Vợ bỏ đi 30 Tết vì không chịu nổi người chồng mải mê nhậu nhẹt tất niên

Đến 30 Tết, khi các gia đình sum họp vui vầy thì không ít gia đình lục đục, vợ chồng cãi nhau, thậm chí vợ bế con đi khỏi nhà, tuyên bố sẽ ly hôn vì không chịu nổi người chồng vô trách nhiệm chỉ mải mê ăn nhậu tất niên cả tháng.

Vợ bỏ đi 30 Tết vì không chịu nổi người chồng mải mê nhậu nhẹt tất niên

Sau một đêm mê mệt vì bia rượu, sáng 29 Tết, anh Trần Văn Hùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thức dậy, đi cả năm tầng nhà cũng không tìm thấy vợ con.

Ngoài phòng khách đầy không khí Tết với cành đào, cây quất, nhưng lại bốc mùi hôi thối – mùi mà anh Hùng dễ dàng nhận ra đó là “thành phẩm” sau cơn say của mình đêm qua. Điện thoại cho vợ thì thấy tắt máy, sau đó, vợ anh nhắn lại một tin ngắn gọn: “Mang con đi du lịch. Ra Tết sẽ ly hôn”.

Trước Tết Dương lịch cả tháng, anh Hùng đã bị quấn vào các cuộc tất niên, hội họp cuối năm. Anh tham gia rất nhiều hội, từ Hội ô tô đến mô tô, hội chụp ảnh, hội câu cá, hội chơi chim.

Làm nghề kinh doanh nên anh cũng có nhiều mối quan hệ, vậy là mỗi cơ quan, mỗi văn phòng lại có thêm một cái hẹn nữa. Rồi hội đồng niên, hội cấp 2, cấp 3, đại học. Ở cơ quan cũng chia năm, xẻ bẩy hội nhóm, mỗi nhóm một buổi ăn nhậu.

Vo bo di 30 Tet vi khong chiu noi nguoi chong mai me nhau nhet tat nien - Anh 1

Không người vợ nào vui nổi với cảnh này. Ảnh minh họa IT

Lấy lý do “bạn bè cả năm mới gặp” hoặc “cả năm làm ăn chỉ có 1 ngày vui vẻ, trả lễ với nhau”, anh Hùng đi nhậu triền miên, không 7 ngày /tuần thì cũng 5 ngày, 2 ngày còn lại nằm bò trên giường để phục hồi.

Vì thế, mọi gánh nặng gia đình đổ lên đầu chị Thủy - vợ anh Hùng. Chị tất tưởi lo chuyện gia đình, cho hai con đi học, đón con. Cuối năm, cơ quan chị cũng cập rập nhiều việc tổng kết nên công việc cũng nhiều hơn, chưa kể còn phải lo mua sắm quà cáp cho bố mẹ hai bên nội ngoại, họ hàng, bạn bè hoặc những người đã giúp đỡ mình trong năm.

“Tôi tất tưởi, chân vắt lên cổ, mặt bạc ra vì việc nhưng chồng lúc nào khuya lắc mới về. Về thì luôn trong tình trạng như vừa ngã vào thùng rượu, chân tay loạng choạng còn nhờ gì nữa. Nhìn anh ta uống rượu như vậy nếu không sớm chết vì tai nạn thì cũng chết vì bệnh” - Chị Thủy chia sẻ.

Tuy nhiên, cho dù chị Thủy khuyên can, phàn nàn thế nào anh Hùng cũng không nghe. Hai vợ chồng không ít lần cãi cọ khiến chị Thủy càng mệt mỏi.

Đến tối 29 Tết, anh Hùng lại đi tiếp đồng hương tới 10h đi taxi về và nằm trên bệ cửa nhà. Chị Thủy phải cố hết sức mới lôi được chồng vào nhà.

Chưa kịp đặt xuống thì anh Hùng đã nôn thốc nôn tháo, tưới hết lên người vợ và thảm trải phòng khách, cây cảnh trong nhà. Bao nhiêu công lao dọn dẹp mừng năm mới của chị đổ xuống sông xuống bể.

“Tôi cố gắng nhịn sự kinh tởm, đặt anh ta lên sopha cho anh ta ngủ ở đó. Nếu không vì lo anh ta say quá có gì bất trắc thì tôi đã về nhà bố mẹ ngay từ nửa đêm rồi.

Sáng hôm sau thấy anh ta vẫn ngáy vang nhà thì tôi bế con đi. Đằng nào thì suốt hơn 2 tháng nay tôi cũng đã “mồ côi chồng”, bỏ luôn cho nhẹ nợ, chứ đến khi anh ta đổ bệnh lại khổ mình hầu. Với người chồng đến bản thân mình họ còn không xót thì còn thương gì được đến ai” - chị Thủy mệt mỏi.

Vo bo di 30 Tet vi khong chiu noi nguoi chong mai me nhau nhet tat nien - Anh 2

Không chia sẻ việc nhà với vợ, người chồng say xỉn còn thêm ghán nặng. Ảnh minh họa IT

Chị Thúy An (Ba Đình, Hà Nội) cũng muốn phát điên vì chồng. Chị làm nghề làm đầu nên đến cuối năm là thời gian thu hoạch. Từ 23 tháng Chạp trở đi là chị cắm đầu vào làm tóc từ 5-6h sáng đến 12h đêm có khi còn chưa được nghỉ.

Nửa đêm lê được tấm thân muốn gãy rời lên phòng khách thì luôn choáng váng vì tình trạng bừa bộn. Các vỏ bánh piza, vỏ đồ hộp, đồ ăn sẵn mà 4 bố con gọi về ăn vứt vung vãi khắp nơi.

Quần áo cũng cái vắt ghế, cái gầm tủ. Chị dọn xong cũng đến 1-2 giờ sáng. Nói với chồng thì anh ta lúc nào cũng bảo: “có tí việc vặt cũng kêu”.

Chiều 27 Tết, cả 3 đứa con chị bị bố đuổi cả xuống cửa hàng. Chị tay năm tay mười làm đầu cho khách, vừa cắt việc cho cô con gái lớn học lớp 5, vừa rú rít với thằng hai đang lăn xả vào vặt quất, thằng thứ 3 lại đòi ị.

Đang định gọi chồng xuống giúp thì anh ta quần áo bóng lộn từ gác đi xuống, soi gương, chải tóc rồi bảo: “Đi nhậu với đám bạn đây”. Nuốt tủi hờn vào trong, chị An nhẹ nhàng: “Anh cắm cơm cho con, rồi xào cho nó ít thịt rồi hẵng đi, em còn bao khách”.

Thế là chồng chị rít lên: “Bận rộn đ… gì, tự đi mà nấu”. Chị bực tức lẩm bẩm: “Không thấy bao khách khứa đang chờ à. Ăn nhậu nhiều thế. Trưa cũng đi vừa mới về lại đi”.

Thế là chồng chị sừng cồ: “Kiếm được mấy đồng mà lúc nào cũng tỏ vẻ. Làm không xong thì đừng làm. Cả năm mới gặp nhau một ngày, ở nhà chúng nó chửi cho à”. Thế rồi anh ta quay đít đi thẳng.

Chị An chờ chồng đi mới rơm rớm nước mắt, phân trần với khách: “Chồng em chả kiếm được tiền, em mới phải cố để nuôi ba con. Nhưng em cứ nói bận kiếm tiền là ông ấy đánh chửi ngay.

Em đẻ ba đứa con cũng tự nuôi. Ông ấy chả mấy khi bế con chứ đừng nói thay tã, giặt quần áo cho con. Em cũng nản lắm rồi. Làm cố hết sáng 30 rồi mẹ con cũng về quê ngoại ở Hải Dương ăn Tết. Mặc anh ta ở lại mà quan hệ với bạn bè. Muốn ly hôn em cũng chiều”.

"Không chỉ ngày lễ, Tết mà chiều chiều cứ nhìn quán nhậu đông nghịt đàn ông đã biết phụ nữ Việt đơn độc trong việc nội trợ, chăm sóc con cái đến mức nào.

Ngày Tết công việc lại nhiều hơn gấp 2, gấp 3 còn chồng lại càng biền biệt. Không những thế họ còn ngập trong bia rượu, về nhà say khướt, mỏi mệt, vợ con lại phải hầu, thêm gánh nặng.

Nhưng đã qua thời phụ nữ chỉ biết ngậm đắng nuốt cay. Chị em có tri thức, độc lập về kinh tế sẽ không chấp nhận người chồng vô trách nhiệm, bê tha, lại còn lười nhác, gia trưởng.

Hiện nay các cuộc ly hôn thì đến 70-80% là do phụ nữ chủ động ly hôn. Nếu các ông chồng không sớm tỉnh ngộ sẽ sớm bị vợ con xa lánh, mất cả chì lẫn chài”.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - Nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ