Vợ có “máu hoạn thư“

GD&TĐ - Chẳng hiểu vì sao, vợ anh nhìn đâu cũng thấy… nguy hiểm. Từ nữ đồng nghiệp của chồng đến mấy cô đối tác qua thực tập, ngay cả chị hàng xóm hoặc… bà ôsin trong nhà cũng không thoát. Cứ như thể, sểnh ra một cái, là chồng chị bị “bắt” mất ngay.

Vợ có “máu hoạn thư“

Về đến đầu hẻm, anh Huy ngạc nhiên thấy nhiều người xúm đen xúm đỏ, như thể sắp được… xem phim hay. Vợ anh đang cãi nhau với chị Hằng chung xóm! Những lời hăm dọa sẽ “làm cho ra lẽ” của vợ, tưởng chỉ nói cho vui, ai dè đến mức trở thành sự thật.

Anh Huy tất nhiên là không thấy dễ chịu gì. Tự kiểm, anh cũng đâu phải dạng người thích ham vui đèo bồng, hay từng có “phốt” gì để chị nghi ngờ xét nét. Anh thẳng thừng bảo, em làm như chồng mình… báu lắm không bằng. Trên răng dưới… dép, lúc nào cũng tất bật, ai mà thèm rớ. Vợ anh không vì câu tếu táo của chồng mà nới lỏng giám sát. Thậm chí, chị còn tăng cường để ý, với suy nghĩ rằng, phải có gì thì chồng mình mới tỏ ra nhún nhường, tự xem thường bản thân như thế chứ!

Chị nghĩ ra nhiều chiêu trò để thử độ “thòm thèm” của chồng với người giúp việc. Anh Huy có lần bực quá, quát lên, tôi chẳng đến mức ăn tạp thế đâu, nhưng chị chỉ cười cười trả lời: “Biết đâu đấy!”. Anh hỏi, nếu chồng đã muốn bồ bịch, không cô này thì cũng là cô khác, liệu chị đi theo canh giữ mọi người đàn bà xung quanh được chăng? Vợ anh chẳng rõ có suy nghĩ lại hay không, chỉ thấy chị ngày càng “nặng đô” hơn thì phải.

Anh Huy có thói quen ra đầu hẻm nhâm nhi ly cà phê. Từ hồi chị hàng xóm độc thân bày dăm bộ bàn ghế kiếm thêm đồng ra đồng vào, anh nghiễm nhiên trở thành khách quen. Việc này không lọt khỏi đôi mắt đa nghi của chị. Không ít lần, chị bóng gió xa gần cái việc “Mê ai mà cứ phải la cà ngoài đó vậy”. Đến lúc không chịu được, chị lật bài luôn “Lại ra thăm bồ già đấy à?”. Anh vô tư bảo, em chỉ giỏi suy diễn, chẳng qua ủng hộ lối xóm, chứ có gì đâu mà ầm ĩ…

Ba anh già cả, nhớ quên lẫn lộn, ở nhà một mình cả ngày chắc buồn, cũng hay ra “quán” của Hằng ngồi chơi, hóng mát. Chẳng rõ ông già tỉ tê chuyện nhà những gì, mà Hằng tỏ vẻ thương cảm, nấu món gì ngon cũng hay múc bưng qua biếu. Anh vừa ngại ngần vừa khó xử. Những hôm mâm cơm có món lạ, không khí nhà anh trĩu nặng. Vợ đá thúng đụng nia, mặt nặng mày nhẹ. Những lần cãi nhau của vợ chồng anh bắt đầu xuất hiện cụm “cô Hằng của anh” thường xuyên hơn…

Hóa đơn điện thoại của anh được gởi về nhà. Vợ anh tìm thấy số của Hằng trong đó. Nghĩ mãi, anh mới nhớ ra, do một lần anh gọi cho ông cụ không được, nên anh buộc phải nhờ ai qua coi ngó thử. Gọi cho vài người xung quanh không được, anh mới nhớ tới Hằng. Rồi nhắn tin trao đổi mấy câu. Anh lịch sự cảm ơn, vậy thôi. Không có gì khuất tất mờ ám.

Nhưng giải thích sao đây với người đang hừng hực lửa ghen bây giờ? Sự nhiệt tình thái quá của Hằng đã gây nên tai họa. Nghe con thuật lại “hiện trường” rằng, chiều nay, vợ anh sau bếp, nghe Hằng hỏi hai đứa nhỏ, mẹ đâu sao không cho ông nội ăn tối. Ông nội qua quán cô kêu đói nè.

Giọt nước tràn ly, những lời khó nghe của vợ anh: “Rảnh quá xen vào chuyện nhà người ta”, “Thứ đàn bà vô công rồi nghề cứ muốn dan díu với chồng người khác”, “Chắc ổng qua nhờ con dâu hụt là cô cho ăn dùm đó” làm cho Hằng cũng không nín nhịn. Những câu xúc xiểm của Hằng càng làm anh không kém phần choáng váng. “Chồng chị tự ý qua lại, nhờ vả, nhắn tin hỏi han, chứ báu lắm à? Chị về xem lại gia đình mình đi, đũa mốc đòi chọc mâm son sao? Tưởng gì…”. Trận võ mồm diễn ra trong sự hả hê cười cợt của mọi người.

Khó khăn lắm, anh mới kéo được vợ vô nhà, giải tán cái đám đông đang háo hức chờ xem “xáp lá cà”. Chị vùng vẫy chửi rủa trong cảm giác “tức nước vỡ bờ”, tới đâu thì tới. Anh thật sự không hiểu nổi đàn bà nghĩ gì, ganh tức gì để phải hạ nhục nhau như vậy. Chút thiện cảm dành cho Hằng bấy lâu cũng bay biến không tăm tích. Anh nẫu lòng nghĩ cách xin lỗi lối xóm. Mà phải làm sao để vợ bớt ghen tuông kiểu này, chứ nếu không, chẳng biết sau này còn vướng vô chuyện đáng tiếc gì thêm nữa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.
Cô trò Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm hiểu về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Vân Anh

Bồi đắp niềm tự hào dân tộc

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm GD thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc.