Việt Nam đóng góp tích cực vào thành công chung của IPU-144

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn đã tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 20-24/3 tại Bali.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà phát biểu tại phiên họp. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, bà Thái Quỳnh Mai Dung, Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, đánh giá rằng IPU-144 đã đạt được những kết quả nổi bật trên ba khía cạnh. Một là, IPU-144 diễn ra tại Indonesia, quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức Đại hội đồng sau thời gian hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều vấn đề an ninh và an ninh phi truyền thống, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường hòa bình và tiến trình phục hồi, phát triển hậu đại dịch. Thành công của Đại hội đồng thể hiện nỗ lực lớn của chủ nhà Indonesia và khẳng định sự tham gia sâu rộng của Nghị viện Indonesia vào các hoạt động của IPU.

Hai là, với chủ đề thảo luận chung “Hướng tới phát thải ròng bằng 0: Quốc hội tham gia hành động về vấn đề biến đổi khí hậu”, IPU đã nghe rất nhiều lượt phát biểu tại phiên toàn thể, nhấn mạnh tính chất khẩn cấp của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, kêu gọi Nghị viện quyết tâm chính trị và sự đồng thuận của các nghị sĩ cùng thúc đẩy các giải pháp giảm khí thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các cam kết của các nước tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Nhiều ý kiến đề nghị các nước phát triển cần có trách nhiệm hơn, hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, nhất là nguồn lực tài chính và công nghệ.

Ba là, IPU ngày càng tham gia nhiều hơn vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu; hòa bình và kêu gọi đối thoại, kiên trì các giải pháp ngoại giao, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc trong giải quyết xung đột; đoàn kết quốc tế, bình đẳng, không phân biệt đối xử, tăng cường hợp tác đa phương, cùng vượt qua cách thách thức lớn, phục hồi kinh tế, giảm tác động xã hội của đại dịch. Đáng chú ý là Đại hội đồng có rất nhiều phiên họp chuyên đề bên lề như hội thảo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vấn đề ứng phó dịch bệnh, hội thảo IPU với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vì trẻ em, hội thảo về chống vũ khí hạt nhân do IPU và Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) tổ chức, họp nhóm công tác về khoa học công nghệ của IPU. Điều này cho thấy quan hệ đối tác ngày càng chặt chẽ giữa IPU và Liên hợp quốc. 

Tại sự kiện quan trọng này, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đóng góp tích cực vào các nội dung của Đại hội đồng, gồm chủ trì phiên họp Nhóm địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương (APG), họp ASEAN+3, họp Hội đồng điều hành, tham gia phát biểu tại phiên thảo luận chung, thảo luận về chủ đề khẩn cấp, dự họp và đóng góp ý kiến tại các Ủy ban thường trực của IPU như Ủy ban 1 về hòa bình, an ninh quốc tế; Ủy ban 2 về phát triển bền vững, Ủy ban 3 về dân chủ, nhân quyền, Ủy ban 4 về các vấn đề Liên hợp quốc; Diễn đàn nữ nghị sỹ, Diễn đàn nghị sỹ trẻ và Hiệp hội các tổng thư ký nghị viện (ASGP). 

Theo bà Thái Quỳnh Mai Dung, tại IPU-144, Đoàn Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, tại phiên thảo luận về chủ đề chung, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng an ninh lương thực toàn cầu, đa dạng sinh học, sụt giảm các nguồn tài nguyên, làm gia tăng đói nghèo, thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội, bất ổn và xung đột, các quốc gia khẩn thiết gia tăng cam kết, hành động giảm phát thải nhà kính, theo đuổi quá trình phục hồi kinh tế xanh, bền vững và bao trùm hậu đại dịch COVID-19. 

Việt Nam cũng thể hiện quyết tâm giảm mạnh phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tăng nhanh tỉ lệ năng lượng tái tạo, nỗ lực thực hiện những cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có cam kết tại COP 26; thể hiện mong muốn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư về chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. 

Trưởng đoàn Việt Nam đã nêu 5 đề xuất nhằm nâng cao vai trò của nghị viện các nước trong vấn đề biến đổi khí hậu. Một là, thúc đẩy triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa các chính sách nhằm ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 như cam kết tại COP 26. Hai là, tăng cường hợp tác, trên cơ sở nguyên tắc công bằng, trách nhiệm chung nhưng có phân biệt, phù hợp với năng lực và điều kiện riêng biệt của mỗi quốc gia; các nước phát triển hơn cần tiếp tục đi đầu thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và công nghệ. Ba là, các Nghị viện tăng cường lập pháp, rà soát, bổ sung xây dựng luật; giám sát và phân bổ ngân sách để bảo đảm việc thực hiện các cam kết khí hậu của quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Bốn là, đề nghị IPU phối hợp với Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu xây dựng cơ chế giám sát, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, mô hình tốt trong việc thực hiện các cam kết của các quốc gia. Năm là, phát huy vai trò cầu nối của nghị sỹ với người dân để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích phát triển quan hệ đối tác công-tư, đề cao sự nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp, sự ủng hộ cùng hành động của người dân. Các đề xuất này của Việt Nam được đánh giá cao và được phản ánh vào văn kiện chung của Đại hội đồng.

Trong cuộc thảo luận của IPU-144 về chủ đề khẩn cấp “Giải pháp hòa bình đối với tình hình tại Ukraine, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và toàn vẹn lãnh thổ” do đoàn New Zealand đề xuất, đại biểu Việt Nam đã khẳng định rằng hòa bình và hợp tác luôn là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu của Việt Nam cũng là tôn chỉ, mục đích cao cả của IPU; kêu gọi mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, hiến chương Liên hợp quốc, bình đẳng chủ quyền, tôn trọng độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và đề nghị cộng đồng quốc tế trong đó có các nghị viện thành viên IPU tiếp tục thúc đẩy và tạo thuận lợi đối thoại giữa các bên, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người dân, cũng như tạo điều kiện cho công tác bảo hộ công dân bao gồm những người Việt Nam. 

Đặc biệt, trong bối cảnh Tuvalu không đảm nhiệm được vai trò Chủ tịch APG do ảnh hưởng của đại dịch, trên cơ sở đề xuất của Ban thư ký IPU và được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Vũ Hải Hà đã chủ trì phiên họp APG. Mặc dù bối cảnh khẩn trương và khá gấp rút, Trưởng đoàn Việt Nam đã chủ trì thành công phiên họp, củng cố đoàn kết, hợp tác nghị viện trong APG vì đây là cuộc họp nhóm trực tiếp đầu tiên sau 2 năm họp trực tuyến. Các đại biểu tham dự đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, và cảm ơn tinh thần trách nhiệm, vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc duy trì cơ chế họp nhóm địa chính trị.

Cũng trong khuôn khổ IPU-144, Trưởng đoàn Việt Nam đã có nhiều hoạt động song phương, gặp Chủ tịch và Tổng Thư ký IPU; trao đổi 3 bên với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào và Campuchia về các hoạt động tăng cường hợp tác nghị viện 3 nước trong Tam giác phát triển CLV; tiếp xúc song phương với các Trưởng đoàn Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia nhằm tăng cường quan hệ nghị viện song phương và đa phương, trao đổi về các vấn đề phục hồi bền vững hậu đại dịch và tăng cường các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần giúp ngoại giao nghị viện phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu với các đối tác quốc tế.

Bà Thái Quỳnh Mai Dung nhấn mạnh rằng, sự tham gia tích cực của Đoàn Việt Nam tại IPU-144 thể hiện được ba thông điệp quan trọng. Thứ nhất, trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, khẳng định sự tham gia của Quốc hội, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam xây dựng thể chế, dự thảo các kế hoạch và chiến lược hành động để thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trong thời gian tới, phấn đấu đến năm 2050 đạt được các mục tiêu về trung hòa khí carbon. Thứ hai, khẳng định ý nghĩa quan trọng của ngoại giao nghị viện đối với hòa bình, an ninh thế giới. Thứ ba, khẳng định sự tham gia tích cực của các đại biểu quốc hội trẻ và đại biểu nữ của Quốc hội Việt Nam trong các nội dung của IPU.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.