Việt Nam nỗ lực vươn lên tốp đầu Đông Nam Á về công nghệ vũ trụ

Ngành công nghệ vũ trụ là một ngành khoa học còn non trẻ ở Việt Nam nhưng đã có bước phát triển khá ấn tượng.

Các bạn trẻ tham dự sự kiện “Hãy tới để cùng khám phá Vũ trụ” do Trung tâm Vệ tinh Quốc gia tổ chức.
Các bạn trẻ tham dự sự kiện “Hãy tới để cùng khám phá Vũ trụ” do Trung tâm Vệ tinh Quốc gia tổ chức.

Trong đó, việc vận hành các vệ tinh Vinasat - 1, Vinasat – 2, VNRedsat – 1 minh chứng rõ nét. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là việc xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng thành công và làm chủ công nghệ vũ trụ. Đây cũng là thách thức cho tương lai ngành khoa học này.

Thực tế “trung bình”

Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam hiện mới chỉ ở mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Từ lần chinh phục vũ trụ đầu tiên của anh hùng Phạm Tuân năm 1980, sau hơn 30 năm, Việt Nam đã chính thức gia nhập cuộc hành trình chinh phục không gian với mốc đánh dấu là việc phóng vào quỹ đạo vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam Vinasat – 1 trị giá 300 triệu USD. Việt Nam cũng là một trong 25 quốc gia trên thế giới có vệ tinh quan sát Trái đất riêng. Trong ASEAN, theo một phân loại không chính thức, Việt Nam có trình độ phát triển công nghệ vũ trụ ở mức trên trung bình cùng với Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Tuy vậy, mỗi quốc gia có cách tiếp cận công nghệ vũ trụ khác nhau. Ví dụ Thái Lan, Philippines tập trung vào mảng ứng dụng công nghệ vũ trụ, trong khi Malaysia, Indonesia cố gắng phát triển vệ tinh quan sát trái đất riêng.

Đối với Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020 trong đó xác định rõ mục tiêu cơ bản là: Từng bước làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh; làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; làm chủ được công nghệ và kỹ thuật tên lửa; đào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam; nâng cấp hạ tầng cơ sở ban đầu; chế tạo và phóng thêm một số vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, thay thế một phần ảnh vệ tinh của nước ngoài. Tất cả nhằm đạt trình độ trung bình khá trong khu vực về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ. Tuy vậy, như nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân từng nói: “ Công nghệ có thể chuyển giao từ nước ngoài nhưng đội ngũ nhân lực đủ trình độ để làm chủ công nghệ, ứng dụng thành công trong các ngành kinh tế Việt Nam đang là một thách thức lớn”.

Vươn lên tốp đầu

Trong những năm gần đây, ngành công nghệ vũ trụ đã có những bước thành công đáng kể. Về vệ tinh, Việt Nam đã có Vinasat - 1, Vinasat - 2 là hai vệ tinh viễn thông; vệ tinh quan sát trái đất VN Redsat - 1 được phóng năm 2013. Việt Nam cũng chế tạo được vệ tinh “made in Vietnam” PicoDragon phóng lên năm 2013 và gửi được tín hiệu về trái đất. Trong lĩnh vực ứng dụng, ảnh vệ tinh đã được ứng dụng tại các bộ, ngành, địa phương. Việt Nam cũng tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế. Điển hình là việc ký kết hợp tác với cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản - Jaxa, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ Nasa và sắp tới sẽ là Cơ quan hàng không của Pháp và Nga. Đây là những cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới và trước đây Việt Nam hầu như không có sự kết nối với các đơn vị này.

Việt Nam cũng đã triển khai những dự án quan trọng như dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam với số vốn đầu tư 600 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là dự án được đầu tư lớn nhất và bài bản nhất của ngành khoa học và công nghệ Việt Nam trong 35 năm qua.

Có được những điều này phải kể đến lộ trình phát triển bài bản từ cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị đến đào tạo nhân lực. Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam được xây dựng đồng bộ với 3 phần, trong đó phần 1 là tổ hợp hạ tầng được xây dựng tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc. Phần thứ hai là đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ vũ trụ ở Việt Nam gồm việc đào tạo kỹ sư, thạc sĩ tại ba trường đại học là: Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Quốc tế của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng thông qua dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã cử 35 kỹ sư học khóa thạc sĩ về công nghệ vệ tinh tại Nhật Bản. Trong quá trình học tập, các bạn này đã học ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tham gia chế tạo vệ tinh Micro Dragon trọng lượng 50 kg với nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Vệ tinh MicroDragon có thời gian thực hiện từ năm 2013 đến 2017 và dự kiến phóng lên quỹ đạo vào quý 1-2018.

Phía Nhật Bản cũng đã thống nhất chuyển giao công nghệ hai vệ tinh radar. Vệ tinh thứ nhất LOTUSat - 1 được các chuyên gia Nhật Bản thiết kế. Việc lắp ráp, thử nghiệm được thực hiện với sự tham gia của ê kíp kỹ sư Việt Nam, dự kiến phóng vào tháng 3-2019. Vệ tinh thứ hai LOTUSat - 2 được thiết kế lắp ráp, thử nghiệm tại Việt Nam và dự kiến phóng vào đầu năm 2022. Đây chính là hai dự án giúp khẳng định dấu ấn của các kỹ sư người Việt Nam trong ngành khoa học đỉnh cao này. Hai vệ tinh sẽ đưa ra các dữ liệu góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm 150 triệu USD/năm cho Việt Nam trong việc giảm thiệt hại bởi thiên tai. Trong khi đó, tổng trị giá để hoàn thành dự án vào khoảng 600 triệu USD chi phí cho vệ tinh, đào tạo nhân lực và các trạm vận hành mặt đất, hai vệ tinh dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng 8 năm kể từ khi được phóng lên quỹ đạo.

“Khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục thuộc dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vào năm 2020, chúng tôi có thể khẳng định Việt Nam sẽ trở thành tốp đầu của Đông Nam Á trong lĩnh vực này. Đây sẽ là một trung tâm nghiên cứu công nghệ vũ trụ hiện đại nhất Đông Nam Á”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn cho hay.

Trung tâm Vệ tinh Quốc gia tổ chức lễ chia tay 11 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ Công nghệ vũ trụ tại 5 trường đại học Nhật Bản.

Trung tâm Vệ tinh Quốc gia tổ chức lễ chia tay 11 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ Công nghệ vũ trụ tại 5 trường đại học Nhật Bản.

Chuẩn bị cho tương lai

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, ngành công nghệ vũ trụ muốn phát triển cần nguồn nhân lực lâu dài. Trước khi có dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam, ngành hầu như không có nhân lực và chưa có nhà khoa học trẻ nào được đi đào tạo nước ngoài chuyên ngành vũ trụ. Thông qua dự án này, ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam đã có một lứa thạc sĩ đầu tiên về công nghệ vũ trụ. Để đảm bảo nguồn nhân lực lâu dài, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã liên kết với ba trường đại học: Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội; Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia và từ năm 2016 liên kết với Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ. Với những nguồn đó, Việt Nam sẽ dần giải quyết được vấn đề về nguồn nhân lực cho ngành.

Bên cạnh đó, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ đã ký kết với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ - Nasa về Chương trình Globe về phổ cập kiến thức vũ trụ cho học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. “Chúng tôi cũng tổ chức những buổi truyền đạt kiến thức căn bản về vũ trụ cho các giáo viên và học sinh để truyền lửa đam mê. Từ những em nhỏ này, ngọn lửa đam mê ngành vũ trụ sẽ được cháy lâu dài”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn bày tỏ niềm hy vọng. Xa hơn nữa, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đang tập trung xây dựng Bảo tàng Vũ trụ Quốc gia, nơi các em nhỏ cấp mẫu giáo, tiểu học sẽ được khơi dậy niềm đam mê và nuôi dưỡng dần khi lớn lên. Cứ thế, 10, 15 năm nữa chúng tôi lại có tiếp một thế hệ hứng thú say mê ngành công nghệ vũ trụ.

Tuy vậy, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, vấn đề khó và cấp bách nhất hiện nay là làm sao để đội ngũ nhà khoa học trẻ đang làm việc đảm bảo yên tâm công tác. Do đó, lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng như Trung tâm Vệ tinh Quốc gia sẽ trình Chính phủ xin cơ chế tài chính đặc thù cho ngành công nghệ cao này, từ đó giúp tạo được một cuộc sống ổn định để đội ngũ này yên tâm công tác, cống hiến cho khoa học.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay Trung tâm Vệ tinh Quốc gia có 117 cán bộ công nhân viên. Khi Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam hoàn thành, đơn vị này sẽ cần lượng nhân lực khoảng 350 người phục vụ mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh với các khâu: thiết kế, chế tạo, vận hành, ứng dụng vệ tinh. Nếu không có lộ trình đúng, bài toán nhân lực trình độ cao sẽ là bài toán hóc búa nhất của ngành công nghệ vũ trụ.

Theo cadn.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.