mấn xinh xinh. Thấy rằng thiên hạ đồn mình hư hỏng nhiều quá, Tuyết bèn mặc bộ Ngây thơ để cho thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh”. Giọng văn tưng tửng, dửng dưng tưởng như vô can, tưởng như lạnh lùng, lúc đầu khiến người đọc bật cười vì cái suy nghĩ “ngây thơ” của Tuyết nhưng ngay lập tức, nụ cười mới thành hình đã trở nên méo mó khi người ta phát hiện ra sự ngu dốt của cô gái trẻ này.
Tưởng rằng mượn bộ váy áo khoe da thịt mà có thể làm mình từ hư hỏng thành ngoan hiền hay sao? Người đọc tưởng như đang thấy tác giả nhếch mép cười mà lòng buồn rười rượi. Đạo đức không có hình hài, người ta không nhìn thấy được nhưng cũng không thể che đậy được cũng bởi nó không có hình hài. Tấm xiêm y mỏng manh sao che được đạo đức, một đám ma to bề thế cũng không nói lên được đạo đức và những vẻ mặt buồn, những giọt nước mắt cũng không thể hiện được thật giả của đạo đức.
3.
Rồi còn cả những kẻ đi đưa đám, những kẻ được dự phần vào đám tang to tát đó cũng sung sướng không kém. Người đọc không phải mất công tìm kiếm khi ngòi bút của tác giả đưa đến đâu cũng là những lố lăng, tha hóa. Người ta thấy bạn hữu cụ cố Hồng đến đám tang mục đích chỉ để khoe: Khoe đủ thứ phẩm hàm và khoe các kiểu râu.
Những kẻ tai to mặt lớn đó, ngồi bên linh cữu người chết không thể nén nổi niềm xúc động khi nhìn thầy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết. Rồi cả bọn giai thanh gái lịch trong đám tang đó nữa. Trong vài ba trăm người đi đưa đó có ai là người thật lòng với gia chủ? Có ai là người thực lòng thương xót cho người vừa nằm xuống?
Họ lặng lẽ cùng nhau đưa linh cữu người chết diễu qua các phố bằng vẻ mặt buồn rầu của người đi đưa đám. Nhưng lại gần mà xem, đám tang cụ cố tổ là dịp để họ gặp gỡ nhau, chim chuột nhau, bình phẩm chê bai nhau, hẹn hò nhau… đủ cả. Những tiếng thì thào của họ, dù nhỏ cũng đủ để Vũ Trọng Phụng nghe thấy và ghi lại để rồi chốt lại bằng một câu nói mỉa “rất xứng đáng với những người đi đưa đám ma”.
“Đám cứ đi…”. Sự đồi bại, tha hóa về đạo đức cứ thế diễn ra. Một đám ma to tát được diễu qua các phố với đủ các thứ kèn Tây, kèn ta, kèn Tàu thi nhau rộ lên “hổ lốn”. Đám ma mà nhộn nhịp như ở hội chợ, đúng với ý cụ cố Hồng. Đám đang đi bị chặn lại với sự xuất hiện của Xuân, chen vào giữa với mấy xe và mấy vành hoa. Với người đọc và với tác giả thì đó là sự vô văn hóa đúng chất của một thằng vô học, vô lại… nhưng lại rất đúng với ý của cụ bà cố Hồng. Bà nói với Xuân bằng giọng cung kính, cảm động, biết ơn khi Xuân xuất hiện làm cho đám ma to thêm. Rồi Tuyết không quên liếc mắt đưa tình với Xuân như một lời cảm ơn tế nhị.
Trong suốt đám tang, cậu Tú Tân và các bạn cậu thi nhau chụp ảnh như ở hội chợ. Đáng khinh bỉ hơn khi để “tạo những kiểu ảnh khác nhau”, họ còn rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác để lấy góc chụp. Ông Phán mọc sừng tranh thủ diễn nốt vai người cháu rể quý hóa khi khóc đến oặt người đi. Thực ra là để tìm cách dúi vào tay Xuân tờ giấy bạc năm đồng gấp tư để “đền ơn” trước khi bàn chuyện kinh doanh lâu dài với hắn…
Người chết được chôn xuống, ước gì ta có thể nghe tiếng hô lớn: “Cắt, cắt…”. Vở diễn dừng lại ở đó. Các vai diễn đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhưng không, đó thực sự là một vở diễn không hồi kết trên sân khấu cuộc đời. Mỗi vai diễn dù chính, dù phụ, dù rõ nét hay mờ nhạt đều góp phần quan trọng vào việc hoàn thành bức tranh về một xã hội thượng lưu học đòi theo lối Âu hóa đến lố lăng, đồi bại.