Buổi tiễn linh cữu nghệ sĩ Lê Bình diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng (Gò Vấp). NSƯT Thành Lộc đến nhìn mặt đàn anh lần cuối. Cả hai từng làm việc chung ở sân khấu 5B Võ Văn Tần. Thành Lộc kể anh dự cảm trước sự ra đi của Lê Bình. Mỗi lần gặp nhau, Thành Lộc thường khuyên đàn anh hút ít thuốc lại, song đó đã là thói quen cố hữu của nghệ sĩ.
NSƯT Trịnh Kim Chi túc trực bên Lê Bình từ những ngày đầu biết ông bị bệnh. "Ra đi cũng là một cách giải thoát, giúp anh bớt đau đớn vì bệnh tật", chị chia sẻ.
Khi đạo diễn Hồng Dung - Phó chủ tịch Hội sân khấu TP HCM - đọc điếu văn, diễn viên Kiều Trinh (trái) khóc nghẹn. "Mỗi lần gặp anh là chỉ thấy anh cười, sao bây giờ anh không còn gây cười cho anh em nữa?
Tên anh thân quen đến mức xuất hiện thường xuyên, không bao giờ đứng hàng thứ nhất trên panô, thậm chí chỉ là hàng cuối. Anh chưa bao giờ có vai chính, song các vai qua tay anh đều trở thành nhân vật chính, như ông Tư, ông Bảy, ông già, lão phù thuỷ...", Hồng Dung rưng rưng.
Mỹ Uyên bật khóc khi giai điệu "Bài ca đất phương Nam" (lời: Lư Nhất Vũ) - bộ phim Lê Bình từng đóng - vang lên qua tiếng kèn tang. Chị có mặt tại tang lễ từ những ngày đầu.
Lê Bình từng cộng tác với sân khấu 5B Võ Văn Tần khi chị làm giám đốc với vở "Bên đàng dệt mộng". Lần đó, chị thấy ông cạo đầu, gặng hỏi mới hay ông bị ung thư. Dù biết căn bệnh diễn tiến nhanh, chị từng thầm mong có phép màu đến với ông.
Đạo diễn Lê Cung Bắc làm việc chung với Lê Bình trong phim "Mỹ nhân Sài thành" (2018). Đó là lần hiếm hoi cố nghệ sĩ đóng vai phản diện. Đạo diễn kể giữa cả hai không chỉ là tình đồng nghiệp, mà còn là huynh đệ vì Lê Bình vốn sống giản dị, hiền lành.
Diễn viên Kiến An đến tiễn đưa Lê Bình sau khi cùng các đồng nghiệp hát bên linh cữu nghệ sĩ tối trước đó.
NSƯT Hạnh Thúy cùng đồng nghiệp ôm các bức ảnh Lê Bình trưng bày ở lễ tang đến Bình Hưng Hòa - nơi làm lễ hỏa táng.
"Ai nói chú Bình nghèo chứ tôi thấy ông giàu lắm: Hơn 100 vòng hoa viếng, sổ tang được ghi kín... Ông được bao nhiêu người thương, nhiều đến nỗi phải san sẻ cho người khác", Hạnh Thúy chia sẻ.
Nghệ sĩ Thành Hội nhìn theo linh cữu cho đến khi xe tang đi xa dần.
Lê Bình qua đời sáng 1/5 tại bệnh viện ở TP HCM sau gần một năm điều trị ung thư. Ông bị ung thư phổi giai đoạn thứ ba từ tháng 8/2018.
Nghệ sĩ Lê Bình tên thật là Lê Thanh Sơn, sinh năm 1953 trong một gia đình gốc miền Tây Nam bộ. Từ một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, ông trở thành diễn viên, soạn giả, đạo diễn nhiều vở kịch.
Tác phẩm của ông từng tham gia và đoạt huy chương các liên hoan sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp. Ông còn được biết đến qua các phim: "Đất phương Nam", "Đợi khách", "Người đàn bà không hóa đá", "Hải âu"... Do ngoại hình cao gầy, khuôn mặt hiền lành, ông thường được giao hóa thân những nhân vật khắc khổ, cam chịu...
Nhiều khán giả cầm hoa lan đến tiễn đưa Lê Bình. Bà Thảo (quận Bình Thạnh) kể sang tang lễ từ sáng sớm để tiễn ông. Bà ấn tượng nhất với ông qua vai Tư Tại - người hùng chân đất trong phim "Đất phương Nam".
Con gái nuôi của Lê Bình ôm di ảnh trong giờ động quan. Đại diện gia đình cho biết sẽ trao 50 triệu đồng cho Viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8) và 50 triệu đồng cho chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp). Số tiền còn lại tiếp tục được gia đình thống kê để thực hiện các di nguyện khác của ông.
Gia đình gồm vợ cũ, các con ông làm lễ trước giờ động quan. Lê Bình có ba người con trai, trong đó con trai đầu sớm qua đời vì tai nạn giao thông.
Con gái nuôi - chị Lê Khả Hân (thứ hai từ trái qua) - kề cận chăm sóc Lê Bình những ngày cuối đời, được ông xem như con ruột. Vợ cũ Lê Bình - bà Phạm Thị Nhung (trái) - từng chung sống với ông 37 năm trước khi ly hôn.