Viettel không thu cước của người tham gia thử nghiệm 5G

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký quyết định cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel). Đây là nhà mạng đầu tiên thử nghiệm 5G tại Việt Nam.  

Viettel là nhà mạng đầu tiên thử nghiệm 5G
Viettel là nhà mạng đầu tiên thử nghiệm 5G

Với mục đích thử nghiệm để đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ di động thế hệ thứ 5 - IMT 2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đồng ý cấp phép để nhà mạng Viettel thử nghiệm kể từ 22/1/2019 - 21/1/2020.

Khi triển khai, Viettel sẽ được sử dụng các đoạn băng tần 2575 - 2615 MHz, 3700 - 3800 MHz và 26500 - 27500 MHz để thử nghiệm theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện. Phạm vi thử nghiệm tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, quy mô thử nghiệm dịch vụ không vượt quá 73 vị trí.

Trong quá trình thử nghiệm 5G, Viettel không được thu cước của đối tượng tham gia thử nghiệm. Đồng thời, phải thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng tham gia thử nghiệm; Bảo vệ an toàn mạng viễn thông của mình và an ninh thông tin, thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước huy động trong trường hợp khẩn cấp và các nhiệm vụ công ích khác.

Khi hết thời gian thử nghiệm hoặc khi có yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội có trách nhiệm hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp phép thử nghiệm; Tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư; Ngoài ra, phải báo cáo thường xuyên và đột xuất kết quả thử nghiệm theo yêu cầu của Bộ TT&TT.

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội cho biết: “Viettel đã sẵn sàng tham gia thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G. Chúng tôi mong rằng sẽ sớm có thông tin về tần số để Viettel và các nhà mạng khác có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp, nhằm đáp ứng tần số mà Bộ TT&TT dự kiến sử dụng cho 5G”.

Để chuẩn bị cho việc phát triển công nghệ 5G, trước đó, năm 2015, Viettel đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G. Với kinh nghiệm trong phát triển trạm phát sóng 4G eNodeB và mạng lõi, Viettel đã đầu tư cho nghiên cứu trạm phát sóng 5G.

Trong quá trình nghiên cứu, Viettel đã đạt được một số kết quả tích cực: Làm chủ công nghệ lõi của phần mềm cho thiết bị 5G; thiết kế phần cứng khối thu phát cao tần; thiết kế phần mềm lớp vật lý cho thiết bị 5G.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và những lợi thế mà các doanh nghiệp viễn thông khác không có, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2019 sẽ hoàn thành việc chế thử trạm phát sóng 5G phiên bản 1; Thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020; Sẵn sàng thương mại sản phẩm vào năm 2021. Viettel đang phối hợp với các nhà cung cấp, nghiên cứu, tự sản xuất các thiết bị 5G, không đơn thuần là trạm BTS mà còn bao gồm hệ thống mạng lõi để hỗ trợ cho 5G, thiết bị đầu cuối 5G, ông Tào Đức Thắng cho biết thêm.

“Việc triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G, tôi nghĩ rằng các nhà mạng đã sẵn sàng với các hạ tầng có sẵn. Vấn đề ở đây là người dùng đã sẵn sàng đến đâu? Máy đầu cuối đã có 5G hay chưa? Khi thị trường đã sẵn sàng, máy đầu cuối sẵn sàng, người dùng cũng sẵn sàng thì các nhà mạng với hạ tầng sẵn có, việc triển khai các thiết bị 5G trên các trạm nằm trong tầm tay”, ông Tào Đức Thắng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.