Thị trường hấp dẫn
Vài năm trở lại đây, thị trường lao động Hàn Quốc trở nên hấp dẫn người dân Việt Nam bởi nhiều ưu điểm như: Thu nhập cao, ngành nghề phổ thông phù hợp với nhiều đối tượng, khí hậu ôn hòa, đi lại dễ dàng… Vì thế, nhiều người Việt đã tìm đường sang Hàn Quốc làm việc, đặc biệt là lao động phổ thông ở các vùng nông thôn, miền núi... Phần lớn lao động Việt sang Hàn Quốc làm các công việc chân tay như xây dựng, nông nghiệp. Công việc nặng nhọc và vất vả nhưng mang lại thu nhập khá cao nên vẫn thu hút nhiều người.
Bác Nguyễn Văn Hiệp, quê Chương Mỹ (Hà Nội), chia sẻ: “Gia đình tôi có con gái lấy chồng Hàn Quốc được hơn 10 năm. Hiện con rể mở công ty xây dựng và tuyển công nhân. Đa số lao động là người Việt Nam. Theo tôi được biết, công ty trả lương cũng tương đối cao. Chẳng hạn, nhân viên nấu cơm, dọn dẹp, phụ hồ… trung bình mỗi giờ được trả khoảng từ 750 - 800 won/giờ (tương đương với khoảng từ 150 - 200 nghìn đồng/giờ). Công việc nặng nhọc hơn, nguy hiểm hơn như leo trèo sơn nhà, lắp cửa, khoan, cắt bê tông… được trả cao hơn, khoảng từ 1.500 - 1.600 won/giờ. Tính ra, mỗi tháng, mỗi người cũng được một khoản kha khá, từ 40 - 45 triệu đồng/tháng với những thợ bình thường. Còn thợ bậc cao có thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập mà nhiều người trong nước còn mơ ước”.
Bên cạnh công việc xây dựng, nhiều lao động phổ thông Việt Nam còn sang làm nghề nông như: Chăn nuôi, trồng trọt... Những công việc này đa phần dành cho nữ giới. Khi nhận lao động người Việt vào làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, các ông chủ người Hàn cũng rất lo lắng nếu không may xảy ra tai nạn. Bởi đa phần họ là những lao động bất hợp pháp, không có giấy tờ, khi đưa đi viện chữa trị, bị phát hiện sẽ bị đuổi về nước.
“Tấm lá chắn” mưu sinh
Phần lớn lao động Việt Nam bất hợp pháp ở Hàn Quốc sống trong cảnh chui lủi ở những căn nhà nhỏ cấp bốn chật hẹp, khuất, xa, giá rẻ khoảng từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Cuộc sống tạm bợ, xen lẫn nỗi thấp thỏm, âu lo bị phát hiện.
Trước thực trạng này, nhiều người đã tìm cách hợp pháp hơn để có thể được làm việc, mưu sinh tại Hàn Quốc. Bởi vậy, việc nới lỏng chính sách visa du lịch Hàn Quốc từ tháng 12/2018 cho những công dân ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM được coi là một tín hiệu vui cho nhiều lao động người Việt. Loại visa này còn được miễn chứng minh tài chính với một số đối tượng từng sang Hàn Quốc từ 2 lần trở lên… Theo đó, người dân chỉ cần đến làm thủ tục và nộp khoản phí 80 USD, sau một tuần là nhận được visa. Bởi vậy, nhiều người đã đổ xô đi làm visa dịp đầu tháng 4 vừa qua.
Chị Lê Thị Bích, quê Ba Vì (Hà Nội), chia sẻ: “Tôi đã sang Hàn Quốc lao động được hơn 2 năm ở một nông trại. Ngày nào tôi cũng sống trong tâm trạng âu lo, thấp thỏm vì sợ bị cảnh sát bắt được, trục xuất về nước. Hàng ngày, chúng tôi được ông chủ tới đón đi làm, tối lại đưa về. Từ chỗ ở đến chỗ làm không xa lắm chỉ mất nửa tiếng chạy ô tô. Hàng ngày, chúng tôi đi hái táo, hái dâu, hái lê… đến trưa được nghỉ ngơi, ăn cơm khoảng 1 tiếng rồi ai vào việc nấy. 6 giờ chiều chúng tôi được về chỗ ở. Công việc không quá vất vả nhưng ngặt nỗi, ngoài công việc ra, chúng tôi tuyệt đối không được đi ra ngoài chơi, không được nói to… chỉ được ở trong nhà. Bởi vì, đi ra ngoài, chúng tôi không biết tiếng, chẳng may có bị lạc, cảnh sát bắt được sẽ trục xuất về nước và sẽ mất cơ hội việc làm”.
Qua theo dõi báo, đài và mạng Internet… chị Bích biết được chính sách nới lỏng visa du lịch của Hàn Quốc, thời hạn 5 năm, không cần chứng minh tài chính, không phải đặt cọc cho bên làm thủ tục nên rất mừng. “Với visa du lịch này tôi không còn lo lắng. Giờ chỉ việc tuân thủ tốt luật pháp Hàn Quốc, chịu khó lao động, không vi phạm quy định nơi làm việc là có thể kiếm tiền hàng tháng đem về cho con ăn học”.
Việc mưu sinh ở xứ người bất hợp pháp những năm qua không ít. Nhiều trường hợp bị bắt, trục xuất về nước, thế nhưng, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người vẫn bất chấp. Chính sách nới lỏng visa du lịch vừa rồi càng thu hút lao động phổ thông đến Hàn Quốc. Họ hy vọng, đó sẽ là “tấm lá chắn” có thể giúp họ mưu sinh nơi xứ người.