Việt Nam có hơn 300.000 người đang sống chung với ung thư

GD&TĐ - Ngày 7/11, tại Hà Nội, Bệnh viện K tổ chức khai mạc Hội thảo Ung thư Việt – Pháp lần thứ 2 với chuyên đề Ung thư phổi. Đây là cơ hội trao đổi, nâng cao chuyên môn giữa y bác sĩ của hai nước trong lĩnh vực ung thư.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Trong những năm qua, y tế là một trong những trụ cột hợp tác chính và là lĩnh vực hợp tác năng động, có ý nghĩa nhất trong mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp.

Pháp đã hỗ trợ đào tạo cho hơn 3.000 bác sỹ nội trú Việt Nam tại Pháp và 1.500 bác sỹ sau đại học tại Việt Nam. Các bác sỹ được đào tạo đều đã trở thành những giáo sư, bác sỹ giỏi, các chuyên gia y tế đầu ngành và rất nhiều trong số đó là những lãnh đạo chủ chốt của ngành y tế Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.

Năm 2018, cả nước ghi nhận 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do bệnh ung thư, hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.

Phần lớn người bị bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Công tác kiểm soát ung thư phổi còn nhiều khó khăn.
Công tác kiểm soát ung thư phổi còn nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao Bệnh viện K, Viện Ung thư quốc gia đã có sáng kiến và phối hợp với các tổ chức quốc tế; tổ chức Hội thảo Ung thư Việt - Pháp lần thứ 2 với chuyên đề Ung thư phổi.

GS. TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia cho biết, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả hai giới. Theo GLOBOCAN 2018, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mới mắc và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.170 ca tử vong do căn bệnh này. Vì thế, vấn đề nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi là vấn đề hết sức quan trọng, cần nhận được nhiều sự quan tâm của ngành Y tế nói riêng và xã hội nói chung.

Giáo sư Thuấn tin tưởng, Hội thảo ung thư Việt – Pháp lần này sẽ là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật kiến thức về dự phòng các yếu tố nguy cơ ung thư phổi, chẩn đoán cũng như các liệu pháp điều trị tiên tiến hiện nay cho ung thư phổi giai đoạn sớm và giai đoạn muộn.

Hội thảo sẽ đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về việc kiểm soát bệnh, mục tiêu quan trọng nhất là định hướng đường lối và chiến lược phòng chống Ung thư phổi tại Việt Nam.

Hội thảo Ung thư Việt – Pháp lần thứ 02 sẽ diễn ra trong 03 ngày 07 – 09/11/2018. Trong đó bao gồm các nội dung: Công bố Hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng và ung thư phổi tại Việt Nam; 

Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, chiến lược sàng lọc, phân loại giai đoạn bệnh, chẩn đoán mô bệnh học, các tiến bộ trong phẫu thuật và trong xạ trị, các liệu pháp hóa trị, liệu pháp trúng đích, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi, đánh giá đáp ứng khối u, ung thư lão khoa…

Song song với hội thảo, Bệnh viện cũng phối hợp với Viện Curie, Cộng Hòa Pháp tổ chức triển lãm các bức tranh lịch sử về nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie trong khoảng thời gian từ ngày 02/11/2018 đến 09/11/2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.