Hội thảo trực tuyến giới thiệu báo cáo Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2019 và kết quả của Việt Nam chỉ ra, hiện tỉ lệ chi cho nghiên cứu và triển khai so với GDP của Việt Nam chỉ là 0.5%,. Thông thường để thay đổi về chất của đổi mới sáng tạo (ĐMST) thì mức đầu tư này phải gấp ba lần mới có thể tạo được sự đột phá.
Chỉ số GII là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia và các nền kinh tế. Phương pháp đánh giá được liên tục hoàn thiện qua các năm, và là hệ quy chiếu toàn diện nhất để đánh giá năng lực ĐMST của các quốc gia và các nền kinh tế.
Chỉ số GII năm 2019 với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số vẫn được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là: Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh và 2 trụ cột đầu ra là: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.
Năm nay, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. So với xếp hạng năm 2016, thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia. Kết quả chỉ số GII năm 2019 cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều chỉ tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2019 và 2021.
Chuyên gia cao cấp của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), ông Sacha Wunsch – Vincent đánh giá: Việt Nam có xu hướng tăng dần về thứ hạng Chỉ số GII qua các năm. Điều đó khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy ĐMST. Sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành nhằm cải thiện năng lực ĐMST quốc gia của Việt Nam cần được giới thiệu như hình mẫu cho các quốc gia khác tham khảo.
Tuy nhiên, theo ông Sacha Wunsch – Vincent cũng cho rằng, đây không phải là lúc để nghỉ ngơi, bởi khi càng gần Top 40, Top của các nước có thu nhập vượt trội, việc cải thiện để vươn lên là điều hết sức khó khăn, cần nỗ lực lớn.
Bởi khi nhìn vào Top 40 nước trong xếp hạng Chỉ số GII đều có điểm chung là tập trung các cụm KH&CN hàng đầu như: Hoa Kỳ có số lượng cụm KH&CN nhiều nhất (26); Trung Quốc có các cụm KH&CN nhiều thứ hai (18); tiếp đến là Đức, trong khi đó Việt Nam chưa có cụm KH&CN nào.
Kết quả của Việt Nam thể hiện qua 7 trụ cột cấu thành, trong đó có 2 trụ cột Việt Nam thể hiện tốt là đầu ra tri thức công nghệ và trình độ phát triển của thị trường.
Chính vì vậy, Việt Nam, cần nỗ lực nhiều hơn nữa để chuyển sang nâng cao về chất thay vì về lượng như gia tăng hàm lượng nội địa hóa trong xuất khẩu công nghệ cao cũng như đóng góp và giá trị gia tăng xuất khẩu công nghệ cao. Ngoài ra cần chú ý cải thiện kết quả ở những trụ cột về cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, trình độ kinh doanh…