“Ông hai lúa” Lê Bình rời xa cánh đồng nghệ thuật

GD&TĐ - Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp diễn xuất, nghệ sĩ Lê Bình hóa thân xuất sắc, khắc tạo nên nhiều hình ảnh sắc nét về người nông dân tần tảo cho đến người cha khắc nghiệt, ân cần trên màn ảnh Việt. 

Hình ảnh người nông dân chân chất, cần cù Tây Nam Bộ mà nghệ sĩ Lê Bình khắc họa trong phim “Vịt kêu đồng”.
Hình ảnh người nông dân chân chất, cần cù Tây Nam Bộ mà nghệ sĩ Lê Bình khắc họa trong phim “Vịt kêu đồng”.

Không chỉ là đàn anh, là tấm gương sáng, nghệ sĩ Lê Bình đã có đóng góp lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam với hơn 200 vai diễn và trong vai trò soạn giả, đạo diễn của hàng chục vở kịch lớn nhỏ...

Tài hoa đất phương Nam

Nghệ sĩ Lê Bình tên thật là Lê Thanh Sơn, sinh năm 1953, quê gốc ở Sa Đéc (Đồng Tháp) nhưng lại sinh ra và lớn lên ở TPHCM. Từng lăn lộn làm nhiều công việc để kiếm sống, rồi khởi nghiệp từ một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền, cổ động, cơ duyên đưa đẩy, chàng trai Lê Bình bước chân vào nghệ thuật thứ bảy và trở thành một nhân tố nổi bật, góp phần gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ sôi động ở địa phương.

Năm 1982, ông được Hội Sân khấu TPHCM mời về diễn tại Sân khấu 5B và gắn bó, thủy chung với sân khấu này trong nhiều vai trò như diễn viên, tác giả, đạo diễn. Hơn 10 vở kịch nói mà ông đảm đương cả vai trò soạn giả và đạo diễn đã được dàn dựng ở các sân khấu Idecaf, 5B, kịch Phú Nhuận và tham gia các liên hoan sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp.

Từ sân khấu, nghệ sĩ Lê Bình bén duyên điện ảnh với vai diễn đầu tiên là nhân vật ông chủ tiệm thuốc Bắc trong phim “Dòng sông không quên” của đạo diễn Lê Dân. Trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật miệt mài và đầy tinh thần cống hiến, nhờ lối diễn nhập tâm nghệ sĩ Lê Bình đã tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả qua từng tập phim.

Sau một năm kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư, nam diễn viên gạo cội của hàng loạt phim truyền hình ăn khách phía Nam Lê Bình vừa rời xa cõi tạm ở tuổi 66. Nghệ sĩ Lê Bình từng giành được 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng và Bằng khen của Bộ Quốc phòng.

Với ngoại hình cao ráo, thời trẻ, nghệ sĩ Lê Bình được xếp vào dạng diễn viên điển trai, bắt mắt và thường được chọn vào những vai chính diện.

Vào độ tuổi trung niên, cùng với những thăng trầm, trải nghiệm trong đời thường, đưa đẩy ông đến với nhiều vai diễn số phận nghiệt ngã, nội tâm gai góc. Dáng người gầy gò, gương mặt khắc khổ đã góp phần giúp Lê Bình nhập vai thành công người nông dân nghèo khó, lam lũ trước sóng gió cuộc đời hay ông bố yêu thương con đến hà khắc thêm trọn vẹn.

Ông giành được cảm tình của khán giả cả nước qua các phim để lại nhiều dấu ấn: “Đất phương Nam”, “Đợi khách”, “Người đàn bà không hóa đá”, “Hải âu”, “Đèn không hắt bóng”, “Mùa len trâu”, “Cô gái xấu xí”, “Vịt kêu đồng”, “Người đẹp Tây Đô”, “Đợi tàu”, “Dưới cờ đại nghĩa”... Ông còn tham gia 16 vai trong loạt phim Cổ tích Việt Nam, được khán giả nhiều độ tuổi yêu thích.

Dâng mật ngọt cho đời

Một năm trời ông âm thầm điều trị và không muốn hé lộ thông tin bệnh tật của mình. Ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, ông vẫn nỗ lực tham gia những hoạt động nghề nghiệp. Và bộ phim cuối cùng ông tham gia là “Hai Phượng” của “đả nữ” Ngô Thanh Vân vừa ra rạp đã đạt kỷ lục phòng vé và đang chinh phục khán giả Mỹ, Canada…

Ngay cả khi bệnh trở nặng, được đồng nghiệp quan tâm, kêu gọi và ủng hộ tiền chữa bệnh, điều mà người nghệ sĩ tử tế ấy suy nghĩ vẫn là hướng về người khác. Ông bày tỏ mong muốn nhường sự hỗ trợ ấy cho đồng nghiệp trẻ. Không ít nghệ sĩ đã cảm động rơi nước mắt khi ông nói “Chú già rồi, sống nay chết mai. Để mọi người dồn sức chữa trị cho Mai Phương. Nó còn trẻ, cần sống để nuôi con nhỏ...”.

Sự tử tế, tự trọng và tấm lòng của nghệ sĩ Lê Bình đã để lại những ấn tượng đẹp đẽ, sâu đậm hơn mọi vai diễn mà ông đã thể hiện và những đóng góp cho phim ảnh. Những điều cảm động về cách cư xử, lòng nhân ái, người nghệ sĩ già mãi còn động lòng công chúng khi đến những giây phút cuối đời ông còn nặng niềm khát khao dành cho công việc, đau đáu giấc mơ nghệ thuật còn dở dang…

Khát khao cống hiến và tình yêu của người nghệ sĩ trong những giây phút cuối cùng kia cứ giống như một nốt thăng đẹp đẽ, cao vút trong bản hoà âm cuộc đời ông.

Quen biết và cộng tác với nghệ sĩ Lê Bình từ những ngày đầu làm phong trào văn nghệ quần chúng, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM chia sẻ: “Quen anh nhiều năm tháng, chưa bao giờ tôi nghe anh than vãn vì sự thiếu thốn. Có chăng chỉ là những trăn trở, bức xúc về nghề nghiệp.

Dành đam mê cho sân khấu, anh Lê Bình có nhiều ý tưởng, không cầu kỳ, xa lạ mà gắn bó gần gũi với hiện thực đời sống. Từ những hình ảnh quen thuộc, anh đã vẽ những chân dung, lao động mộc mạc, hồn nhiên nhưng thật sống động trong kịch, trong bích họa. Những bức họa phảng phất hình ảnh của chính anh.

Cách sống vì người khác và những điều nhân văn của một nghệ sĩ tử tế, giàu tự trọng, người cần cù như con ong đi hút mật dâng đời”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.