Việt Nam “gần hơn” với vắc-xin Covid-19

GD&TĐ - Mới đây, Học viện Quân y tiếp tục tiêm mũi 2 liều 50mcg vắc-xin Nanocovax cho 5 tình nguyện viên. 2 tình nguyện viên còn lại của nhóm 1b sẽ lùi tiêm đến ngày 8/2 do bận việc đột xuất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trò chuyện, động viên nam tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Việt Nam. Ảnh: Trần Minh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trò chuyện, động viên nam tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Việt Nam. Ảnh: Trần Minh

Cũng trong ngày 8/2 tới, 20 tình nguyện viên cuối cùng của nhóm 1c sẽ tiêm đồng loạt mũi 2 liều 75mcg.

Tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 sau Tết

Đến nay, Việt Nam đã hoàn tất 98/120 mũi tiêm trong giai đoạn 1 (chiếm 82%). Phía Học viện Quân y đang tổng hợp báo cáo đánh giá. Kết quả bước đầu cho thấy, vắc-xin Nanocovax sinh miễn dịch rất tốt. Dự kiến sau Tết, Học viện Quân y có thể bắt đầu tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 trên số lượng 560 tình nguyện viên, duy trì 2 nhóm liều.

Vắc-xin Nanocovax do Công ty Nanogen nghiên cứu sản xuất trong thời gian 6 tháng, dựa trên công nghệ tái tổ hợp protein. Từ ngày 17/12/2020, Học viện Quân y bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin này trên những tình nguyện viên đầu tiên.

Trong giai đoạn 1, nhóm nghiên cứu tiêm thử nghiệm trên 60 tình nguyện viên, chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm 20 người để đánh giá độ an toàn của vắc-xin: Nhóm 1a tiêm liều 25mcg, 1b tiêm liều 50mcg và 1c tiêm liều 75mcg. Đến nay, có 38 tình nguyện viên của nhóm 1a, 1b tiêm đủ 2 mũi.

Theo quy trình của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, quá trình thử nghiệm trên người của vắc-xin Nanocovax sẽ có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 12/2020 - 2/2021, tiến hành thử nghiệm 60 người có độ tuổi từ 18 - 50 tuổi. Giai đoạn 2 từ tháng 2 - 8 năm nay, thử nghiệm từ 400 - 600 người, độ tuổi từ 12 - 75 tuổi. Giai đoạn 3, từ tháng 8 năm nay đến tháng 2/2022, thử nghiệm trên 1.500 - 3.000 người.

Tất cả người tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc-xin. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. Để bảo đảm tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 cá nhân tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần.

Cũng trong tháng 2, một vắc-xin trong nước khác của Việt Nam là Covivac do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) sản xuất đã chính thức bước vào thử nghiệm giai đoạn 1 trên các tình nguyện viên từ 18 - 75 tuổi.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho vắc-xin của Astrazeneca (Anh) cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. Dự kiến trong quý I năm nay, những liều vắc-xin đầu tiên của Astrazeneca sẽ về tới Việt Nam để tiêm cho người dân.

Lực lượng chức năng tuyên truyền người dân phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Đăng Chung
Lực lượng chức năng tuyên truyền người dân phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Đăng Chung

Mong chờ những “mũi tiêm hy vọng”

Chia sẻ về vắc-xin phòng Covid-19, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) dẫn chứng: “Chỉ tập trung vào tiêm chủng sẽ không kết thúc được bệnh đậu mùa, ngược lại nếu không có vắc-xin thì đậu mùa sẽ là thảm họa với nhân loại. Tôi cho rằng, đó là bài học vô cùng quan trọng với đại dịch Covid-19”. 

Trước bối cảnh Việt Nam đạt được thành tựu đầu tiên trong phòng, chống Covid-19, bác sĩ Phúc cho rằng, việc sản xuất thành công vắc-xin Covid-19 là vô cùng quan trọng. 

“Với dân số gần 100 triệu, Việt Nam không thể là quốc gia nhỏ bé, chỉ có thể là quốc gia mạnh hay yếu. Chiến thắng Covid-19 bằng mô hình phòng chống dịch theo cách của Việt Nam, cùng với vắc-xin tự sản xuất, thì đó sẽ là cơ hội để Việt Nam chủ động đưa ra những cam kết và trách nhiệm đối với thế giới”, bác sĩ Phúc nhận định. 

Trong khi đó, TS.DS Phạm Đức Hùng - Bệnh viện Cincinnati, Ohio (Mỹ), cho rằng, tới nay, vắc-xin Covid-19 vẫn có hiệu quả trên các biến thể mới của virus. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất đang tích cực tìm liệu pháp mới để chống lại biến thể của SARS-CoV-2.

Chuyên gia này khuyến cáo, người dân cần tuân thủ các biện pháp chống dịch, đề phòng vì virus biến đổi không ngừng. Tuy nhiên, lo lắng quá là điều không nên, bởi có thể gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch - “công cụ” quan trọng chống lại dịch bệnh.

PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng đoàn công tác của viện tại Hải Dương, nhận định, chủng virus mới có tốc độ lây lan rất nhanh. Do đó, tất cả các lực lượng phải nỗ lực thần tốc chạy đua với thời gian để có thể chiến thắng dịch bệnh.
“Có thể nói chủng virus này lây truyền nhanh hơn rất nhiều so với chủng cũ. Chúng ta đang phải chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm hơn rất nhiều so với trước đây. Chúng ta phải chuyển thành phương án tốc độ, tốc độ và tốc độ để chiến đấu với kẻ thù. Chúng ta phải đi thật nhanh, nếu đi chậm hơn virus là thua”, PGS Dương cảnh báo. 
Do đó, lãnh đạo ngành y tế nhấn mạnh, truy vết là một trong những điều “sống còn”. Bởi, truy vết có thể phát hiện và cách ly ngay lập tức ca bệnh.
Việc truy vết bao gồm: Tốc độ truy vết, tốc độ khoanh vùng, tốc độ xét nghiệm để chiến thắng tốc độ lây lan của virus. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ