Việt Nam ký kết EVFTA: Cơ hội nhiều, thử thách lớn

GD&TĐ - Thực tế EVFTA không phải là Hiệp định Thương mại Tự do đầu tiên Việt Nam ký kết với EU. Tuy nhiên, EVFTA lần này vô cùng quan trọng bởi đây là 1 trong 2 FTA thế hệ mới có ảnh hưởng mạnh và sâu rộng đến nền kinh tế của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón đại diện liên minh EU tại Văn phòng Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón đại diện liên minh EU tại Văn phòng Chính phủ

Xoá bỏ hầu hết thuế quan hàng hoá

Chiều 30/6, tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra lễ ký kết giữa Việt Nam và EU về Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Chứng kiến sự kiện trên có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom.

Hai Hiệp định EVFTA và EVIPA là những thỏa thuận tiêu chuẩn cao nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển dựa trên quy định pháp luật.Đáng chú ý, ngay khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU. Các dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ dần trong 10 năm tới và 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ.

Tại buổi ký kết, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết, hai hiệp định là một mốc son đặc biệt trong quan hệ giữa hai bên. Để có được kết quả này, là cả một quá trình đàm phán rất dài.Hiệp định này không chỉ giúp hai bên hợp tác phát triển về kinh doanh mà còn giúp phát triển một cách bền vững thông qua các quy định bảo vệ, bảo hộ từ cả hai phía.

Trong khi đó, EVIPA sẽ giúp bảo vệ và tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Điều này hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á.

EVFTA đã mở ra con đường phát triển mới cho kinh tế Việt Nam
 EVFTA đã mở ra con đường phát triển mới cho kinh tế Việt Nam

Hành trình nhiều gian nan

Được khởi động từ tháng 6/2012, đến cuối năm 2015, Việt Nam và EU đã kết thúc quá trình đàm phán và tích cực thực hiện công tác rà soát pháp lý nhằm tiến tới ký kết sớm EVFTA.Tuy nhiên, tại EU đã xuất hiện một vấn đề có tính chất pháp lý về thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã phải đưa ra xin ý kiến của Tòa án công lý châu Âu. Tòa này sau khi xem xét đã đưa ra phán quyết về định dạng mới cho các FTA giữa EU với các đối tác.

Tiếp đó, phải đến tháng 9/2017, EU mới chính thức đưa ra được một định dạng mới cho hiệp định sẽ ký kết với Việt Nam. EU đề xuất tách thành hai hiệp định độc lập là EVFTA và EVIPA. Theo lịch trình, sau khi được ký kết, EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu và Nghị viện 28 nước thành viên EU bỏ phiếu thông qua.

Theo đánh giá, EVFTA sẽ được Nghị viện châu Âu thông qua vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020.Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là hai năm để Nghị viện châu Âu và Nghị viện của 28 quốc gia thành viên thông qua.Với một Nghị viện mới, trước thực trạng phân tán quyền lực giữa các phe phái chính trị sau cuộc bầu cử tháng Năm vừa qua thì việc tìm được tiếng nói chung, nhất là trong một vấn đề nhạy cảm tại châu Âu như các hiệp định tự do thương mại là vấn đề không mấy dễ dàng.

Nhiều cơ hội, lắm thử thách

Ngay sau lễ ký kết, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương cho biết hai bên sẽ phải đi qua một chặng đường dài để cả hai hiệp định được phê chuẩn và đi vào thực chất. Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, EVFTA là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57-5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).

Được biết, thời gian tới những nông sản nhiệt đới, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau củ… của Việt Nam xuất khẩu sang EU với thuế quan ưu đãi sẽ mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, những người chiếm trên 65% lực lượng lao động của Việt Nam và đang có thu nhập trung bình chưa đầy 1.000 euro/năm. “Các sản phẩm nông sản và thủy sản Việt Nam đều trực tiếp mang lại lợi ích, không chỉ cho doanh nghiệp và người sản xuất, người nông dân mà mang lại những giá trị gia tăng cho chúng ta” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng BộKế hoạch đầu tưNguyễn Chí Dũngcũng nói rõ hơn về các lĩnh vực sẽ nhận tác động tích cực từ hai hiệp định EVFTA và EVIPA. Tuy nhiên, ông Dũng cũng nêu rõ những thách thức khi Việt Nam tham gia vào hiệp định, trong đó có thể chế, môi trường và nguồn nhân lực. Theo đó, Việt Nam buộc phải tích cực rà soát, hoàn thiện các thể chế đầu tư để tạo môi trường tốt hơn cho các nhà đầu tư EU và việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp, người dân.

Chia sẻ với báo chí tại buổi đối thoại sau lễ ký kết, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hai Hiệp định trên giúp doanh nghiệp Việt Nam có con đường thông thương ưu tiên lần đầu tiên với cùng lúc 28 nền kinh tế EU. Đây là thị trường 512 triệu dân có mức thu nhập tương đối cao, nhu cầu tiêu dùng đặc biệt lớn. EVFTA cũng là cơ hội loại bỏ thuế quan ổn định và vĩnh viễn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ở một trong những thị trường lớn nhất thế giới.

Ông Lộc cũng khẳng định, những khó khăn thách thức không hề nhỏ. Theo đó, các doanh nghiệp phải tiếp cận được các thông tin về thị trường này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình, hướng tới khai thác các thị trường mới mở và sẵn sàng đương đầu với cạnh tranh của các doanh nghiệp EU trên thị trường Việt Nam với mức thuế thấp hơn rất nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ