Ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Phúc vào đầu năm 2020. Từ đó đến nay, trải qua các lần bùng phát dịch, tại Vĩnh Phúc chỉ ghi nhận từ vài ca đến vài chục ca/ngày. Tuy nhiên, tại đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, số lượng ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng mạnh.
Trong số 855 ca mắc Covid-19 được Vĩnh Phúc công bố, có 851 ca ghi nhận trong tỉnh, 4 ca nhập cảnh cách ly tại tỉnh. Từ ngày 27/4 đến 15/11 số ca mắc là 354 ca.
Từ 16/11 đến 15h ngày 24/11, số ca mắc được công bố là 501 ca. Với 133 ca mắc Covid-19 được công bố vào ngày 24/11 thì đây là lần đầu tiên Vĩnh Phúc ghi nhận số ca mắc vượt mốc 100 ca/ngày. Trong đó, có 22 ca Covid-19 phát hiện trong cộng đồng, 111 ca đã được cách ly tập trung.
Cũng theo công bố của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc, số trường hợp F1 đang cách ly là 2.601 người, tích lũy 7.655 người (tăng 221). Tổng dân số từ 18 tuổi trở lên là 810.197 người (tính đến tháng 5/2021). Trong đó, số đã được tiêm là 764.436 người (đạt 94.4% dân số trên 18 tuổi). Tổng số mũi đã được tiêm 1.302.043 mũi (mũi 1: 764.725; mũi 2: 537.318, đạt 66,3% dân số trên 18 tuổi).
Hiện, Vĩnh Phúc có 5 địa điểm cấp xã thực hiện khoanh vùng, cách ly xã hội là: Lũng Hòa, Bồ Sao, thị trấn Thổ Tang của huyện Vĩnh Tường; xã Bạch Lưu của huyện Sông Lô; xã Trung Kiên của huyện Yên Lạc.
Ngày 20/11, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 3180 hướng dẫn tạm thời “Tổ chức, thực hiện biện pháp cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú hoặc tương đương trong phòng, chống dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh. Ngày 21/11, Chủ tịch UBND tỉnh/Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành Chỉ thị số 18/CT-CTUBND về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Về các biện pháp phòng chống dịch hiện tại và trong thời gian tới, Vĩnh Phúc áp dụng nguyên tắc đầu tiên là “bất biến”, đó là phải đặt sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, an toàn về dịch nhưng phải tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện phải đáp ứng nguyên tắc “vạn biến” đó là phải ứng phó thần tốc, linh hoạt, sáng tạo, thích ứng an toàn, hiệu quả với từng trường hợp, từng địa phương, từng cơ quan, từng thời điểm cụ thể để đạt được mục tiêu.
Về phương châm thích ứng linh hoạt, Vĩnh Phúc chuyển trạng thái từ kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính, giới nghiêm, cấm, dừng hoạt động, sang trạng thái tuân thủ tự giác, tự nguyện, tự kiểm soát, kiểm tra theo cơ chế xác xuất và xử lý nghiêm các vi phạm.
Chuyển từ kiểm soát phân vùng theo địa giới hành chính (lập chốt chặn) sang hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, xác lập cơ chế tự kiểm soát tại các cơ quan đơn vị doanh nghiệp và trong từng gia đình. Đồng thời, thay các chốt kiểm soát hữu hình, các qui định cứng nhắc bằng việc nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện, tự tuân thủ của người dân, doanh nghiệp (xây dựng chốt chặn của ý thức người dân, doanh nghiệp).
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu 100% các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải triển khai xét nghiệm sàng lọc tầm soát SARS-CoV-2 bằng Test nhanh kháng nguyên định kỳ ít nhất 3 - 5% hàng tuần cho cán bộ, người lao động. Tăng tỷ lệ xét nghiệm khi xuất hiện các nguy cơ cao hơn.
Các cơ quan, đơn vị, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tự thành lập tủ thuốc thiết yếu phòng chống dịch Covid-19. Các địa phương nếu xuất hiện nguy cơ phải thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh để tách người nhiễm Covid-19 (F0) ra khỏi cộng đồng; đồng thời khoanh vùng hẹp, xử lý triệt để, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Nếu xuất hiện F0 trên địa bàn, chậm nhất sau 2h phải đưa ngay vào cơ sở điều trị. Chậm nhất sau 24h phải rà soát toàn bộ khu vực có liên quan, tách các F0 khác (nếu có) ra khỏi cộng đồng; chậm nhất sau 72h (3 ngày) đưa địa phương trở về trạng thái bình thường mới…