Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp tự ý chuyển đổi, quây bao hàng nghìn m2 đất lúa

GD&TĐ - Lợi dụng việc Nhà nước cho thuê đất để xây dựng cây xăng, một doanh nghiệp tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã “tiện tay” xây kè, quây tường bao và sử dụng sai mục đích hàng nghìn m2 đất

Dự án và khu đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích của Công ty Thanh Tùng.
Dự án và khu đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích của Công ty Thanh Tùng.

Tự ý chuyển đổi đất lúa

Công ty TNHH Thanh Tùng (Công ty Thanh Tùng) do ông Nguyễn Ngọc Tú làm Giám đốc, có trụ sở tại thôn Gốc Gạo, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên. Năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (nay là Chủ tịch) đã ký Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu và chế phẩm dầu mỏ Thanh Tùng của Công ty TNHH Thanh Tùng. Sau đó, Công ty Thanh Tùng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thuê đất để thực hiện dự án với diện tích 1.889,6 m2.

Đến ngày 3/7/2020, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã cấp Giấy phép xây dựng số 62/GPXD cho Công ty TNHH Thanh Tùng với mật độ xây dựng 57,4%. Các hạng mục được cấp phép xây dựng gồm: Nhà mái che cột bơm (nhà 1 tầng, diện tích 400m2), nhà điều hành cây xăng (nhà 1 tầng, diện tích 82m2). Ngoài ra, một số hạng mục phụ trợ khác được cấp trong giấy phép như: Cổng, hàng rào, sân đường nội bộ, bể chứa…

Trong quá trình xây dựng theo giấy phép trên, Công ty TNHH Thanh Tùng đã xây dựng thêm 1 nhà biệt thự 1 tầng kiên cố phía sau nhà điều hành cây xăng. Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn tự ý mua bán đất lúa rồi san lấp mặt bằng, xây kè đá và tường bao loan đối với một khoảng đất lớn phía bên cạnh ngôi biệt thự này. Trên diện tích đất lúa bị san lấp, quây bao trái phép, doanh nghiệp đã trồng cây, làm nhà bằng tôn và chăn nuôi ở đây.

Doanh nghiệp được chống lưng?

Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:

a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;

c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;

d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;

đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;

e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;

….

Việc doanh nghiệp tự ý nhận chuyển nhượng đất lúa, san lấp mặt bằng, xây kè và tường bao kiên cố trên một diện tích đất rộng lớn không diễn ra trong một vài ngày. Thế nhưng, chưa biết vì lý do gì mà chính quyền địa phương biết nhưng lại không có động thái ngăn chặn.

Liên quan đến việc xây dựng công trình trên đất lúa của Công ty Thanh Tùng, bà Nguyễn Thị Thu Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn Gia Khánh - cho biết: Đơn vị này họ được giao đất và xây dựng có giấy phép. Diện tích đất nông nghiệp còn lại, doanh nghiệp đã mua của người dân.

Cùng quan điểm với bà Thanh, cán bộ địa chính của thị trấn cũng cho biết, hồ sơ của doanh nghiệp được UBND thị trấn lưu giữ cẩn thận. Trong đó có giấy phép xây dựng và nhiều loại giấy tờ khác. Tuy nhiên, tại thời điểm cung cấp thông tin cho Báo GD&TĐ, trong tập hồ sơ do cán bộ này quản lý không có bất cứ một tài liệu, biên bản nào được lập liên quan đến việc tự ý chuyển đổi đất lúa, xây dựng kè đá, hàng rào trái phép…

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, cơ quan chức năng đã đến kiểm tra và khẳng định doanh nghiệp không có vi phạm trong xây dựng. Diện tích đất nông nghiệp khoảng hơn 3 sào nằm ngoài phần đất doanh nghiệp được giao là do công ty tự thỏa thuận, bồi thường với người dân.

Dù khẳng định cơ quan chức năng đã kiểm tra và doanh nghiệp không có sai phạm nhưng ông Tú không cung cấp được bất kỳ văn bản kiểm tra của cơ quan chức năng nào về dự án.

Theo người dân địa phương, gia đình chồng bà Nguyễn Thị Thu Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn Gia Khánh và ông Nguyễn Ngọc Tú có quan hệ họ hàng thân thiết. Cụ thể, chồng bà Thanh và ông Tú là anh em con chú – con bác ruột. Diện tích đất nông nghiệp mà doanh nghiệp này đã san lấp, quây bao theo ước lượng có thể lên đến vài nghìn m2.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Các địa phương cũng tiến hành cưỡng chế đối với các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp.

Do đó, việc để xảy ra sai phạm với quy mô lớn ở dự án của Công ty Thanh Tùng thì cần phải xử lý và truy trách nhiệm đối với cán bộ địa phương. Có như vậy, người dân mới tin tưởng vào công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ