“Công nhân lao động tỉnh Vĩnh Phúc chung sức cùng chính quyền trong phòng, chống dịch Covid-19, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh” – là phong trào do UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì, phối hợp với một số sở, ngành, doanh nghiệp, các huyện, thành phố phát động và thực hiện.
Thời gian phát động phong trào từ ngày 25/7 đến hết ngày 27/7. Mục tiêu của phong trào là tuyên truyền đến tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vận động mỗi công nhân lao động là người Vĩnh Phúc, giúp đỡ tối thiểu 1 công nhân lao động là người tỉnh ngoài không có chỗ ở, đang đi về hằng ngày hiện cùng tổ, đội, dây chuyền sản xuất với mình về nhà mình ở trong vòng thời gian thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (khoảng 14 ngày).
Phong trào triển khai tốt, phát huy hiệu quả sẽ đóng góp rất lớn vào công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, duy trì được quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, còn khoảng 14.000 công nhân lao động hằng ngày vẫn đi đến Vĩnh Phúc làm việc sau đó lại trở về địa phương. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; đồng thời, duy trì việc sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp thì việc bố trí chỗ ăn, nghỉ cho số công nhân lao động trên là vấn đề quan trọng đối với tỉnh.
Hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đã bố trí một số khu ký túc xá cho công nhân nhưng cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu với số lượng lớn nêu trên.
Tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, công nhân trong tỉnh khi nhận công nhân ngoại tỉnh nghỉ tại nhà mình thì thực hiện việc khai báo tạm trú, khai báo y tế với địa phương theo quy định. Trong thời gian công nhân ngoại tỉnh nghỉ tại Vĩnh Phúc, đề nghị thực hiện nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, thực hiện nguyên tắc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Trong đó, 1 cung đường là chỉ duy nhất 1 cung đường từ nhà đến công ty; 2 địa điểm thì 1 địa điểm là nơi ở của người lao động, 1 địa điểm là công ty.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, kiểm tra công nhân lao động của tỉnh và công nhân lao động ngoại tỉnh thực hiện việc khai báo tạm trú, khai báo y tế tại địa phương theo quy định; đồng thời, thực hiện, chấp hành các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị chủ các doanh nghiệp phát động phong trào rộng khắp, thiết thực; nêu rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào tới toàn thể cán bộ, công nhân lao động trong toàn công ty. Tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với công nhân tiên phong nhận công nhân là người ngoại tỉnh đến ở nhà mình.
Phong trào “Công nhân lao động tỉnh Vĩnh Phúc chung sức cùng chính quyền trong phòng, chống dịch Covid-19, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh” là phong trào có ý nghĩa, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, cùng nhau vượt qua khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp như hiện nay.