Tối 24/11, tại thành phố Cao Bằng, trong chương trình công tác tại tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng dự Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; công bố Di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An.
Với danh hiệu UNESCO trao tặng lần này, đến nay, nước ta có 38 danh hiệu UNESCO trên các lĩnh vực văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, di sản ký ức, khoa học. Thủ tướng nhấn mạnh, các danh hiệu này đã, đang và sẽ góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
Tháng 4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Toàn cầu non nước Cao Bằng trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai ở Việt Nam (sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) và là Công viên địa chất toàn cầu thứ 8 của Đông Nam Á.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta tự hào với đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị độc đáo, đặc sắc, nổi bật về địa chất, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan của Non nước Cao Bằng, nơi lưu giữ những dấu tích của biến động trái đất 500 triệu năm qua. Danh hiệu UNESCO dành cho Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng là vinh dự không chỉ của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng mà là cả nước.
“Mỗi lần Việt Nam được vinh danh, niềm tự hào lại trào dâng, khi những giá trị của đất nước, dân tộc được ghi nhận ở tầm quốc tế và đóng góp cho kho tàng giá trị của nhân loại. Các danh hiệu này đã, đang và sẽ góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Chúng ta càng xúc động hơn, khi Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng còn được coi là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, nơi khởi nguồn sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta chống các thế lực ngoại xâm và phản động, giành độc lập dân tộc và tự do cho Tổ quốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ôn lại lịch sử, Thủ tướng cho biết, mùa xuân năm 1941, sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã chọn Cao Bằng là nơi đầu tiên để lãnh đạo cách mạng Việt Nam; là nơi Đảng và Bác Hồ chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, đón thời cơ giành thắng lợi Cách mạng Tháng 8/1945.
Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch biên giới và Cao Bằng được chọn là chiến trường chính. Đây là chiến dịch chủ động tấn công quy mô lớn đầu tiên của quân và dân ta, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo. Thắng lợi của mặt trận đã làm thay đổi cục diện chiến trường, là tiền đề để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta liên tiếp giành những thắng lợi to lớn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Thủ tướng trao Quyết định công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An. |
Thủ tướng nêu rõ, việc xếp hạng các địa điểm chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An là di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự tôn vinh, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước và ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích, đồng thời ghi nhận đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng cho cách mạng.
Việc UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có ý nghĩa lớn vì chúng ta có thêm một thương hiệu quốc gia về thắng cảnh và địa chất ở tầm quốc tế. Thủ tướng cho rằng, nếu chúng ta biết cách tương tác giữa di sản với các yếu tố đặc sắc khác của Cao Bằng cũng như kết nối các di sản khác của vùng và các vùng trung tâm du lịch lớn thì di sản của Cao Bằng sẽ là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển bền vững. Mô hình du lịch của Cao Bằng phải là sự cộng hưởng, tương tác chiến lược các giá trị văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực… để tạo ra ngành du lịch đa dạng, phong phú, có bản sắc.
Theo Thủ tướng, Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc được tổ chức luân phiên năm nay tại Cao Bằng là cơ hội lớn để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch, khai thác và lan tỏa các giá trị di sản của vùng Việt Bắc. Do đó, các tỉnh cần tích cực hợp tác, kết nối trong chia sẻ nguồn lực và cơ hội để cùng phát triển, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, nâng cấp hệ sinh thái du lịch, liên kết cụm ngành du lịch, tăng cường đầu tư kết nối hạ tầng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.