(GD&TĐ) - Đang nằm điều hòa mát rượi ngày thứ bảy, điện thoại ông anh họ hạ lệnh khẩn: “Chú đến đưa anh ra chỗ này một tí!”. Ngó ra cửa sổ thấy đường Hà Nội nắng chang chang chói mắt mà thấy ngại: “Tối đi được không anh?”. Giọng đầu dây bên kia như thét lên khiến tôi phải rời điện thoại cách tai mấy tấc: “Không. Luôn và ngay. Sắp chết rồi”…
Trông em lông tóc thế này mà...
Thôi chết rồi, kiểu tuyệt vọng thế này chắc anh tôi bị ung thư. Quên cả nắng nóng chảo lửa, tôi hộc tốc bốc gan bay đến nhà anh. Thấy ông anh mặt buồn rười rượi mà đau xót quá mức. Viễn cảnh anh em đi nhậu, đi câu cuối tuần ngày lễ tan biến như bọt xà phòng.
- Anh sinh thiết chưa? Phải sinh thiết mới chính xác. Chứ chẩn đoán vớ vẩn đừng có tin.
Tôi lên giọng an ủi. Nào ngờ, anh tôi mặt thuỗn ra:
- Sao lại phải sinh thiết?
Hứ. Cái ông này, ung thư thì phải sinh thiết chứ sao, hỏi gì mà lạ lùng. Tôi tuôn một tràng kiến thức thăm khám ung bướu của mình (dù gì thì tôi cũng là anh học Trung cấp Y - Dược). Nào ngờ, anh tôi phẩy tay bất cần:
- Chú vớ vẩn thì có. Tôi không phải ung thư. Nhưng cũng đang ôm một khối u uất đây.
Loại u uất của anh tôi khởi phát từ nhu cầu có thêm con. Nhà anh tôi con một, lấy vợ mấy năm mới đẻ được cô con gái thì bà chị làm tiến sĩ, việc con cái tạm dừng lại. Giờ thì bà vợ đã công thành danh toại, muốn thực hiện tiếp kế hoạch dang dở sinh thêm con. Anh tôi mừng húm.
Vậy nhưng ngày buông đêm thả đã được tròn năm mà vẫn không thấy gì. Lo lắng bị vô sinh thứ phát nên cả hai vợ chồng cùng dắt nhau đi khám. Sau vài ngày quay như dế ở bệnh viện phụ sản, bác sĩ kết luận: Vợ khỏe, chồng có vấn đề, khó có con.
“Vấn đề” cụ thể là gì anh? – Tôi vội vàng hỏi. Anh tôi chẳng nói chẳng rằng một hồi, sau mới khẽ bảo: “Anh thấy nhục với vợ lắm. Nên chú đưa anh đến chỗ nào tin tưởng khám lại xem sao”.
Chở ông anh đang ôm tâm trạng nặng nề đến bệnh viện nam khoa nổi tiếng trong thành phố, cũng phải đi lại xét nghiệm lòng vòng một hồi. Ngồi đợi kết luận, anh tôi hồi hộp lắm. Quen bác sĩ nên tôi được vào cùng anh nghe tư vấn.
Buồn thay kết luận không khác với lần khám trước, anh tôi khó có thể có thêm con nữa. Bác sĩ kéo anh chỉ vào ống kính hiển vi: “Cậu xem đi. Nòng nọc con nào cũng đứt đuôi như thế thì làm sao vợ có bầu được. Con nào đủ đuôi thì lại yếu yếu ển ển...”.
Anh tôi buồn bã hồi lâu, rồi thắc mắc: “Bác sĩ ơi, em trông lông tóc đầy người, đàn ông thế này mà sao lại vô sinh được ạ? Em có con gái rồi mà?”.
- Vấn đề này không liên quan đến lông tóc. Trước đây còn trẻ, khỏe khoắn hơn thì không sao. Giờ lớn tuổi hơn, lại bia rượu thuốc lá, sinh hoạt không điều độ nó mới thế này... - Vị bác sĩ giải thích.
Chẳng biết an ủi thế nào với ông anh họ. Vì dường như nói câu nào cũng là thừa. Chợt nghĩ đến sức khỏe sinh sản của mình, tôi lại rởn tóc lo lo. Biết đâu đến lúc nào đó lại vướng phải căn bệnh “gia tài còn lại một vòi nước trong”?
Nỗi kinh hoàng lớn nhất
Từ bệnh viện về, tôi tự chiêu đãi mình một vài quai ngoài hàng bia với đám bạn. Mừng vì mình vẫn có thể sinh con, và cũng ngầm chia sẻ nỗi buồn với ông anh kính quý.
Vài chầu túy lúy, chuyện nở như ngô rang, sàng qua sẩy lại thì đến chủ đề đàn ông sợ gì. Vừa gặp “chuyện nhỡn tiền”, tức thì tôi nổ: “Chắc sợ nhất là vô sinh mày ạ. Đàn ông mà không mạnh khoản đó, không duy trì được nòi giống là vứt”.
Đám bạn nhao nhao cãi cọ. Có đứa lý luận: “Việc có con hay không thì cứ phải đi khám mới biết, mà không đi khám thì coi như là vẫn... khỏe, vẫn đàn ông, chẳng sợ quái thằng nào. Sợ nhất chính là “vợ ốm, con đau, bồ có chửa”. Sợ chưa sợ chưa...?”.
Cũng có lý, nhưng như thế là sống không lành mạnh. Đứa nào có tật mới sợ cảnh đó. Chứ còn không thì vểnh râu chẳng lo giàn thiên lý đổ bao giờ. Đây không phải là lo lắng thường trực nhất của phái mạnh chúng mình!
Bài toán khó đây. Các thành viên bàn nhậu thi nhau bàn luận. Và kết luận được thống nhất chính là nỗi sợ liên quan đến “cái ấy”.
Đêm về vắt tay lên trán, nghĩ đến chuyện buồn của ông anh và những phát kiến của đám bạn nhậu, mới thấy đúng là đàn ông hay lo lắng, sợ hãi những vấn đề loanh quanh khó nói. Mà chung quy chính là cái sĩ diện của mỗi thằng mà thôi!
Ví như chuyện “kích cỡ”. Bạn tôi có lần kể cô người yêu mê đắm chỉ vì sức mạnh như ngoại binh lâm trận. Hay như cậu đồng nghiệp ở cơ quan lúc trà dư tửu hậu không thể ngừng so sánh của mình với những điều nghe thấy hay nhìn thấy, như trong phim nóng chẳng hạn, để xem mình có thất bại trong chuyện yêu không.
Cho dù được các “sư phụ” trong cơ quan chỉ dạy là giống như nhiều yếu tố khác trong nội dung các phim này, kích cỡ cũng không phải là thật. Nên hãy bỏ dụng cụ đo đạc xuống, chỉ cần hạnh phúc với những gì đang có, không cần so sánh nó với bất cứ ai. Nhưng khuyên vậy chắc gì đã nghe!
Hay chuyện vợ anh nào đó ngoại tình, hàng xóm láng giềng chưa ai biết, anh ta sẽ “ngậm miệng” để giữ sĩ diện. Nhưng khi chuyện đã vỡ lở, dù vợ anh ta có xin lỗi, ăn năn, thì mọi chuyện lại càng trở nên tồi tệ hơn, bởi người chồng sẽ thấy mình đã bị mất mặt với người ngoài, nên quyết tâm ly hôn cũng là để giữ “thể diện”.
Thời gian gần đây, các vụ việc cắt đứt, gây thương tích cho “của quý” của chồng, bạn trai vì giận hoặc ghen tuông xảy ra không còn hiếm. Những nhân vật chính trong câu chuyện đòn ghen chẳng ai có đủ vị tha, bao dung để bỏ qua tất cả. Các bà vợ, tình nhân khi cắt “của quý” của chồng, của người tình thường không ý thức được hậu quả khôn lường. Việc này là tiêu điểm “hot” của giới đàn ông văn phòng. Tôi được dự “trà đàm” buổi sáng không biết bao nhiêu câu chuyện xung quanh các tin đưa trên báo chí: nào là cắt rồi vứt xuống ao, có chị còn cẩn thận đem chôn, hay dội nước sôi vào...
Cắt rồi để lại cho nối còn đỡ tủi, đằng này triệt hạ tận gốc mới gọi là ác. Có một cậu thanh niên, làm gì đó để bạn gái điên lên, cắt phăng trong khi cậu ta ngủ. La hét kêu đau, suýt ngất lịm, nhưng cô bạn gái vẫn rất bình tĩnh cầm “thằng nhỏ” đem đi cất. Sau đó cô còn ngoảnh mặt giận dữ bảo: “Cắt” thế cho khỏi đi lăng nhăng với cô này, cô kia. Từ nay coi như cho làm “thái giám” luôn. Có lẽ nỗi kinh hoàng nhất của nam giới chính là đây, mất đi thì chẳng còn gì là sĩ diện nữa.
Ngẫm đi ngẫm lại đàn ông cứ kêu mình là phái mạnh, là chỗ dựa cho phụ nữ... nhưng thực ra lại có quá nhiều “huyệt đạo” yếu ớt họ hàng
virrus sĩ diện: Mất việc, yếu sinh lý, không có con, hèn đớn, nhu nhược...
Nhiều khi vì mặc định đã là đàn ông thì “đầu đội trời chân đạp đất”, nên nhiều người đau khổ thì giấu trong lòng, chất chồng tâm sự chứ không dám nói với ai, kể với ai. Ngay cả người thân cũng giấu biệt. Cuộc sống vì thế mà thêm nặng nề, gồng mình mệt mỏi.
Nghĩ có phần thông suốt, tôi tự nhủ có khi phải tư vấn lại cho ông anh họ. Đừng ôm tủi một mình không chia sẻ với vợ con. Đừng vì việc không có con mà bi quan, sinh phiền não, nghĩ mình không đáng mặt đàn ông nữa. Cứ nhăm nhăm nghĩ vợ coi thường, mặt nặng mày nhẹ, chì chiết lẫn nhau lại phá hỏng hạnh phúc gia đình. Có sao dùng vậy, cuộc đời làm sao vo tròn trọn vẹn. Tâm sự, chia sẻ với người thân, để họ biết tránh đụng chạm đến những cái huyệt danh dự của người đàn ông cũng là cách giữ hòa khí trong mỗi nhà.
Gia Bảo