Viết tiếp giấc “mộng bình thường”

GD&TĐ - “Mộng bình thường” là một câu chuyện với giấc mơ đang được viết tiếp của nhà thiết kế Thủy Nguyễn. Cô kể lại câu chuyện sáng tạo của mình gắn với những chất liệu văn hóa và thủ công đặc trưng nhất của Việt Nam.

Bộ sưu tập Mỵ Châu.
Bộ sưu tập Mỵ Châu.

“Ngủ đi mộng vẫn bình thường/ À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ/ Cây dài bóng sẽ ngẩn ngơ/ Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau”. Lấy cảm hứng từ ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy (thơ Huy Cận), nhà thiết kế thời trang Thủy Nguyễn đã lấy “Mộng bình thường” đặt tên cho triển lãm cá nhân vào đầu tháng 11/2020.

Cá tính phụ nữ Việt

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Thủy Nguyễn tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và lấy bằng cao học tại Học viện Nghệ thuật thị giác và Kiến trúc quốc gia (Ukraine) ở Kiev. Mặc dù không được đào tạo bài bản, Thủy vẫn dũng cảm khởi đầu hành trình thời trang với những thiết kế sáng tạo độc đáo.

Giới chuyên môn ngành thời trang đánh giá về điều làm nên thành công của Thủy, là các thiết kế bay bổng và nữ tính; cách sử dụng màu hay vải vóc đầy sáng tạo để làm nổi bật cá tính của người phụ nữ Việt đương đại.

Ở Thủy luôn thấy một sự nhất quán trong việc hướng tới văn hóa truyền thống Việt Nam khi các bộ sưu tập của cô thường lấy cảm hứng từ các vật dụng xưa. Vải vóc, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, tranh của các danh họa thế kỷ 20 đi ra từ Trường Mỹ thuật Đông Dương và áo dài – biểu tượng của văn hóa Việt, hay các phụ kiện cổ truyền khác.

Các bộ sưu tập đáng nhớ của Thủy có thể kể đến như: Lúng liếng, Gió mùa về, Cọc cạch, Viên mãn, Mộng mị, Tình tang, Mỵ châu, Tìm người trong mộng… Thực hành đa dạng của Thủy có thể thấy qua vai trò sản xuất của bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” – bộ phim hài tình cảm giới thiệu về văn hóa và lối sống của Sài Gòn xưa thông qua lịch sử của áo dài.

Trong cộng đồng nghệ thuật, Thủy Nguyễn được biết đến dưới nghệ danh “Tia-Thủy Nguyễn”, đặc biệt trong vai trò sáng lập Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory tại TPHCM năm 2016 - Không gian độc lập đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại.

Năm 2017, Thủy Nguyễn được mời tham gia New York Fashion Week. Nhưng đến năm nay, sau thời gian 3 năm nghiên cứu, cô mới quyết định thử nghiệm tại thị trường quốc tế. Theo nhà thiết kế, thời trang thế giới những năm gần đây đang hướng đến và lấy cảm hứng từ châu Á. Vì vậy, Thủy nhìn thấy cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam với hình ảnh hoa sen, lông vũ... ra thế giới. 

Là họa sĩ nhưng Thủy Nguyễn yêu thích thời trang và viết tiếp giấc mơ về thời trang Việt.
Là họa sĩ nhưng Thủy Nguyễn yêu thích thời trang và viết tiếp giấc mơ về thời trang Việt.

Đưa ca dao vào thời trang

Họat động sáng tạo của Thủy Nguyễn trải rộng nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm hội họa, sắp đặt nghệ thuật, phim, thời trang và thiết kế. “Mộng bình thường” là một giấc mơ mà Thủy Nguyễn đang tiếp tục viết với tất cả sự hình dung lẫn tâm hồn của một nghệ sĩ. Qua gần 9 năm, cô đã chứng minh được rằng, thời trang không chỉ là một ngành xa xỉ phẩm mà còn đóng vai trò như một đường dẫn vào văn hóa của cộng đồng.

Thủy Nguyễn tiết lộ, triển lãm tới đây sẽ quy tụ hơn 100 hiện vật gồm: 60 thiết kế trong những bộ sưu tập cá nhân từ năm 2011 - 2020 và nhiều cổ vật, phụ kiện, cũng như những tác phẩm nghệ thuật là nguồn cảm hứng sáng tạo của cô trong thời gian qua.

Thủy coi trọng những ý tưởng mới và cá tính riêng biệt. Đồng thời trí tưởng tượng bay bổng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong triết lý sống của nghệ sĩ. Đối với Thủy “hội họa và thời trang có nhiều điểm tương đồng - màu sắc và hình khối”. Mặc dù vậy, nhận định này chỉ chạm đến những yếu tố quan trọng nhất trong sáng tạo thời trang của cô, đó là sự nhấn mạnh vào hình khối và phom dáng, họa tiết trang trí phóng đại, sự kịch tính và rực rỡ sắc màu.

Chủ đề chính của triển lãm “Mộng bình thường” không chỉ có 1 mà đến con số 7, được lấy cảm hứng từ thi ca, ca dao tục ngữ và đời sống con người Việt Nam: Xưa đến ngày sau, Lầu son gác tía, Đôi vầng nhật nguyệt, Đong đầy kí ức, Ở trọ trần gian, Muôn hình vạn trạng, Phố phố phường phường.

Qua bàn tay sắp đặt của tác giả, triển lãm sẽ đưa công chúng vào một miền cổ tích thơ mộng, vừa quen vừa lạ. Chính Thủy đã quan niệm, phải tái hiện một cách phong phú và rõ nét sự đa dạng của các bộ sưu tập thời trang cũng như những nguồn cảm hứng giúp hình thành nên chúng. Các mẫu thiết kế của cô luôn xoay quanh những câu chuyện cá nhân như tình mẫu tử, quê hương, đời sống tâm linh và thiên nhiên.

Sự hiện diện thường xuyên của các thành ngữ tục ngữ, chuyện kể dân gian, truyền thuyết cũng phản ánh mối tâm giao sâu sắc giữa nhà thiết kế và văn hóa truyền thống. Triển lãm soi rọi quan điểm sáng tạo độc đáo của nghệ sĩ, thông qua việc trưng bày các trang phục, phụ kiện, những sưu tầm và tư liệu cá nhân trong một diễn cảnh được dàn dựng công phu.

“Mộng bình thường” không đơn thuần chỉ là tự truyện của một nghệ sĩ Hà Nội lập nghiệp nơi phương xa. Ở góc nhìn rộng hơn, triển lãm còn tôn vinh quá trình sáng tạo cũng như những thiết kế uyển chuyển đầy năng động của thời trang Việt Nam, không chỉ ở quang cảnh trong nước mà còn trên trường quốc tế.

Trong suốt 2 tháng diễn ra “Mộng bình thường”, công chúng còn được tiếp cận với triển lãm thông qua các chương trình giáo dục cộng đồng phong phú, kết hợp với các trường đại học đào tạo về thời trang. 

“Tôi không nghĩ mình là nhà thiết kế thời trang vì trong ngành này, tôi là tay ngang. Những món đồ do tôi vẽ kiểu đều mang phong cách cá nhân. Tôi muốn đó phải là những trang phục mang lại sự thoải mái, tôn vinh nét quyến rũ đàn bà trong mỗi người phụ nữ, thể hiện được cái tôi của họ”. - Nhà thiết kế Thủy Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ