VN không có nhóm hàng xuất khẩu nào chiếm quá 10% thị phần toàn cầu

VN không có nhóm hàng xuất khẩu nào chiếm quá 10% thị phần toàn cầu

(GD&TĐ) - Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) vừa công bố Báo cáo xúc tiến xuất nhập khẩu 2010-2011. Báo cáo cho thấy, mặc dù xuất khẩu Việt Nam những năm qua vẫn tăng khá tốt, tuy nhiên ẩn chứa nhiều thách thức. Nếu không sớm có những giải pháp, lộ trình hợp lý, xuất khẩu Việt Nam sẽ khó có thể tiếp tục tăng một cách vững chắc…

Báo cáo cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2011 ước đạt 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2010, vượt chỉ tiêu đề ra (tăng 10%). Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm tỷ trọng 50,3%, đạt 48,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng vượt trội, tăng 45,9% so với năm 2010.

Xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới không có nhóm hàng nào chiếm quá 10% thị phần toàn cầu. Ảnh: Internet
Xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới không có nhóm hàng nào chiếm quá 10% thị phần toàn cầu. Ảnh: Internet

So với năm 2010, có thêm 2 mặt hàng là túi xách, va li, mũ, ô dù và sản phẩm từ sắt thép có kim ngạch trên 1 tỷ USD, đưa các mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD lên con số 23 mặt hàng. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 49,7% đạt khoảng 47,9 tỷ USD, tăng 22,5%.

Năm 2011, tuy kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn đạt kết quả cao, vượt trội cả về quy mô xuất khẩu và tốc độ tăng so với năm trước. Tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu, nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu. Tỷ lệ xuất khẩu/GDP vượt qua mức 80% (năm 2010 là 70%).

Nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm giai đoạn 2001-2010 ở mức cao, đạt 19%/năm. Quy mô xuất khẩu tăng từ 15 tỷ USD năm 2001 lên 72,19 tỷ năm 2010, tăng hơn 4,7 lần. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên GDP tăng từ 46% năm 2001 lên 70% năm 2010. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 220 nước và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đã vươn lên chiếm tỷ trọng 50,3% (năm 2010 là 45,8%) với tốc độ tăng trưởng vượt trội, tăng 45,9% so với năm 2010.

Trong 10 năm qua, xuất khẩu đã đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế. Các điều kiện nghiêm ngặt của thị trường nhập khẩu đã khuyến khích áp dụng các quy định về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, phương pháp sản xuất thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, phát triển xuất khẩu góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ lao động, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với khu vực nông thôn.

Cùng với đó, báo cáo cũng đã chỉ ra, giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp, do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ. Chính sách phát triển xuất khẩu trong thời gian qua quá chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu. Việt Nam chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có khả năng tham gia vào khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Tăng trưởng xuất khẩu, ở chừng mực nào đó, chủ yếu dựa vào việc khuyến khích khai thác tài nguyên thiên nhiên và sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố đầu vào gây ô nhiễm.

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, có thể thấy rõ có 4 nhóm nhân tố chính: thứ nhất là thiếu vốn (24,36% rất khó khăn và 24,49% khá khó khăn), thiếu nguyên liệu đầu vào (16,9% rất khó khăn và 26,76% khá khó khăn), yêu cầu thị trường phức tạp (21,95% rất khó khăn và 37,8% khá khó khăn) và giá thành các chi phí vận chuyển phân phối và lưu trữ tại Việt Nam cao.

Đặc biệt là các chi phí vận động và "bôi trơn" trong việc thực hiện các thủ tục hành chính được tính vào chi phí. Doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí đầu vào, tối thiếu lương và quản trị nhân sự hiệu quả nhưng lại không thể và không có cách nào để giảm các chi phí giao dịch xã hội, mà các chi phí này cấu thành một phần không nhỏ trong giá thành để có thể cạnh tranh.

Do các mặt hàng của Việt Nam không đòi hỏi công nghệ cao nên sử dụng công nghệ đại trà và cơ cấu nhập khẩu cho thấy đây là các công nghệ ít tiên tiến (so sánh tương đối với Hoa Kỳ và Châu Âu) vì ta chủ yếu nhập công nghệ từ Trung Quốc và ASEAN). Tương tự, các ngành nông nghiệp và gia công xuất khẩu tại Việt Nam chưa đến mức đòi hỏi nguồn nhân lực có tri thức cao nhưng lại cần có kỹ năng thực hành giỏi. Trong khi lao động phổ thông chuyển đổi giữa các ngành dệt may, giày dép sang điện tử đã làm mất đi rất nhiều công sức trong việc đào tạo tay nghề công nhân.

Xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới không có nhóm hàng nào chiếm quá 10% thị phần toàn cầu, điều này có nghĩa là chúng ta không có quyền quyết định mức giá trên thị trường toàn cầu. Ngay cả một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam trong Top dẫn đầu trên thị trường thế giới như: gạo, cà phê, hạt điều... thì Việt Nam vẫn không đủ năng lực quyết định mức giá bán trên thị trường toàn cầu.

Phương pháp giảm giá liên tục (low-cost, phí hạ) là một trong hai chiến lược cơ bản thành công thì không có doanh nghiệp nào áp dụng được do việc không ngừng tăng năng suất để giảm chi phí hoặc giảm chi phí các đầu vào cũng như cách thức tổ chức triển khai sản xuất tiết kiệm tại Việt Nam đã gặp giới hạn.

Xuất khẩu của Việt Nam nói chung xác lập vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu ở nhóm hàng hóa cơ bản như dầu mỏ và khoáng sản, nông sản, hàng dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và điện tử. Đây là những ngành thâm dụng lao động lớn nhưng về xu thế không còn tăng trưởng nhanh trên thế giới, đồng thời rất dễ bị ảnh hưởng bởi việc hạ thấp chi phí từ các đối thủ mới có chi phí lao động thấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong tương lai gần Việt Nam khó có thể chuyển đổi năng lực công nghệ để nâng lên mức cao hơn trong thang giá trị gia tăng toàn cầu. Trong khi đó, khu vực FDI chưa chuyển giao hiệu quả công nghệ cho phía Việt Nam và mức đầu tư cho nghiên cứu triển khai trên cả nước rất thấp làm chậm tiến trình chuyển đổi năng lực sản xuất theo hướng hiện đại.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, xem xét xuất khẩu không thể tách rời xem xét nhập khẩu. Tại Việt Nam, nhập khẩu nguyên phụ liệu và công nghệ góp tỷ trọng lớn trong tỷ trọng giá trị xuất khẩu. Điều này phản ánh năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là vô cùng yếu và mới chỉ bắt đầu được quan tâm trong một vài năm gần đây. Nhiều chiến lược và kế hoạch cho tăng trưởng xuất khẩu mà không xem xét kỹ vào thực trạng và năng lực sản xuất hiện tại, thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ cho thấy rằng, càng muốn gia tăng xuất khẩu các mặt hàng thô và căn bản, nền kinh tế càng trở nên dễ bị tổn thương hơn với các cú sốc bên ngoài.  Do vậy, các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển xuất khẩu trong dài hạn, Việt Nam cần chiến lược tái cấu trúc cơ cấu ngành sản xuất, thực hiện chiến lược nhập khẩu đúng đắn. Mô hình tăng trưởng hướng vào xuất khẩu của Việt Nam cần tăng hàm lượng công nghệ của khu vực xuất khẩu, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ gắn kết chặt chẽ với mạng lưới sản xuất và chuyển giao công nghệ toàn cầu.

Vũ Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ