Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Đình Bắc, Cục Phó Cục Y tế dự phòng cho biết, các bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm 30% tổng số tử vong toàn cầu. Ăn nhiều muối là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến mắc và tử vong do các bệnh tim mạch và một số bệnh không lây nhiễm khác.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày (tương đương với một thìa cà phê). Tuy nhiên, đa số người dân đều tiêu thụ muối nhiều gấp đôi so với khuyến cáo, tức là khoảng 10 gam/người/ngày.
Nếu mọi người dân đều giảm tiêu thụ muối như khuyến cáo thì sẽ cứu sống được khoảng 2,5 triệu người trên toàn cầu.
WHO đã ban hành tài liệu hướng dẫn các biện pháp thay đổi thói quen ăn muối của người dân và khuyến nghị các quốc gia áp dụng để lập kế hoạch can thiệp giảm tiêu thụ muối. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành chiến lược giảm tiêu thụ muối và một số nước đã thành công trong giảm mức tiêu thụ muối như: Trung Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, Mỹ.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015, trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO.
Một nghiên cứu khác năm 2011 cũng cho thấy có tới 90% dân số ăn nhiều muối hơn so với khuyến cáo. Hiện nay, tại VIệt Nam, cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não. Trong năm 2012, ước tính toàn quốc có tới 112.600 trường hợp chết chỉ riêng do tai biến mạch máu não (chiếm 21,7% tổng số tử vong) và 36.000 trường hợp chết do nhồi máu cơ tim.
Theo ông Trương Đình Bắc, khác với các quốc gia phát triển, muối ăn vào hàng ngày chủ yếu là từ thực phẩm chế biến sẵn hoặc do ăn ở nhà hàng (chiếm 77%), thì ở Việt Nam muối ăn vào hằng ngày là từ muối, gia vị thêm vào trong khi nấu ăn hoặc do chấm/trộn mắm, muối, gia vị trên bàn ăn.
Để giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày. Giảm muối ăn vào để phòng, chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm.
Để thay đổi thói quen sử dụng nhiều muối, người dân cần giảm lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn; hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn trong khi ăn; hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên.