Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút sinh viên Australia đến học tập

GD&TĐ - Đây là nhận định của ngài Craig Chittick – Đại sứ Australia tại Việt Nam khi đề cập đến các dự án, kế hoạch của Chính phủ Australia tại Việt Nam trong thời gian tới. 

Đại sứ Craig Chittick trao đổi với cựu du học sinh Việt Nam du học theo học bổng Chính phủ Australia về các sản phẩm khởi nghiệp
Đại sứ Craig Chittick trao đổi với cựu du học sinh Việt Nam du học theo học bổng Chính phủ Australia về các sản phẩm khởi nghiệp

Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ngài Craig Chittick, nghe ông chia sẻ về những mối quan tâm của Chính phủ Australia với Việt Nam trong năm mới 2018, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.

Việt Nam - đối tác quan trọng của Australia trong lĩnh vực giáo dục

* Thưa Ngài Craig Chittick, thời gian gần đây Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thông tin rất nhiều các hoạt động liên quan tới lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, gần đây nhất là việc tổ chức Hội thảo Xếp hạng và Quản trị đại học. Xin hỏi, tại sao lĩnh vực giáo dục đại học Việt Nam lại nhận được sự quan tâm của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam?

- Australia và Việt Nam đã có lịch sử hợp tác lâu dài trong lĩnh vực giáo dục. Trong nhiều thập kỷ qua, các du học sinh và nghiên cứu sinh của Việt Nam học tập và làm việc tại Australia đã giúp thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và kết nối lâu dài giữa hai quốc gia.

Hiện nay, Australia và Việt Nam đang tiếp tục mở rộng các hoạt động trao đổi sinh viên và hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục. Và không có gì ngạc nhiên khi giáo dục là một trong những trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác kinh tế và ngoại giao quan trọng của Australia với khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là với Việt Nam.

Chúng tôi có kế hoạch tổ chức các hội thảo thuộc khuôn khổ Chương trình ASPIRES trong năm 2018 với các chủ đề trọng tâm mà Việt Nam quan tâm. Hội thảo Xếp hạng và Quản trị Đại học được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2017 vừa qua cũng là một phần trong chương trình này.

* Theo ngài, kinh nghiệm gì trong quản trị giáo dục đại học ở Australia có thể phù hợp với tình hình giáo dục đại học Việt Nam hiện nay?

- Việt Nam là đối tác quan trọng của Australia trong lĩnh vực giáo dục. Giáo dục và nghiên cứu là nền tảng trong mối quan hệ ngoại giao đồng thời cũng là chất xúc tác trong đổi mới sáng tạo và hợp tác thương mại giữa hai quốc gia.

Mối quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục giữa Australia và Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Sự hợp tác giữa hai Chính phủ đã làm sâu sắc và đa dạng hơn quan hệ trong lĩnh vực giáo dục giữa hai quốc gia trong những năm vừa qua, đặc biệt là hoạt động trao đổi sinh viên, giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm của Australia trong kiểm định chất lượng giáo dục với Việt Nam và tăng cường năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 

Nâng cao chất lượng tại các trường đại học miền núi phía Bắc là một hợp phần quan trọng của Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực, thuộc Chương trình Hợp tác Phát triển Australia - Việt Nam. Hợp phần này giúp nâng cao số lượng và chất lượng trong giáo dục và nghiên cứu, cũng như năng lực của các trường đại học khu vực miền núi phía Bắc.

Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực đang hỗ trợ nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý, cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy, tăng cường hỗ trợ học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số, và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ tại trường Đại học Tây Bắc, Đại học Thái Nguyên và trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên.

Đại sứ Craig Chittick

Đại sứ Craig Chittick

Cuối năm 2018, sẽ có khoảng 1.500 sinh viên Australia đến Việt Nam

* Học sinh Việt Nam đến nước Australia du học rất nhiều. Xin hỏi học sinh, sinh viên Australia có đến Việt Nam du học không, thưa ông?

- Tháng 9/2017, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đón sinh viên từ 18 trường đại học của Australia đến Việt Nam để học tập và làm việc trong khuôn khổ Chương trình New Colombo Plan – một sáng kiến của Chính phủ Australia nhằm tăng cường hiểu biết của người dân Australia về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thông qua việc hỗ trợ cho sinh viên Australia sang các nước trong khu vực để học và thực tập.

Tính đến cuối năm 2018, sẽ có khoảng 1,500 sinh viên Australia đến Việt Nam học và thực tập, biến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn thứ 6 trong số 40 quốc gia nhận sinh viên Australia trong Chương trình New Colombo Plan.

Chương trình được kỳ vọng mang đến sự thay đổi, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam không chỉ ở mức độ cá nhân mà còn thông qua việc tăng cường kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp. 

Có 14 trường đại học tại Việt Nam sẽ nhận sinh viên Australia trong khuôn khổ Chương trình New Colombo Plan bao gồm: Đại học Thái Nguyên, trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Đại học Cần Thơ…

* Được biết mới đây, ngài có công bố khoản hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng cho các cựu sinh viên Australia tại Việt Nam thông qua Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia. Xin ngài chia sẻ mục tiêu của việc hỗ trợ cho các cựu sinh viên này là gì?

- Chính phủ Australia cam kết tiếp tục hỗ trợ các cựu sinh viên sau khi họ trở về Việt Nam, giúp họ áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học tại Australia vào công việc, đóng góp cho cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Quỹ Hỗ trợ này giúp các cựu sinh viên thực hiện các ý tưởng sáng tạo của mình và tăng cường kết nối giữa hai quốc gia. 52 dự án được nhận hỗ trợ trong năm 2017 giải quyết các vấn đề về giáo dục, phát triển nông thôn, an ninh lương thực, môi trường, bình đẳng giới, quản trị, khuyết tật và phát triển kinh tế.

Quỹ Hỗ trợ này còn giúp các cựu sinh viên vận dụng những kiến thức và kỹ năng chuyên môn vào nghiên cứu, tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo và cải thiện hệ thống cũng như quy trình tại nơi làm việc.

Một số cựu sinh viên đã nhận các khoản hỗ trợ và thực hiện các ý tưởng, dự án của mình rất thành công như: Phát triển chiến lược nhằm cải thiện công tác quản trị tại Đại học Kinh tế Quốc dân; Tổ chức khóa học kinh doanh cho 30 phụ nữ và người khuyết tật của tỉnh Thái Bình; Xây dựng nền tảng trực tuyến giúp sinh viên tìm hiểu nhu cầu của thị trường việc làm và hỗ trợ sinh viên trong học tập cũng như lựa chọn nghề nghiệp tương lai; Cập nhật cuốn sách “54 dân tộc thiểu số: Vì sao khác biệt” – một tài liệu quan trọng về các dân tộc thiểu số của Việt Nam.

* Năm 2018 kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam. Ngài có thể bật mí những hoạt động của Đại sứ quán liên quan tới lĩnh vực giáo dục?

- Nhóm Tư vấn Giáo dục và Đào tạo của Australia tại Việt Nam vừa được thành lập gần đây bởi Tham tán Giáo dục mới của Đại sứ quán, giúp định hướng chiến lược và lãnh đạo nhằm đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động giáo dục và đào tạo của Australia tại Việt Nam.

Thông qua cách tiếp cận với sự tham gia của Chính phủ, của ngành và các tổ chức, chúng tôi mong muốn tăng cường mối quan hệ trong lĩnh giáo dục và đào tạo với Việt Nam cũng như tối đa hóa cơ hội học hỏi và chia sẻ giữa hai quốc gia trong hiện tại và tương lai.

Một sáng kiến khác là Chương trình ASPIRES. Chương trình này giúp các chuyên gia và học giả trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Australia tham gia trình bày tại các sự kiện cộng đồng tại Hà Nội và T. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, trao đổi nghiên cứu giữa Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển. Chúng tôi cũng sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như phát triển các khóa đào tạo kỹ năng quốc tế cho các giảng viên và chuyên gia đánh giá và thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp thí điểm ngành Logistics và có thể áp dụng cho các ngành khác tại Việt Nam trong tương lai.

Xin cảm ơn ngài về cuộc trao đổi!

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia ước tính có hơn 60.000 cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tập tại các cơ sở đào tạo của Australia. Hiện tại, các trường đại học của Australia và Việt Nam đang có 26 chương trình hợp tác đào tạo. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.