Vợ chồng giảng viên dựng “địa chỉ đỏ” giúp thí sinh nghèo

GD&TĐ - Suốt 9 năm qua, ngôi nhà của hai vợ chồng giảng viên trẻ Trường ĐH Cần Thơ đã trở thành nơi cưu mang cho hàng ngàn thí sinh nghèo khi đến Cần Thơ thi đại học… 

 Gần 10 năm qua gia đình cô Huyền đã cưu mang hàng ngàn thí sinh nghèo trong kỳ thi đại học.
Gần 10 năm qua gia đình cô Huyền đã cưu mang hàng ngàn thí sinh nghèo trong kỳ thi đại học.

Nhiều thí sinh nghèo đã ví ngôi nhà của cô Huyền, thầy Long như một “địa chỉ đỏ” - nơi giúp các em chắp cánh ước mơ học vấn.

Hai vợ chồng giảng viên trẻ có tấm lòng thơm thảo ấy chính là thầy Phạm Ngọc Long và cô Lê Thị Huyền ở phường An Hòa, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Cả hai vợ chồng thầy Long và cô Huyền hiện là giảng viên Trường ĐH Cần Thơ.

Giúp thí sinh là giúp ngành Giáo dục!

Khi đến mùa thi nhiều gia đình tận dụng phòng ốc để cho thuê, nhiều nơi gần các điểm thi còn tăng giá trong khi đó vợ chồng cô Huyền vừa lo việc giảng dạy, vừa tổ chức cho thí sinh ở trọ miễn phí. Để an tâm hơn, vợ chồng cô Huyền còn đứng ra lo việc ăn uống ngày 4 bữa (sáng, trưa, chiều, tối) cho 300 thí sinh ở trọ.

Khi được hỏi về việc giúp đỡ thí sinh nghèo đi thi, cô Huyền cho biết: “Vợ chồng tôi đang công tác trong ngành giáo dục, cũng là người làm giáo viên nên việc giúp đỡ các thí sinh nghèo cũng là việc giúp cho ngành Giáo dục. Mình có điều kiện chăm lo nơi ăn, chốn ở cho các thí sinh với mong muốn các em yên tâm thi đạt kết quả tốt…”.

Cơ duyên để vợ chồng cô Huyền tiếp sức thí sinh nghèo cũng hết sức đặc biệt. Ban đầu khi đến mùa thi ĐH thì họ hàng ở quê đến gửi con em ở nhà cô Huyền để đi thi. Sau đó từ con cháu mở rộng ra bà con lối xóm, rồi bạn bè các cháu cũng rủ đến và số thí sinh ở nhờ đi thi ĐH mỗi năm cứ tăng dần.

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cô Huyền đến mùa thi lại rộng cửa đón thí sinh, ban đầu chỉ hơn chục em rồi tăng lên vài chục. Ngôi nhà nhỏ không đủ sức chứa nên vợ chồng cô Huyền tích góp tiền bạc mở rộng nhà và mua thêm nhà để có thể phục phụ các thí sinh ở trọ miễn phí. Đến nay nhà của cô Huyền có thể chứa 150 thí sinh.

Cô Huyền cùng các tình nguyện viên chăm lo bữa ăn cho các thí sinh nghèo đang ở trọ.
Cô Huyền cùng các tình nguyện viên chăm lo bữa ăn cho các thí sinh nghèo đang ở trọ. 

Vừa làm người đưa đò, vừa làm chiếc phà nhỏ đưa học sinh sang bến mới

Để tiếp sức thí sinh nghèo trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, cô Huyền thuê thêm hai căn nhà, đồng thời mượn của người bạn thêm một căn nhà, tổng cộng với sức chứa trên 300 người. Các thí sinhh đến với “địa chỉ đỏ” này đa phần hoàn cảnh nghèo, khó khăn và từ các tỉnh khác đến dự thi. 

Em Nguyễn Thị Trang - thí sinh từ Sóc Trăng đến ở trọ nhà cô Huyền - chia sẻ: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, kinh phí đi thi chỉ đủ trang trải cho tiền xe và một ít để dành ăn uống. Rất may được gia đình cô Huyền đùm bọc, lo cho chỗ ở và ăn uống miễn phí nên em đã yên tâm; ba mẹ em ở quê nghe tin cũng vui và bớt lo lắng!”.

Chia sẻ về việc hỗ trợ thí sinh nghèo trong kỳ thi năm nay, cô Huyền cho biết: “Mỗi năm gia đình tôi hỗ trợ 300 chỗ trọ miễn phí (2 đợt thi) cho thí sinh nhưng năm nay thi 1 đợt nên chỉ hỗ trợ được 150 chỗ. 

Tuy nhiên gia đình đã vận động những người thân, bạn bè hỗ trợ thêm được 150 chỗ trọ, như vậy vẫn đảm bảo được 300 chỗ trọ như mọi năm. Bên cạnh đó chúng tôi còn hỗ trợ cho thí sinh 4 suất ăn mỗi ngày (sáng, trưa, chiều, tối). Gia đình lo luôn bữa ăn vì sợ các em đi ăn bên ngoài không may bị đau bụng hay ngộ độc thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến việc thi cử…”.

Chúng tôi hỏi vợ chồng thầy Long, cô Huyền khi nào không còn cưu mang sĩ tử nghèo nữa? Hai người chỉ cười tươi: “Ở lĩnh vực khác thì chúng tôi chưa biết nhưng với ngành giáo dục đào tạo thì có lẽ vợ chồng tôi hơi tham một chút. 

Chúng tôi sẵn lòng vừa làm người đưa đò vừa tình nguyện làm chiếc phà nhỏ đưa các em qua một bến mới. Hy vọng, ở đó các em có một tương lai tốt hơn sau hàng chục năm đèn sách…”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.