Vinafood 2 “biếu” 6.000 m2 đất cho tư nhân: Đủ dấu hiệu khởi tố hình sự vụ án ?

GD&TĐ - Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận và kiến nghị thu hồi 6.000 m2 đất công sản bị “phù phép”. Dư luận quan tâm những sai phạm này của lãnh đạo Vinafood 2 có bị điều tra, khởi tố?

Khu đất 6.000 m2 có vị trí vô cùng đắc địa với mặt tiền hai con đường lớn ngay tại trung tâm Quận 1, TPHCM.
Khu đất 6.000 m2 có vị trí vô cùng đắc địa với mặt tiền hai con đường lớn ngay tại trung tâm Quận 1, TPHCM.

Dân sống lay lắt vì sai phạm của lãnh đạo Vinafood

Khu đất 6.000 m2 tại số 33 - Nguyễn Du và 34, 36, 42 - Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM được giao cho Vinafood 2 quản lý và sử dụng từ sau năm 1975. Thời đó, khu đất được sử dụng làm văn phòng của Vinafood 2, một phần cấp cho cán bộ, công nhân viên ở.

Theo bà Trần Bạch Huệ (cư dân tại đây) 34 hộ gia đình ở đây ai cũng được Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn – Gia Định cấp một giấy phép tạm thời sử dụng nhà. Họ sinh sống yên ổn cho đến năm 2015 khi Vinafood hợp tác cùng với Công ty Việt Hân để triển khai dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại thì xảy ra tranh chấp.

Theo bà Huệ, khi Vinafood 2 chuyển mục đích khai thác, sử dụng khu đất thì 34 hộ dân ở đây nhận quyết định phải di dời. Tuy nhiên, điều đáng nói là mức giá từ phía Công ty Việt Hân đưa ra lại quá thấp so với giá thị trường nên không ai đồng ý.

“Giá mà phía Vinafood 2 và Công ty Việt Hân đưa ra giá đền bù là hơn 100 triệu triệu/m2. Nhiều hộ mức giá đền bù còn thấp hơn. Trong khi đó, giá đất tại khu vực này thấp nhất cũng 300 triệu đồng/m2. Chính vì cái dự án treo lơ lửng suốt 15 năm qua mà tất cả hộ dân ở đây đều không ai được sửa chữa, cải tạo nhà ở. Dù căn nhà này sau hơn 45 năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ở không được mà đi cũng không xong nên tập thể người dân nơi đây đã làm đơn cầu cứu gửi các cấp chính quyền. Từ đó, Thanh tra mới vào cuộc” - bà Huệ nói.

Có chung cảnh ngộ vì sai phạm của Vinafood 2 là ông Trần Hà Chư, (nhà số 36 Chu Mạnh Trinh). Ông cho biết, người dân ở đây gần như bất lực và chịu đựng. Theo ông Chư, không chỉ khổ sở khi cuộc sống gần như bị đảo lộn vì những tranh chấp, nhiều hộ dân tại đây còn cảm thấy ngao ngán vì hàng chục năm qua nguyện vọng của mình mãi rơi vào trong vô vọng.

“Chúng tôi chỉ mong muốn bên phía Vinafood 2 và Công ty Việt Hân đưa ra mức giá đền bù hợp lý đối với phần diện tích mà chúng tôi đang ở để chúng tôi đi nơi khác. Đó là đòi hỏi chính đáng của chúng tôi, chứ không phải gây khó dễ với chính quyền.

Họ thay đổi phương án đền bù liên tục nhưng mức giá đưa ra rất thấp, chuyển đổi sang căn hộ tái định cư thì yêu cầu người dân chi trả 40% thì ai mà chấp nhận. Nhưng bây giờ với những kết luận sai phạm từ phía Thanh tra Chính phủ chắc chắn cuộc sống của người dân nơi đây sẽ tiếp tục rơi và cảnh chờ đợi kéo dài” - ông Chư nói.

Những sai phạm của Vinafood 2 không chỉ mới bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra vừa qua. Trước đó, trong kết luận Thanh tra Bộ NN&PTNT ngày 27/6/2017  đối với hoạt động của Vinafood 2 đã xác định: Tổng Giám đốc Vinafood 2 đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Hân vào ngày 21/9/2015 về đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang ở trên khu đất.

Thỏa thuận này trái với nội dung Nghị quyết của Hội đồng Thành viên Vinafood 2. Trái với thỏa thuận giữa Vinafood 2 với Công ty Việt Hân. Đặc biệt, việc Vinafood 2 ra Văn bản số 291 ngày 4/2/2015 sai với nội dung văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ. Nó cũng trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản cho phép thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà đất tại các địa chỉ trên.

Đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm?

Nhà đất tại đây được cấp giấy sử dụng đàng hoàng.
Nhà đất tại đây được cấp giấy sử dụng đàng hoàng.

Hành vi trên của Vinafood 2 là trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1647 ngày 15/9/2015, Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 10022 ngày 11/12/2015. Việc này gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước - ước khoảng 1.979 tỷ đồng.

Theo luật sư Lê Bá Thường - Đoàn Luật sư TPHCM, thông qua kết luận Thanh tra nhận thấy có 2 vấn đề vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại Vinafood 2.

Thứ nhất, với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ yêu cầu Sở Tư pháp TPHCM chỉ đạo và giám sát Phòng Công chứng số 7 thực hiện thủ tục khởi kiện ra TAND có thẩm quyền đề nghị tuyên bố Văn bản Công chứng số 28355 “Hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa Vinafood 2 và Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ xây dựng Việt Hân Sài Gòn đã được Phòng Công chứng số 7 chứng nhận ngày 30/12/2015 là vô hiệu. Điều này thể hiện khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Vậy việc góp vốn hợp tác giữa các đơn vị sẽ bị hủy bỏ do hợp đồng góp vốn bị vô hiệu.

“Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này theo Điều 123 BLDS 2015 là hợp đồng vô hiệu khi vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Như vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai TP hủy kết quả xác nhận nội dung đăng ký biến động ngày 25/3/2016, thu hồi Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 ngày 11/9/2010 và thu hồi đất tại 4 cơ sở nhà đất nói trên để quản lý, khai thác sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai.

Và tất nhiên, 6.000 m2 của Nhà nước sau một thời gian biến thành đất tư nhân, giờ sẽ được giao trả lại thuộc sở hữu Nhà nước. Những thất thoát về kinh tế 15 năm qua, trách nhiệm phải thuộc lãnh đạo Vinafood 2” - luật sư Thường phân tích.

Thứ hai, trong hàng loạt kết luận của Thanh tra Chính phủ về các sai phạm tại Vinafood 2, dấu hiệu gây thất thoát, lãng phí công sản (thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng) cùng dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế thu nhập cá nhân tại đây theo luật sư Lê Bá Thường là khá rõ ràng. Đủ dấu hiệu cấu thành tội danh và có thể khởi tố vụ án.

“Dấu hiệu của vi phạm đã có, nhưng khởi tố vụ án hay không còn tùy thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan CSĐT Công an TPHCM. Cơ quan CSĐT có nhiệm vụ bóc tách các sai phạm ấy do lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hay do cố ý làm trái để kiếm chác, hình thành nhóm lợi ích. Riêng với hành vi gian lận thuế bằng cách chuyển nhượng lòng vòng qua cá nhân để hưởng thuế suất 0,1% trong hoạt động chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Việt Hân sẽ bị truy thu.

Cá nhân sẽ bị xử phạt hình sự cấu thành tội trốn thuế nếu số tiền trốn thuế sau khi phát hiện từ 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù 2 năm đến 7 năm (Khoản 3 Điều 200 BLHS 2015). Với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này còn có thể bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm (Khoản 5 Điều 200 BLHS 2015)” - luật sư Thường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…