VN-Index giữ thành công mốc 1.200 điểm

GD&TĐ -Ngày 28/6, VN-Index đánh dấu 4 phiên tăng giá liên tiếp với lực kéo mạnh từ nhóm ngân hàng, bất động sản, dầu khí…

Ngân hàng giữ nhịp thị trường

Kết phiên giao dịch 28/6, nhóm ngân hàng, bất động sản tăng trưởng mạnh, kéo VN-Index tăng 1.218 điểm, cao hơn phiên trước 15,28 điểm – tương đương 1,27%.

Thanh khoản cũng cao hơn phiên trước khi sàn HSX đạt trên 14.338 tỷ đồng. Tổng 3 sàn (HSX, HNX và UpCom) đạt trên 15.781 tỷ đồng.

Đóng góp lớn nhất vào việc giữ nhịp thị trường phải kể đến nhóm ngân hàng khi hàng loạt mã đạt sắc xanh với mức tăng cao nhất trên 6%.

Các mã tăng mạnh như LPB, STB, CTG, OCB, TPB, TCB, VPB… trong đó mã LPB tăng gần hết biên độ với 6.35%.

Nhóm bất động sản cũng đánh dấu phiên tăng điểm mạnh, khi CEO, DIG, LDG… tăng hết biên độ. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu họ FLC cũng đánh dấu phiên thứ 4 liên tiếp tăng hết biên độ kể từ khi nhóm này chỉ được phép giao dịch vào buổi chiều kể từ ngày 1/6.

Nhóm cổ phiếu bất động sản khác như KBC, SCR, DXG, PHR, TCH, TCD… cũng giữ sắc xanh với mức từ 1 – 4% so với phiên giao dịch trước đó.

Mã cổ phiếu ITA trong nhóm bất động sản gây chú ý khi có 2 phiên giảm sàn liên tiếp do tác động từ tin đồn phá sản.

Việc VN-Index tăng điểm liên tiếp phải kể đến sự góp sức của nhóm VN30 – nơi hội tụ những cổ phiếu có vốn hóa lớn, tác động mạnh đến thị trường.

Kết phiên 28/6 có 23 mã trong nhóm VN30 tăng điểm, 2 mã tham chiếu và 5 mã giảm điểm. Đáng chú, 5 mã giảm điểm gồm HPG, NVL, SSI, VIC, VNM. Ngoài VIC, các mã còn lại trước đó đã có tuần tăng điểm liên tiếp.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) nhận định: VN-Index giữ được mức 1.200 điểm có ý nghĩa quan trọng với thị trường chung, củng cố tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, những ngày tới thị trường có thể tích lũy ở vùng 1.250 – 1.250 điểm trước khi thể hiện rõ xu thế tiếp theo.

Theo một môi giới của Công ty Chứng khoán VPS, với diễn biến hiện tại của VN-Index, nhà đầu tư có thể giải ngân một phần tiền mặt để thăm dò thị trường.

Kháng cự ngắn hạn của VN-Index sẽ là 1.300 điểm. Nếu VN-Index vượt 1.300 điểm nhà đầu tư có thể gia tăng vị thế và ngược lại – nếu VN-Index chinh phục 1.300 điểm thất bại thì nhà đầu tư ngắn hạn có thể cơ cấu lại danh mục, ưu tiên nắm giữ tiền mặt.

Nhiều yếu tố khó lường có thể ảnh hưởng VN-Index

Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, các diễn biến trong nước và quốc tế có thể quyết định xu thế thị trường trong những ngày tới. Nếu các số liệu về tình hình lạm phát của các nền kinh tế lớn ở mức vừa phải thì sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Tiếp theo các tình hình xung đột quốc tế nếu có dấu hiệu hạ nhiệt thì sẽ là động lực giúp chứng khoán thế giới tăng trưởng.

Bất chấp lạm phát ở châu Âu vượt 8% và Mỹ vượt 8,6% vào tháng 5/2022, Bloomberg vẫn đưa ra những dấu hiệu cho thấy, tình hình lạm phát toàn cầu có thể được hạ nhiệt. Đó là là giá cước vận tải giao ngay bằng conteiner WCI đã giảm 26% so với tháng 9/2021.

Giá chip máy tính của InSpectrum Tech giảm 50% so với tháng 7/2018 và giá phân bón Bắc Mỹ giảm 24% so với tháng 3/2022 (tức 1 tháng sau khi Nga phát động cuộc chiến với Ukraine.

Nếu lạm phát chững lại trong những tháng tiếp theo, đó sẽ là động lực thúc đẩy chứng khoán thế giới và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến VN-Index.

Trong nước, các yếu tố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tốc độ giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng.

Tuy nhiên, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, việc ngân hàng nhà nước cho phép các ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn sẽ tác động đến cung tiền chảy vào chứng khoán. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường những phiên gần đây ở mức thấp.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, nhà môi giới Nguyễn Mạnh Thiệp, Công ty Chứng khoán VPS nhận định: VN-Index có tín hiệu tích cực khi vượt thành công mốc 1.200 điểm.

Các chỉ báo kỹ thuật như RSI, MACD đang dần tạo đáy cao hơn và xuất hiện tín hiệu phân kỳ dương. Điều này, cho thấy đà giảm đang dần suy yếu. Các nhóm đang thu hút dòng tiền như bảo hiểm, thực phẩm, chứng khoán và dầu khí…

Phiên giao dịch 28/6 cho thấy, dòng tiền thông minh quay trở lại thể hiện triển vọng trong ngắn hạn đang được cải thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vinh danh nghệ sĩ tiêu biểu năm 2024

Vinh danh nghệ sĩ tiêu biểu năm 2024

GD&TĐ - Chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024 sẽ diễn ra tối 11/1.