Vinasme Tây Nguyên cắt hợp đồng lao động trái luật

GD&TĐ - Do cắt hợp đồng trái luật, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Vinasme Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vừa bị tòa án tuyên buộc nhận người lao động trở lại làm việc, bồi thường hơn 167 triệu đồng.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Vinasme Tây Nguyên trên đường Phạm Hùng – TP Buôn Ma Thuột .
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Vinasme Tây Nguyên trên đường Phạm Hùng – TP Buôn Ma Thuột .

Thế nhưng, Trung tâm này đang chậm thi hành bản án.

Tự ý cho người lao động nghỉ việc

Chi cục thi hành án dân sự (THADS) TP Buôn Ma Thuột đã phong tỏa hai tài khoản của Vinasme Tây Nguyên để bảo đảm việc thi hành án trong vụ tranh chấp hợp đồng lao động mà đơn vị này bị tòa án xử thua ở cả hai cấp tòa.

Theo đó, sau khi có bản án, ngày 20/10/2021, Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột đã ra quyết định yêu cầu Vinasme Tây Nguyên tự nguyện trong vòng 10 ngày thi hành bản án. Nhưng đơn vị này không thực hiện nên phải phong tỏa tài khoản ngân hàng để đảm bảo thi hành án.

Bản án sơ thẩm (ngày 14/7/2021 của TAND TP Buôn Ma Thuột) và phúc thẩm (ngày 24/9/2021 của TAND tỉnh Đắk Lắk) tuyên buộc Vinasme Tây Nguyên nhận ông Trương Nhất Vương (52 tuổi, trú phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột) trở lại làm việc và bồi thường tổng cộng hơn 167 triệu đồng.

Quyết định của tòa án nêu rõ, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng (Quyết định số 63 ngày 2/10/2019) của Vinasme Tây Nguyên đối với ông Vương là vi phạm Bộ luật Lao động.

Nguyên nhân dẫn đến việc Vinasme chấm dứt hợp đồng trái luật đối với ông Vương vì ông này hay ý kiến, tranh luận về công tác chuyên môn. Bản án phúc thẩm cũng nhận định, ngày 31/12/2015, Vinasme Tây Nguyên đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với ông Vương.

Thế nhưng ngày 2/10/2019, đơn vị này căn cứ Điều 44 Bộ luật Lao động để đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Vương, theo tòa án là trái luật. Vì Vinasme chỉ chấm dứt hợp đồng với một mình ông Vương, trong khi ông vẫn đủ sức khỏe để đảm nhiệm công việc, luôn hoàn thành nhiệm vụ và không vi phạm nội quy, quy chế đơn vị.

Tòa nhận định, nếu Vinasme đơn phương chấm dứt hợp đồng theo Điều 44 Bộ luật Lao động với ông Vương thì phải có thỏa thuận và giải quyết trợ cấp mất việc mới đúng.

Còn đại diện lãnh đạo Vinasme thừa nhận, trước khi “cho nghỉ dài hạn”, đơn vị đã thông báo miệng cho ông Vương tạm nghỉ 45 ngày có lương để sắp xếp công việc nhưng không tìm được vị trí phù hợp.

Bên cạnh việc viện lí do “không sắp xếp được việc làm” thì “căn cứ” buộc ông Vương nghỉ ngang là vì ông này hay ý kiến về các công việc chuyên môn, không tự tuyển được học viên…

Chậm thi hành án vì chờ… giám đốc thẩm

Không thuộc trường hợp được tạm hoãn thi hành án

Phân tích vụ việc này, luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đắk Lắk - cho rằng, án phúc thẩm là án có hiệu lực ngay. Vậy nên, khi người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định theo yêu cầu.

Việc bên bị thi hành án có đơn khiếu nại, xin kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tạm hoãn thi hành án… là quyền của họ nhưng việc này không ảnh hưởng gì đến hiệu lực thi hành của bản án đó.

Việc kháng nghị một vụ án đã có hiệu lực có thể kéo dài đến 3 năm nên không thể bắt các cơ quan, người được thi hành án phải chờ. Nếu sau này, các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có) phán quyết ngược lại thì giải quyết theo thủ tục mới.

Như đã nói, sau khi án phúc thẩm có hiệu lực, Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng Vinasme Tây Nguyên vẫn không thực hiện.

Đến ngày 4/1, Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột buộc phải ra quyết định phong tỏa tài khoản ngân hàng của Vinasme để đảm bảo công tác thi hành án.

Điều trớ trêu, ở lần phong tỏa này, số tiền bị phong tỏa chỉ chưa đầy 60 triệu đồng (tức là chưa bằng số lẻ mà tòa đã tuyên – PV).

Sau khi bị dư luận tại địa phương lên án gay gắt, Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột lại “lật đật” ra quyết định phong tỏa tài khoản lần 2 của Vinasme với số tiền lên đến hơn 117 triệu đồng.

Trả lời về vấn đề này, ông Hồ Hữu Đỉnh - Phó Giám đốc Vinasme Tây Nguyên - thừa nhận, việc đơn vị chưa thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk là chưa phục phán quyết 2 bản án của 2 cấp tòa nên đã có đơn gửi các cấp để xin giám đốc thẩm.

“Hiện nay, Viện Kiểm sát tối cao tại Đà Nẵng đã tiếp nhận đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của đơn vị gửi. Đồng thời, Vinasme cũng đã có đơn gửi Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột xin tạm dừng thi hành án chờ kết quả giám đốc thẩm” - ông Đỉnh thông tin.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của phóng viên, đến thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ văn bản kháng nghị, thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng lao động giữa ông Trương Nhất Vương và Vinasme Tây Nguyên.

“Cấp có thẩm quyền cũng chưa có bất kỳ văn bản nào cho phép, yêu cầu tạm dừng thi hành án đối với vụ án này. Việc Vinasme Tây Nguyên viện lý do chờ kết quả giám đốc thẩm để xin tạm dừng thi hành án là không đúng quy định” - nguồn tin cho hay.

Hiện tại, Chi cục THADS đã có văn bản không chấp nhận yêu cầu xin tạm dừng thi hành án của Vinasme Tây Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ