Bệnh nhân là anh Hoàng Quốc Biên (39 tuổi, quê ở thôn Thượng Bắc, xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ, bệnh nhân đã nhanh chóng hồi tỉnh hầu như không dùng thuốc trợ tim ngoại trừ phải dùng thuốc chống đông máu để duy trì hoạt động hiệu quả và lâu dài của bơm tim nhân tạo.
Được biết, bệnh nhân nhập viện mổ vào ngày 6/6/2014 với tình trạng bệnh được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn giai đoạn cuối. Theo đánh giá kiểm tra trước khi ra viện, cung lượng tim của bệnh nhân trở lại như những người bình thường khác, có thể sinh hoạt bình thường.
Trong thời gian chuẩn bị ra viện, bệnh nhân và người nhà còn được các bác sĩ hướng dẫn cách điều chỉnh máy, các cảnh báo khi thiết bị có sự cố và cách thức liên lạc khi gặp vấn đề.
Ca ghép tim bán phần này cũng đánh dấu thành công của Bệnh viện T.Ư Huế khi thực hiện được cả 4 phương pháp điều trị cơ bản trong điều trị suy tim giai đoạn cuối và được ghi vào bản đồ ghép tim thế giới.
GS.TS Bùi Đức Phú - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - chia sẻ: “Chúng tôi phải trải qua một quá trình dài đầy khó khăn như thiếu hụt nguồn tạng từ người cho chết não (không đáp ứng được nhu cầu ghép tim hoặc tim phổi ngày càng nhiều của người bệnh tại Việt Nam và thế giới); ngày càng có nhiều bệnh nhân suy tim không thể sống được vì không được ghép tạng.
Từ đó, bệnh viện đề xuất áp dụng công nghệ tim nhân tạo bán phần điều trị hỗ trợ tâm thất cho bệnh nhân suy tim, phổi giai đoạn cuối và được Bộ Y tế, Bộ KH-CN đồng ý. Đặc biệt là tìm nguồn kinh phí thực hiện được phê duyệt bởi Bộ KHCN vì giá một quả tim nhân tạo bán phần từ 2,5 tỷ - 3 tỷ đồng”.
Trước đó, vào ngày 1/3/2011, Bệnh viện T.Ư Huế đã thực hiện thành công ca ghép tim không cần chuyên gia nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam cho bệnh nhân Trần Ngọc Đức (31 tuổi, trú TP.Huế). Anh Đức sống khỏe mạnh, tìm được việc làm, sinh con hiện đã 7 tháng tuổi.