Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật

Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật

(GD&TĐ) - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại lễ Công bố Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2013 được tổ chức chiều 30/5 tại Thành phố Đà Nẵng. Chương trình do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức.

Đến dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, ông Anthony Lake - Giám đốc Điều hành UNICEF; ông Peter Baxter - Tổng Giám đốc AusAID cùng đại diện lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức, trung tâm chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật trong nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng “cô bè thủy tinh” Nguyễn Phương Anh – Người vào chung kết cuộc thi Viet Nam Got Talent năm 2012
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng “cô bè thủy tinh” Nguyễn Phương Anh – Người vào chung kết cuộc thi Viet Nam Got Talent năm 2012

Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2013 tập trung vào các vấn đề về trẻ khuyết tật. Trong đó chỉ rõ: Hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, trẻ khuyết tật thường không được đề cập tới trong các chính sách, các số liệu cũng như trong xã hội. Tình trạng này khiến trẻ em trở thành các đối tượng đứng bên lề xã hội và nằm ngoài phạm vi phục vụ của các dịch vụ xã hội.

Người khuyết tật thường có nguy cơ phải đối mặt với cái nghèo hơn những người khác. Trẻ khuyết tật thường bị giấu trong các trung tâm và không được chăm sóc đầy đủ về giáo dục, y tế, tình cảm và có nguy cơ chịu bạo lực, lạm dụng. Trẻ khuyết tật ít có cơ hội được đi học hơn so với các bạn cùng trang lứa không bị khuyết tật. Ngoài phải đối diện các nguy cơ về suy dinh dưỡng, không được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường, trẻ khuyết tật còn bị kỳ thị và phân biệt đối xử đang xẩy ra nhiều nơi trên thế giới.

Để cải thiện tình hình và thực hiện quyền của trẻ khuyết tật, Báo cáo đã vạch ra 3 chương trình hành động lớn trong thời gian đến: Phải xây dựng một xã hội hòa nhập hơn. Phải chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật và cần có số liệu sát thực hơn về trẻ khuyết tật.

Có hơn 300 đại biểu lãnh đạo các tổ chức quốc tế tham dự lễ Công bố Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2013
Có hơn 300 đại biểu lãnh đạo các tổ chức quốc tế tham dự lễ Công bố Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2013

Là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Việt Nam luôn đề cao các nguyên tắc cơ bản của Công ước, đặc biệt là nguyên tắc không phân biệt đối xử, luôn nỗ lực hướng tới bảo đảm để trẻ khuyết tật được hưởng một cách trọn vẹn, đầy đủ và bình đẳng các quyền của mình.

Những năm qua, Việt Nam đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của xã hội đối với trẻ khuyết tật: Tổ chức các diễn đàn để người khuyết tật, trẻ em khuyết tật đối thoại, tham gia vào quá trình đề ra các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của mình.

Tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, các giải thể thao, các cuộc thi dành cho người khuyết tật được tổ chức để xóa đi sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Việt Nam khuyến khích các hình thức chăm sóc thay thế, nhận con nuôi tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Các trung tâm phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, các cơ sở sản xuất, cung cấp sản phẩm, thiết bị phục hồi chức năng được nhà nước và các tổ chức xã hội đầu tư xây dựng. Công tác sàng lọc, phát hiện sớm và đánh giá khuyết tật của trẻ em bước đầu được triển khai.

Giáo dục hòa nhập từng bước được tăng cường và mở rộng để trẻ khuyết tật vào học, tạo lập nền tảng học vấn, kiến thức và kỹ năng để trẻ khuyết tật xóa đi sự mặc cảm, tự tin hơn trong hội nhập vào đời sống kinh tế - xã hội…

Chia sẻ các quan điểm trong Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2013 của UNCEF, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ vui mừng vì trong Báo cáo được công bố đã có những hình ảnh, những ví dụ từ thực tiễn của Việt Nam như một sự ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em khuyết tật.

Đồng thời, Phó Chủ tịch nước ủng hộ quan điểm nêu ra trong báo cáo, là trẻ em khuyết tật cũng giống như trẻ em bình thường khác, cần được nhìn nhận như một thành viên đầy đủ của gia đình, cộng đồng và xã hội.

Trách nhiệm của nhà nước, xã hội, cộng đồng và gia đình là cần đầu tư, tạo điều kiện cho các em tiếp cận các điều kiện về vật chất, văn hóa, kinh tế, truyền thông và đấu tranh xóa bỏ thái độ kỳ thị đối với việc thực hiện các quyền của trẻ em, kể cả quyền được tham gia tích cực vào việc ra các quyết định ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày và tương lai của các em.

Các bạn trẻ khuyết tật tại thành phố Đà Nẵng cùng cùng “cô bé thủy tinh” Nguyễn Phương Anh tham gia giao lưu văn nghệ
Các bạn trẻ khuyết tật tại thành phố Đà Nẵng cùng “cô bé thủy tinh” Nguyễn Phương Anh tham gia giao lưu văn nghệ

Phó Chủ tịch nước khẳng định: “Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng trẻ em thiệt thòi, nhất là trẻ em khuyết tật. Ở Việt Nam có hơn 1,2 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có nhiều trẻ em khuyết tật do hậu quả và di chứng của chiến tranh, nhất là bị nhiễm chất độc hóa học, bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Đây là thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong nỗ lực bảo đảm các quyền trẻ em đối với trẻ khuyết tật và  giúp các em hòa nhập vào đời sống”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của UNICEF, của các tổ chức quốc tế, các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ nhằm tạo lập một môi trường tốt hơn cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật.

Giúp trẻ em khuyết tật được nhìn nhận, được phát huy vai trò như một thành viên đầy đủ của gia đình, cộng đồng và xã hội, để trẻ em khuyết tật hưởng thụ đầy đủ, trọn vẹn và bình đẳng các quyền của mình, hòa nhập thành công, giảm tình trạng bị kỳ thị, phân biệt đối xử, tách biệt và xâm hại.

Đồng thời, Việt Nam cam kết phối hợp cùng UNICEF và các nước để đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.

“Chăm sóc và bảo vệ trẻ em không chỉ là công việc cấp bách mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trong trong thúc đẩy các quyền của trẻ em, thông qua việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Bên cạnh đó, Việt Nam chú trọng việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em, nâng cao đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần và phúc lợi xã hội cho trẻ em".

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

                                                                     Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ