Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH (Trường Đại học Việt Pháp) vừa chính thức đưa phòng thí nghiệm hàng không hiện đại hàng đầu ở Việt Nam vào hoạt động.
Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hải Đăng, USTH có hợp tác chặt chẽ với Pháp, đất nước có thể mạnh lớn ở châu Âu cũng như thế giới về ngành kỹ thuật hàng không. Vì vậy, trường đã liên hệ và xây dựng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không – một ngành được đánh giá đang rất hot.
Hơn nữa, nhận thấy các hãng ở Việt Nam đang đầu tư mua rất nhiều máy bay nên chắc chắn sẽ cần các kỹ sư sửa chữa, bảo dưỡng máy, trong khi nguồn nhân lực này ở Việt Nam còn rất thiếu.
Phòng thí nghiệm thực hành Kỹ thuật Hàng không có mức đầu tư khoảng 700.000 USD (tương đương 16 tỷ đồng). Quy trình tiếp nhận các thiết bị được chia thành 3 đợt. Trong đó đợt 1 đã hoàn tất và được lắp đặt tại trường. Đợt 2 sẽ được thực hiện vào tháng 8/2019 và đợt cuối cùng sẽ được thực hiện vào cuối quý 1/2020.
Phòng thí nghiệm hàng không hiện đại đầu tiên của Việt Nam do một trường đại học đầu tư
Ông Đăng cho biết, năm 2018, đối với ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Việt Pháp đã tuyển sinh khóa đầu tiên với 32 nam sinh viên. Như các ngành khác trong trường. Vietnam Airlines đã cam kết với trường sẽ tuyển dụng sinh viên 5 khóa học đầu sau khi các em ra trường.
Thí sinh đạt 3 yêu cầu sau mới chính thức là sinh viên của trường. Thứ nhất có 5 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin trung bình 6.5 điểm ở năm lớp 11 và học kỳ đầu lớp 12. Thứ hai, thí sinh có học lực khá. Thứ ba là phải vượt qua kỳ phỏng vấn. Khi trúng tuyển, sinh viên vào trường sẽ được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh trong 3 năm.
Năm ngoái, trường phỏng vấn hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhưng năm nay, có một số bạn có thể phỏng vấn bằng tiếng Việt nếu trình độ bạn đó tốt. Quá trình phỏng vấn này có sự tham gia của các chuyên gia về ngành Hàng không.
Phòng thí nghiệm hàng không hiện đại sẽ giúp sinh viên Kỹ thuật Hàng không có cơ hội thực hành chuyên sâu hơn.
“Sinh viên theo học Hàng không sẽ được học những bài thực hành cơ bản tại phòng thí nghiệm này với sự hướng dẫn của các giảng Pháp và Việt Nam. Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không sẽ có 6 tháng thực tập trên máy bay tại Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay VAECO”, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hải Đăng nói
Thầy Nguyễn Văn Tăng, một trong những giảng viên tham gia chương trình Kỹ thuật Hàng không chia sẻ, để học ngành này, ban đầu các giảng viên dạy các môn Vật lý cơ bản để các em hiểu nguyên lý.
Đến năm thứ hai và thứ ba, giảng viên sẽ dạy kiến thức sâu hơn. Năm ngoái, các em đã học các môn giới thiệu về kỹ thuật hàng không do chuyên gia củaTập đoàn Airbus và ENAC sang giảng dạy.
Thầy Nguyễn Văn Tăng cùng các thiết bị trong phòng thí nghiệm hàng không.
Tháng 12/2016, Đại học Việt - Pháp ký thỏa thuận hợp tác với Bộ GD&ĐT Pháp và Tập đoàn Airbus. Đến tháng 12/2017, trường tiếp tục nhận được cam kết của Vietnam Airline trong việc tạo điều kiện cho sinh viên thực hành 6 tháng tại Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO).
Tháng 5/2018, Đại học Việt Pháp tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Airbus, Viện Hàng không Vũ trụ Pháp (IAS) và và trường Hàng không dân dụng Quốc gia Pháp (ENAC).
Chương trình đào tạo Kỹ thuật Hàng không của trường được hỗ trợ bởi 2 đơn vị chính là ENAC và IAS.