Vĩnh Phúc: Lời giải cho việc phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ mới

GD&TĐ - Qua hàng chục năm cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, ngành nông nghiệp ở Vĩnh Phúc đứng trước những khó khăn về việc phát triển bền vững. Để hóa giải cho “bài toán khó” này, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã có những định hướng và ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích người nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với bối cảnh mới.

Máy móc thay sức người, gia súc trên cánh đồng ở Vĩnh Phúc
Máy móc thay sức người, gia súc trên cánh đồng ở Vĩnh Phúc

Nhìn lại lịch sử

Tỉnh Vĩnh Phúc nằm giữa vùng Bắc bộ, có 4 con sông chảy qua là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ. Trước đây, Vĩnh Phúc là tỉnh thuần nông, các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn đều nhỏ, không có sức nặng làm thay đổi cơ cấu kinh tế.

Sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu đồng bộ, bị chi phối bởi nhiều yếu tố tác động  khiến nguồn cung lương thực, thực phẩm luôn trong tình trạng bấp bênh.

Người nông dân Vĩnh Phúc với mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, an toàn, thân thiện với môi trường
Người nông dân Vĩnh Phúc với mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, an toàn, thân thiện với môi trường 

Được thành lập tháng 2/1950, giữa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ chia ruộng, cung cấp vốn, giống, trâu bò, nông cụ cho nông dân nghèo.

Năm 1954 - ngay khi mới giải phóng, để khôi phục kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, ngành, các đoàn thể vận động nông dân tích cực khai hoang, phục hóa, mô hình “tổ đổi công” được thành lập, nhờ vậy, năng suất lao động và cây trồng tăng lên, khắc phục được nạn thiếu đói ở địa phương.

Từ tháng 3/1968 đến tháng 12/1996, Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú. 29 năm đoàn kết phấn đấu, nông nghiệp Vĩnh Phú đạt được nhiều tiến bộ, đảm bảo “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” góp sức,chung lòng chống Mỹ cứu nước thắng lợi.

Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Nông nghiệp Vĩnh Phúc đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: Sản xuất nông nghiệp vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, mất cân đối, thường xuyên đối mặt với rất nhiều rủi ro. Nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ngày càng tăng.

Công tác tuyên truyền và việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người nông dân chưa tạo thành nền nếp. Mô hình hợp tác xã kiểu cũ không còn phù hợp, hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ kém hiệu quả. Sức sản xuất của kinh tế hộ gia đình quá nhỏ bé, thiếu liên kết, dễ bị tổn thương bởi sự tác động của cơ chế thị trường…

Với quan điểm “Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng và có điều kiện đầu tư trở lại phục vụ nông nghiệp”, ngày 27/12/2006, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020.

Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tạo “cú hích” cho nông nghiệp phát triển toàn diện, nông thôn được đầu tư, tạo đà cho xây dựng nông thôn mới và đời sống nông dân được nâng lên cả về vật chất và tinh thần.

Với quyết định miễn và giảm thủy lợi phí, đầu tư làm giao thông nội đồng và hoàn thiện “điện, đường, trường, trạm”, cùng nhiều ưu tiên phúc lợi khác, tỉnh đã giảm được nhiều gánh nặng lo toan cho người nông dân.

Tiếp tục “chuyển mình” trong thời đại công nghiệp

Hiện nay, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh thành được nhắc đến nhiều nhất rong câu chuyện năng động, hiệu quả trong thu hút đầu tư. Những chuyển biến mạnh mẽ về công nghiệp và du lịch một mặt tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động, góp phần tạo nên những bứt phá về kinh tế của tỉnh, nhưng mặt khác lại đặt ra không ít thách thức cho sản xuất nông nghiệp.

Người nông dân Vĩnh Phúc chăm sóc cho sản phẩm nông nghiệp sạch
 Người nông dân Vĩnh Phúc chăm sóc cho sản phẩm nông nghiệp sạch 

Ngày càng nhiều lao động không muốn gắn bó với ruộng đồng mà chuyển sang học nghề điện tử - điện lạnh, công nghệ thông tin, hàn, kỹ thuật điện, may công nghiệp… để trở thành công nhân nhà máy.

Trong khi không ít diện tích ruộng sản xuất đã trở thành đất dự án hoặc khu công nghiệp, những thửa ruộng còn lại và hệ thống tưới tiêu hoặc bị chia cắt bởi đường sá, nhà ở, hoặc bị bỏ hoang, không trồng cấy.

Thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đất canh tác manh mún, nhỏ lẻ và tâm lý thờ ơ với sản xuất nông nghiệp là những khó khăn của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc trong những năm trở lại đây.

Trước thực trạng đó, một số định hướng và chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích người nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với bối cảnh mới.

Nhằm cải thiện tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, trong năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành hơn 11 tỉ đồng để cho nông dân vay vốn mua các loại máy nông nghiệp như máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy vắt sữa bò, máy thái cỏ, máy nghiền, trộn thức ăn chăn nuôi…

Với sự hỗ trợ của các loại máy móc trên, công việc sản xuất, thu hoạch trở nên nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm đáng kể thời gian, tiền bạc và sức lực của người nông dân.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa. Nhờ những chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê, gom ruộng đất, tính đến nay, tỉnh đã có hai doanh nghiệp được giao đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và hoàn thành kế hoạch thí điểm dồn thửa, đổi ruộng tại hai xã Ngũ Kiên, Cao Đại ở huyện Vĩnh Tường.

Những cánh đồng liền vùng, liền thửa là điều kiện thiết yếu để sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn và cũng thuận lợi cho việc sử dụng đồng bộ các phương tiện cơ giới và những thành tựu khoa học kỹ thuật khác.

Mặc dù diện tích đất canh tác giảm đi đáng kể, nhưng nhờ việc thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung vào những loại cây được thị trường ưa chuộng, thời gian sinh trưởng và thu hoạch ngắn, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, sản xuất nông nghiệp vẫn đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, trong đó, không ít hộ sản xuất trở nên giàu có nhờ đầu tư quy mô lớn và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào trồng trọt.

Bên cạnh cây lúa, một số loại cây ngắn ngày như ngô ngọt, dưa chuột, dưa lê, bí đỏ, khoai tây… đã trở thành cây trồng chính ở một số địa phương như Tam Dương, Bình Xuyên, Yên Lạc… và mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại cây truyền thống.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng được xác định là một ngành mũi nhọn của Vĩnh Phúc. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, Vĩnh Phúc khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng chính các sản phẩm trồng trọt tại địa phương để vừa thúc đẩy trồng trọt, vừa góp phần hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Người nông dân cũng được hướng dẫn và chuyển giao quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng; mô hình chăn nuôi phù hợp với từng vùng và từng loài vật nuôi cũng như các biện pháp xử lý chất thải để bảo vệ môi trường.

Một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, đạt tiêu chuẩn VietGap đã hình thành ở nhiều địa phương như chăn nuôi gia cầm ở Tam Đảo, Tam Dương, chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường, chăn nuôi lợn ở Lập Thạch… và cung cấp các sản phẩm sữa, thịt lợn, thịt gà, trứng gà an toàn cho người tiêu dùng. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của Vĩnh Phúc đạt trên 11 triệu con, với năng suất, sản lượng không ngừng gia tăng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ