Vinh quang trên vai người nghệ sĩ đàn dân tộc - NSƯT Cồ Huy Hùng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật, TS.NSƯT Cồ Huy Hùng đã thành công trên cả 3 vai trò biểu diễn, giảng dạy và nhà quản lý.

NSƯT Cồ Huy Hùng (trái) nhận Giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh: NVCC- Nguyễn Á.
NSƯT Cồ Huy Hùng (trái) nhận Giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh: NVCC- Nguyễn Á.

Mới đây, TS.NSƯT Cồ Huy Hùng là một trong 6 nghệ sĩ được tôn vinh trong Giải thưởng Trần Văn Khê.

Phần thưởng hạnh phúc

Là Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, TS.NSƯT Huy Hùng đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi. Nhưng có lẽ với anh việc nhận giải thưởng Trần Văn Khê lần này là vinh dự, tự hào nhất.

Ngoài Cồ Huy Hùng, giải thưởng năm nay còn tôn vinh 5 nghệ sĩ, nhà nghiên cứu khác là nhà giáo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời; PGS.TS Đặng Hoành Loan; nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền; TS.NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng; nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng.

“GS Trần Văn Khê là “cây đại thụ”, thư viện sống, một bách khoa toàn thư về âm nhạc dân tộc và cũng chính ông là người đã đưa âm nhạc dân tộc có mặt trên “bản đồ” âm nhạc thế giới.

NSƯT Cồ Huy Hùng. Ảnh: NVCC.

NSƯT Cồ Huy Hùng. Ảnh: NVCC.

Giáo sư đã đi xa nhưng tinh thần, tư tưởng của ông còn sống mãi, luôn thúc giục, động viên chúng tôi trên con đường nghiên cứu, giảng dạy, biểu diễn âm nhạc dân tộc.

Bởi vậy, việc nhận giải thưởng mang tên ông trong lần đầu tiên tổ chức là phần thưởng không thể hạnh phúc hơn”, NSƯT Cồ Huy Hùng vinh dự bày tỏ.

Theo NSƯT Cồ Huy Hùng, sinh thời GS Trần Văn Khê từng bộc bạch: “Ai đi xa đất nước cũng nhớ về đất nước. Để vơi nỗi nhớ, có người về thăm đất nước, có người tìm mua những món ăn truyền thống của dân tộc, còn với tôi, thì tôi khảy mấy cung đờn. Khi nghe tiếng đờn, tôi thấy lòng bình yên, thấy mình thêm gần đất nước hơn”.

“Lý lẽ đó của thầy đã khẳng định, âm nhạc dân tộc chuyên chở hết tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của người Việt Nam. Và nhất là với người đang sống ở nước ngoài thì tiếng đàn dân tộc gợi lên biết bao điều về hình ảnh quê hương, đất nước.

Bởi vậy, chúng tôi hiểu sứ mệnh của mình cao cả và quan trọng nhường nào. Dù còn nhiều thiệt thòi nhưng thầy trò chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng, tiến bộ để không hổ thẹn với thế hệ đi trước, với GS Trần Văn Khê. Việc nhận giải thưởng mang tên GS Trần Văn Khê là mốc son đánh dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật của tôi”, NSƯT Cồ Huy Hùng nói.

Vui mừng khi người đồng nghiệp nhận Giải thưởng Trần Văn Khê, NSƯT đàn nguyệt Anh Tấn (Trưởng đoàn nhạc, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen - TPHCM) cho rằng, đây là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của NSƯT Cồ Huy Hùng.

“Cồ Huy Hùng sở hữu tiếng đàn nguyệt nhuần nhuyễn, truyền cảm. Cách xử lý tác phẩm của anh khôn khéo, nhấn nhá rất có hồn để mang lại cảm xúc cho người xem.

Ngoài đời, anh là người giản dị, phong trần, có tính tình vui vẻ, hòa nhã. Anh không giấu nghề mà sẵn sàng sẻ chia, trao đổi kiến thức với người mới vào nghề. Ở anh ngời sáng tinh thần mày mò sáng tạo nghiêm túc, trách nhiệm”, NSƯT Anh Tấn nhấn mạnh.

NSƯT Cồ Huy Hùng (thứ 3, hàng ngồi từ trái sang) biểu diễn tại lễ trao Giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh: NVCC.

NSƯT Cồ Huy Hùng (thứ 3, hàng ngồi từ trái sang) biểu diễn tại lễ trao Giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh: NVCC.

Góp tiếng nói bảo vệ nghệ sĩ

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lần đầu tiên đưa 20 chuyên ngành trong nhóm nghệ thuật trình diễn có mặt trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo NSƯT Cồ Huy Hùng, việc này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhóm nghệ thuật trình diễn, trong đó có biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Âm nhạc truyền thống được coi là hồn cốt của dân tộc, phản ánh tầm vóc một nền văn hóa lâu đời nhưng hiện nay đang đứng trước những khó khăn từ công tác tuyển sinh đến việc tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

“Tuy nhiên, để âm nhạc truyền thống phát triển trong đời sống đương đại, Nhà nước cần có thêm sự khuyến khích, động viên thông qua các chính sách cụ thể, thiết thực”, NSƯT Cồ Huy Hùng bày tỏ.

Trong giới nghệ thuật, dường như NSƯT Cồ Huy Hùng khá kín tiếng. Tuy vậy mỗi khi cần lên tiếng bảo vệ quyền lợi của những học viên, giảng viên theo âm nhạc truyền thống, anh luôn có những chia sẻ công tâm, khách quan.

Cùng với đó, anh luôn trăn trở: Hiện nay, một số giảng viên của khoa đã giảng dạy nhiều năm mà vẫn chưa được biên chế rồi việc sinh viên ra trường khó kiếm được “chân” biên chế trong các nhà hát, đoàn nghệ thuật; biểu diễn không nhiều, cát-xê không cao. Đại đa số người dân đổ xô với âm nhạc mới, âm nhạc phương Tây mà chưa có sự quan tâm với âm nhạc truyền thống…

“Những điều đó đã “cản đường” cho sự phát triển của âm nhạc dân tộc. Nhưng không thể mãi “đứng im” mà “kêu gào”, chúng tôi nhận thấy bản thân mỗi nghệ sĩ, giảng viên cần có sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo hơn nữa trong việc truyền tải âm nhạc dân tộc bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt là sáng tác những tác phẩm đương đại nhưng mang hơi hướng hoặc có sử dụng âm nhạc dân tộc”, NSƯT Cồ Huy Hùng nhấn mạnh.

NSƯT Cồ Huy Hùng (trái) đệm đàn nguyệt trong một chương trình nghệ thuật. Ảnh: NVCC.

NSƯT Cồ Huy Hùng (trái) đệm đàn nguyệt trong một chương trình nghệ thuật. Ảnh: NVCC.

Thách thức của vinh quang

Luôn cho rằng nghệ thuật truyền thống còn nhiều thiệt thòi nhưng bản thân NSƯT Cồ Huy Hùng chưa bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình. Anh đã chọn và gắn bó với cây đàn nguyệt, một phần cũng do “gặp” được Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải.

Thầy Xuân Khải là Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh năm anh thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), đồng thời cũng là người dìu dắt và có sức ảnh hưởng rất lớn đến con đường sự nghiệp của anh. Khi mới chỉ là cậu bé 11 tuổi, anh đã giành Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 với tác phẩm “Cảm xúc quê hương” dành cho đàn nguyệt của thầy Xuân Khải.

Rồi liên tiếp là các tấm Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1992, giải Nhất Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 1998... đã dần khẳng định tên tuổi của anh trong mắt bạn nghề và công chúng.

NSƯT Cồ Huy Hùng luôn nhắc đến Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải như một tấm gương lớn trong quản lý cũng như biểu diễn, giảng dạy. “Chúng tôi thấy ở Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải một sự cần mẫn, trách nhiệm với học trò, luôn nỗ lực tìm đến cái mới, cái hay trong âm nhạc dân tộc để từ đó có những sáng tạo trong các tác phẩm mới.

Dù hướng nghiên cứu chính là đàn nguyệt nhưng thầy lại có kiến thức uyên thâm trong nhiều loại đàn, bởi theo thầy mỗi loại đàn đều có những nét độc đáo riêng mà người nghệ sĩ chơi đàn dân tộc cần nắm bắt để làm phong phú sự sáng tạo của mình.

Đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý, tôi học ở thầy Xuân Khải rất nhiều điều, giúp tôi hiểu việc quản lý một đơn vị nghệ thuật là điều không dễ. Đó là công việc khá nhạy cảm, dễ mất lòng nhau, bởi thế đòi hỏi người “thuyền trưởng” phải có sự khéo léo, hài hòa”, nghệ sĩ Cồ Huy Hùng chia sẻ.

NSƯT Cồ Huy Hùng và bạn đời - NSƯT Bùi Lệ Chi. Ảnh: NVCC.

NSƯT Cồ Huy Hùng và bạn đời - NSƯT Bùi Lệ Chi. Ảnh: NVCC.

Là một nghệ sĩ chơi đàn nguyệt hàng đầu nhưng NSƯT Cồ Huy Hùng chưa khi nào cho phép mình tự mãn, cao ngạo với những thành tích của bản thân. Bằng chứng là anh đã nỗ lực trau dồi, học hỏi kiến thức từ các nghệ nhân, chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc để bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Trung ương Trung Quốc và luận án Tiến sĩ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với đề tài “Đàn nguyệt trong một số phong cách nhạc cổ truyền người Việt” (do GS.TSKH Tô Ngọc Thanh và PGS.TS Bùi Huyền Nga hướng dẫn).

Quá trình nghiên cứu đã được anh chắt lọc trong 6 cuốn giáo trình về đàn nguyệt và hiện nay đang được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường âm nhạc trên toàn quốc.

Nhiều năm qua, anh cũng trực tiếp đưa các đoàn nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách trong lòng bạn bè quốc tế.

Như tại EXPO 2020 (từ tháng 10/2021 đến hết tháng 3/2022), tổ chức tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE), trên vai trò Trưởng đoàn nghệ thuật Việt Nam, anh góp phần “kể câu chuyện Việt Nam” đầy sinh động, hấp dẫn.

Sự thành công của NSƯT Cồ Huy Hùng hôm nay luôn có bóng dáng của người bạn đời - NSƯT Bùi Lệ Chi (giảng viên chuyên ngành đàn bầu, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Vợ chồng anh đã đồng hành cùng nhau từ nhà đến trường và trên những đỉnh cao sự nghiệp, để rồi nhìn lại là những niềm vui, sự tự hào, nhất là khi hai người con của anh chị theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (một người theo học violon, một người theo học piano).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mỹ cần chặng đường dài để tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hạt nhân, thoát phụ thuộc uranium Nga.

Mỹ bắt đầu thoát uranium Nga

GD&TĐ - Mỹ còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung cấp uranium Nga, tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng Mỹ.