Vĩnh Phúc: Làm giả văn bản của Sở GD&ĐT, một học sinh bị phạt 3,75 triệu đồng

GD&TĐ - Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một học sinh THPT trên địa bàn huyện Yên Lạc do đã tự “chế” một văn bản của Sở GD&ĐT rồi đăng trên mạng xã hội.

Văn bản giả do học sinh tự cắt ghép bằng phần mềm trên điện thoại
Văn bản giả do học sinh tự cắt ghép bằng phần mềm trên điện thoại

Chiều 25/6, trên mạng xã hội lan truyền một văn bản có đóng dấu của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Văn bản sau đó được xác định là giả mạo có nội dung: “Ngày 25/6/2020, cuộc khảo sát thi HK2 dành cho khối 9, 10, 11 đã kết thúc. Và cũng trong ngày hôm nay Sở GD&ĐT đã phát hiện ra một số đối tượng trong trường học nằm trong khu vực tỉnh đã cố tình có hành vi phát tán đề thi KSHK2...”.

Ngoài ra, văn bản giả này cũng nêu chỉ đạo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc về việc tổ chức lại cuộc khảo sát đối với các trường trên toàn tỉnh và một số thông tin liên quan khác.

Thông tin trong văn bản giả nói trên đã gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc coi đây là hoạt động có tính chất chống phá, làm mất uy tín, đi ngược lại nỗ lực, tâm huyết trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức khảo sát. 

Nhận được thông tin, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã lập kế hoạch, tổ chức các biện pháp nghiệp vụ truy xét, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan. Qua biện pháp nghiệp vụ và đấu tranh, xác minh, Công an tỉnh xác định có 3 trường hợp liên quan đến vụ việc đều là học sinh lớp 11 của một trường THPT thuộc huyện Yên Lạc.

Cụ thể, xuất phát từ 1 nhóm Messenger (phần mềm chat của Facebook) của học sinh 1 lớp nhằm để trao đổi thông tin giữa các bạn học, học sinh NVA (tên học sinh đã được thay đổi), thành viên trong nhóm chat, có một chút kiến thức về công nghệ và sử dụng mạng, đã nghĩ ra việc tạo một sản phẩm thông tin trên mạng để trêu đùa các bạn trong nhóm.

Ngày 25/6, học sinh này đã sử dụng các ứng dụng từ điện thoại thông minh của mình, tạo lập văn bản giả mạo của Sở bằng cách cắt, ghép, chỉnh sửa tạo ra nội dung thông báo học sinh khối 10, 11 phải thi lại do lộ đề. Sau đó, NVA đăng trên nhóm chat.

Trong quá trình điều tra, NVA đã thành khẩn khai nhận do hiếu động, nghịch ngợm và nhận thức về pháp luật còn hạn chế dẫn đến sự việc đáng tiếc nêu trên. Hai học sinh còn lại được xác định do vô ý đã chia sẻ văn bản giả mạo trên của VNA. Các trường hợp đã nhận thức được việc làm như trên là vi phạm pháp luật, đã tự gỡ bỏ hình ảnh giả mạo khi các bạn cùng lớp có ý kiến.

Xét thấy vụ việc là bột phát cá nhân của một học sinh, không có yếu tố tổ chức, không có người chủ mưu xúi giục và không có mục đích chống phá liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh trong lĩnh vực giáo dục, Cơ quan Công an đã phân tích, giáo dục, nhắc nhở, giao cho gia đình và nhà trường quản lý.

Riêng với NVA, Công an tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và các quy định có liên quan. Mức tiền phạt là 3,75 triệu đồng. NVA và gia đình đã chấp hành, thi hành xong quyết định, đồng thời cam kết không tái phạm để tiếp tục học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ