Bởi đây đang là nhóm ngành được kỳ vọng rất lớn vào việc cùng gánh vác - chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống đỡ với những khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Lợi nhuận gây sốc
Theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán bởi Ernst & Young Vietnam, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietbank trong cả năm 2019 chỉ là 54,06 tỷ đồng. Mức chi phí dự phòng rủi ro thấp giúp ngân hàng giữ được kết quả lợi nhuận trước thuế ở mức khả quan trong năm 2019.
Giữa tháng 4 là giai đoạn thị trường xuất hiện dày đặc các báo cáo của ngành ngân hàng. Nó nhằm chuẩn bị cho mùa đại hội cổ đông 2020. Nhưng điều bất ngờ là cho đến thời điểm tuần thứ 4 của tháng 4/2020, thị trường ngân hàng mới xuất hiện báo cáo tài chính đầu tiên của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương tín (Vietbank). Bản báo cáo này cũng gây bất ngờ với hàng loạt dữ liệu về kết quả tăng trưởng lợi nhuận và hoạt động cho vay.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 vừa được Vietbank công bố cho thấy, trái ngược với những lo lắng về sự sụt giảm nhu cầu vay vốn của khách hàng dưới ảnh hưởng của Covid-19 sẽ tác động lớn tới kết quả cho vay tại các ngân hàng, vốn cho vay tại Vietbank trong 3 tháng đầu năm vẫn đạt tới 42.083 tỷ đồng. Tăng đáng kể so với con số 40.918 tỷ đồng ghi nhận hồi đầu năm. Lượng tiền gửi của khách tại ngân hàng cũng tăng hàng nghìn tỷ đồng. Từ con số 49.446 tỷ đồng hồi đầu năm lên 52.007 tỷ đồng vào cuối tháng 3. Ngân hàng này đồng thời cũng tăng mạnh các khoản chứng khoán đầu tư khi doanh số trong kỳ báo cáo tăng từ 10.601 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 12.420 tỷ đồng vào cuối tháng 3.
Con số gây nhiều chú ý hơn cả tại Vietbank là mức tăng “thần tốc” về kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý I so với con số thực hiện trong quý I/2019 và thậm chí là cả năm 2019. Báo cáo cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Vietbank vọt tăng từ 78,2 tỷ đồng cùng kỳ 2019 lên tới trên 183,1 tỷ đồng vào cuối tháng 3, tương đương với 234%. Đây là mức tăng cao nhất về lợi nhuận từng được ghi nhận trên thị trường ngân hàng trong một kỳ báo cáo. Đặc biệt, cần nhắc lại rằng, trong suốt cả năm 2019, ngân hàng này chỉ ghi nhận tổng cộng 485 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong báo cáo giải trình về biến động lợi nhuận gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ông Lê Huy Dũng - Quyền Tổng Giám đốc VietBank - lý giải, các khoản tăng thu nhập đến từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và đặc biệt là khoản tăng mạnh thu nhập đến từ mua bán chứng khoán đầu tư trong khi các chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro và thuế thu nhập hiện hành giảm so với cùng kỳ là yếu tố khiến lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng thêm tới 104,9 tỷ đồng (134%) so với cùng kỳ 2019.
Có nhóm nợ xấu tăng tới 63%
Phản hồi lại kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp về việc ngành ngân hàng cần tiếp tục chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ cũng như giảm tối đa chi phí nhằm chống chọi với dịch Covid-19, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trong một cuộc họp mới đây nhấn mạnh, các ngân hàng lớn phải giảm mạnh lợi nhuận để có cơ sở phục vụ việc hạ lãi suất, hỗ trợ người vay. Cụ thể trong cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các bộ ngành nhằm tiếp tục tìm hướng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, trong năm nay, những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận.
Tuy nhiên ở khía cạnh chất lượng cho vay khách hàng, bóng dáng nợ xấu (nợ nhóm 3, 4 và 5) đang có dấu hiệu tăng nhiệt tại Vietbank. Các khoản vay bị chuyển sang nhóm nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) thậm chí tăng tới 63% so với thời điểm đầu năm.
Dữ liệu tổng hợp trên cơ sở thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất được ngân hàng công bố cho thấy, tổng nợ xấu của Vietbank bắt đầu nhích lên 571,7 tỷ đồng từ con số 538,9 tỷ đồng nợ xấu ghi nhận hồi đầu năm. Đặc biệt trong số này, con số nợ xấu ở nhóm 4 tăng vọt từ 98,2 tỷ đồng vào đầu năm lên 160,1 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2020, tương đương mức tăng tới 63% chỉ sau vẻn vẹn 3 tháng.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư 02/2013 về phân loại tài sản và mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tương ứng, các ngân hàng thương mại sẽ phải phân loại chất lượng tài sản cho vay theo các nhóm nợ 1, 2, 3, 4 và 5. Trong đó, các nhóm nợ 3, 4 và 5 được coi là nhóm nợ xấu với tỷ lệ trích lập dự phòng tương ứng mà NHNN quy định lần lượt là 20%, 50% và 100%. Nợ xấu càng tăng, mức trích lập càng cao. Điều này sẽ trực tiếp làm sụt giảm lợi nhuận của mỗi ngân hàng. Do các khoản trích lập dự phòng phải được lấy ra từ nguồn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
Báo cáo cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ của Vietbank là hơn 29,76 tỷ đồng, bắt đầu có dấu hiệu tăng rõ rệt so với con số 23,76 tỷ đồng cùng kỳ 2019. Chính vì vậy trong trường hợp 160,1 tỷ đồng nợ nhóm 4 không được xử lý rốt ráo, chưa loại trừ khả năng nhiều khoản vay sẽ bị chuyển nợ sang nhóm 5 trong thời gian tới. Lúc này, chi phí dự phòng của Vietbank sẽ không dừng lại ở con số 29,76 tỷ đồng như hiện tại.