1. Trường học làm bằng giấy
Ngôi trường do cặp vợ chồng Canada - Đài Loan John Lamorie và Shelly Wu tạo ra có diện tích 75m2, được xây dựng từ hơn 1.000 kg giấy báo cũ do học sinh trong vùng quyên góp từ "kế hoạch nhỏ" lấy báo đổi lấy phần thưởng. Vợ chồng Lamorie đã miệt mài tạo dựng ngôi trường đặc biệt này trong thời gian khoảng một năm và hiện nay đã được đưa vào sử dụng. Ngôi trường có sức chứa 16 học sinh ở địa phương.
Ngôi trường đặc biệt được làm bằng giấy |
2. Trường trong núi, Quý Châu, Trung Quốc
Đó là trường tiểu học mang tên Dongzhong, khá kỳ lạ đặt trong một hang đá tự nhiên rất lớn, đã ra đời trên bộn bề những khó khăn để đón nhận toàn bộ các em nhỏ ở làng Miao gần đó đến học tập. Từ khi thành lập, ngôi trường này luôn có số lượng học sinh cao, ít có hiện tượng bỏ học giữa chừng.
3. Trường trung học số 9 tại trung tâm Los Angeles
Với tư tưởng thiết kế cách tân, công trình trông giống như một bảo tàng nghệ thuật đỉnh cao với các hình khối đan xen một cách vô cùng ngẫu hứng. Các nét cong và thẳng của chủ nghĩa biểu hiệu tạo nên một sự khác biệt không đơn điệu và đầy chất hiện đại. Thêm vào đó là sự thống nhất giữa nội thất và hình khối công trình một cách hoàn hảo. Công trình này được xây dựng bởi nhà thiết kế người Áo thuộc công ty Coop Himmelbau tại trung tâm Los Angeles. Trung học số 9 đào tạo học sinh cho các môn nghệ thuật biểu diễn. Trường có khoảng 1800 học sinh và có đầy đủ đặc trưng của 1 rạp chiếu phim với sức chứa 1000 chỗ.
4.Trường tiểu học "biên giới", bang Arizona, Mỹ
Nhìn vào ngôi trường mang cái tên khá kỳ cục “Trường tiểu học biên giới” ở Bang Arizona (Mỹ) người ta cứ ngỡ đây là tác phẩm của người ngoài hành tinh bởi nó thật khác thường, chẳng giống bất kỳ một ngôi trường bình thường nào trên trái đất. Thực ra, ngôi trường này được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu nhà vòm liền khối (Monolithic Dome) nhằm mục đích tạo ra cảm giác thân thiện, gần gũi cho các học trò nhỏ, giúp chúng tự tin và thích thú khi đến trường. Phải nói rằng, tuy có lối kiến trúc khá độc đáo, nhưng phương thức xây dựng trường học này theo mái vòm lại có khá nhiều ưu điểm như: giảm chi phí vật liệu xây dựng mà kết cấu lại vững chắc.
5. Trường CĐ Orestad được thiết kế hiện đại với những ô cửa kính màu sắc trong suốt tự động, luân phiên mở nhằm đón ánh sáng mặt trời. Bên trong đầy đủ nội thất siêu hiện đại, cầu thang gác xoáy và cùng với bục giảng đặt bên trên. Chưa hết, học sinh sẽ được thoải mái tựa trên những chiếc gối ôm màu vàng cam rất sành điệu trong khi nghe giảng.
6. Trường nổi, Vịnh Hạ Long, Việt Nam
Tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam) có các làng nổi, ở đó, người dân sinh hoạt chủ yếu trên các con thuyền và chỉ lên bờ khi cần trao đổi buôn bán. Chính điều đó đã giải thích tại sao ở đây lại xuất hiện những ngôi trường nổi trên những con thuyền lớn. Những ngôi trường như thế này ra đời đã đáp ứng được nhu cầu học tập của toàn bộ con em ngư dân trong vùng, những người vốn chỉ thích sinh hoạt trên sông nước.
7. Trường tiểu học Terraset (Virginia, Mỹ)
Ngôi trường sẽ khiến mọi người nghĩ là hầm trú ẩn trong trường hợp có chiến tranh hạt nhân bởi thiết kế khá đặc biệt. Trường được xây dựng dưới mặt đất càng làm tăng nỗi hoài nghi của những người lạ mặt cho rằng đây là một căn cứ quân sự bí mật. Thực ra ngôi trường này là kết quả của cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra vào những năm 70 thế kỷ trước. Do những đòi hỏi cấp thiết phải hạn chế tối đa việc tiêu tốn năng lượng nhưng vẫn có thể đảm bảo duy trì hoạt động giảng dạy, cuối cùng, phương án xây dựng ngôi trường dưới mặt đất đã được lựa chọn và thực hiện. Ban đầu, người ta san phẳng một quả đồi lớn rồi xây dựng ngôi trường tại đó. Khi phần thô của công trình đã hoàn tất, người ta bắt đầu lấp đất lên rồi tiếp tục hoàn thiện nó.
8. Đại học công nghệ thông tin Nanyang, Singapore
Với triết lý mới, trường học cũng không được nằm ngoài trào lưu tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, đây là 1 trong những khu mái vòm xanh thú vị nhất thế giới tại khuôn viên trường đại học công nghệ thông tin Nanyang, Singapore. Trường có lối kiến trúc hiện đại, rất hòa hợp với môi trường chung quanh. Những bức tường thủy tinh bắt mắt cho phép lượng lớn ánh sáng tự nhiên rọi vào bên trong, và chiếc mái hiên đầy cỏ được dùng như 1 địa điểm họp mặt lý tưởng của học sinh. Mái vòm “xanh” đúng nghĩa này cũng bảo vệ cho khu nhà, làm mát không khí xung quanh.
9. Trường “Côngtenơ”, Amsterdam, Hà Lan
Nhà trẻ có tên “De kleine kapitein” ở Amsterdam, Holland được coi là nhà trẻ độc nhất vô nhị trên thế giới. Bên ngoài được trang trí với những mầu sắc rất vui mắt, thế nhưng nhà trẻ này được xây dựng hoàn toàn bằng các côngtenơ công nghiệp có rất nhiều ở Amsterdam - một trong những cảng biển lớn nhất thế giới.
Lập Phương (TH)