Các nhà mạng sẵn sàng thử nghiệm 5G

GD&TĐ - Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp tần số 5G để thử nghiệm trong quý I/2019 tại Hà Nội và TPHCM và đến năm 2020 sẽ bắt đầu thương mại hóa 5G. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã họp và triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo xu hướng công nghệ mới, hiện đại.  

Mạng 5G có tốc độ vượt trội hơn 40 lần so với 4G
Mạng 5G có tốc độ vượt trội hơn 40 lần so với 4G

Sẽ thử nghiệm trong quý I

Ngày 17/1, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức “Hội nghị triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua năm 2019”. Tại Hội nghị, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, trong năm 2019 sẽ triển khai thử nghiệm mạng 5G. Các giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông theo xu hướng công nghệ mới, hiện đại, tập trung vào phát triển mạng viễn thông thế hệ mới. Việc phát triển 5G tại Hà Nội sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng hạ tầng của thành phố thông minh.

Trước đó, ngày 15/1, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019. Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, mạng 5G sẽ được thử nghiệm tại Hà Nội và TPHCM ngay trong quý I.

Các nhà mạng VinaFone, Viettelvà MobiFone sẵn sàng tham gia việc thí điểm mạng 5G. Việc triển khai sẽ gắn với việc xây dựng hạ tầngkinh tế số, xã hội số, hạ tầng của cách mạng 4.0 và kết nối vạn vật.

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết: Tập đoàn Viettel sẵn sàng tham gia cuộc thử nghiệm 5G. Viettel đang nghiên cứu sản xuất, phát triển công nghệ 5G, thiết bị trạm phát sóng 5G. Thời gian qua, Viettel đã đạt được một số kết quả tích cực như làm chủ công nghệ phần mềm cho thiết bị 5G, làm chủ thiết kế phần cứng khối thu phát cao tần và làm chủ thiết kế phần mềm lớp vật lý cho thiết bị 5G.

Cùng chia sẻ về mạng 5G, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT cho biết: “Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh vùng phủ sóng 4G theo nhu cầu của thị trường và dự kiến sẽ phủ sóng 4G tới 95% dân số, tập trung phủ sóng vào các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong năm 2019. Bên cạnh đó, VNPT bắt tay triển khai thử nghiệm mạng 5G trong quý I. Việc triển khai mạng 5G, VNPT đã sẵn sàng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng”.

Không đơn thuần là kết nối thoại

Theo các chuyên gia ICT: 2G là công nghệ điện thoại thuần tuý; 3G là nửa điện thoại, nửa data; 4G là thuần tuý data, nhưng là cho người với người; 5G là công nghệ data, nhưng là công nghệ đầu tiên được thiết kế cho kết nối vạn vật, với một loạt tính năng mới, như độ trễ thấp, tiêu thụ nguồn nhỏ.

Khi công nghệ 5G đi vào hoạt động sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Mạng 2G, 3G, 4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng tỷ thiết bị; chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo; thay đổi cơ bản cuộc sống của loài người.

Mạng 5G (5th Generation) là thế hệ thứ 5 của mạng di động.

Mạng 5G sẽ sử dụng các trạm HAPS (High Altitude Stratospheric Platform Stations).

Tốc độ của mạng 5G nhanh hơn 4G khoảng 40 lần.

 

Mạng 5G mang lại nhiều ứng dụng tiềm năng, không chỉ là kết nối thoại và dữ liệu như 4G. Với độ trễ thấp, dung lượng lớn và thời gian đáp ứng nhanh, 5G tạo ra nhiều ứng dụng trong các ngành kinh tế khác nhau. Do vậy, công nghệ 5G không đơn thuần là kết nối thoại và dữ liệu giống như 4G.

Mạng 5G không chỉ xây dựng cho những ứng dụng smartphone mà cũng có nhiều ứng dụng mới. Hơn nữa, giá thành trên 1GB của 5G thấp hơn rất nhiều so với 4G, khoảng hơn 10 lần. Khi ứng dụng data lớn, mạng 5G sẽ tạo điều kiện cho nhà mạng tăng lợi thế. Không những thế, trong những ứng dụng về IoT bắt buộc phải có 5G mới sử dụng được.

Các chuyên gia ICT cũng cho biết: Hiện mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam tốt nhất trên thế giới. Số lượng trạm BTS cho 5G sẽ lớn hơn nhiều so với các công nghệ trước đó. Do vậy, chia sẻ hạ tầng viễn thông với các hạ tầng điện, nước, giao thông là rất quan trọng để giảm chi phí xã hội.

Nhận xét về định hướng phát triển mạng 5G của Việt Nam, bà Susie Armstrong, Phó Chủ tịch cấp cao về Công nghệ của Qualcomm cho biết: “Tôi vô cùng ấn tượng với định hướng phát triển ứng dụng triển khai 5G tại Việt Nam cũng như năng lực nội tại trong nước và năng lực của các nhà mạng viễn thông; các nhà sản xuất thiết bị mạng, sản xuất thiết bị cơ sở hạ tầng, sản xuất thiết bị đầu cuối gồm điện thoại và thiết bị IoT. Tôi đã làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... nhưng khi đến Việt Nam, tôi thấy tốc độ tiếp cận công nghệ nói chung và 5G nói riêng của Việt Nam đang vượt xa so với rất nhiều quốc gia khác”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ