Việt Nam - 15 năm đồng hành cùng ASEAN

Việt Nam - 15 năm đồng hành cùng ASEAN
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm.

Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 – 28/7/2010), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm có bài viết quan trọng nhìn lại chặng đường đã qua và cùng hướng về tương lai, mà trước mắt là mục tiêu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN.

Ngày 28/7, 15 năm trước, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên bầu trời Brunei Darussalam (nước chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 1995) trong buổi lễ trang trọng kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam cũng như trong quá trình phát triển của ASEAN.

Một thập kỷ rưỡi gắn bó và đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực vì sự phát triển và lớn mạnh của Hiệp hội, đồng thời thu được những lợi ích thiết thực để hỗ trợ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Kỷ niệm 15 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua và cùng hướng về tương lai, mà trước mắt là mục tiêu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN.

Dấu ấn Việt Nam trong ASEAN

Trong suốt chặng đường 15 năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN cũng như trong việc xác định tương lai phát triển, phương hướng hợp tác và các quyết sách lớn của ASEAN, góp phần tăng cường đoàn kết và hợp tác, nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Hiệp hội.

Với mong muốn cùng chung tay xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN đã vượt qua những khác biệt và tồn tại do lịch sử để lại, đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên tinh thần hữu nghị và đoàn kết.

Việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 được coi là bước khởi đầu quan trọng đối với tiến trình mở rộng và phát triển của ASEAN.

Ngay sau khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia vào ASEAN, qua đó góp phần hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, mở ra một trang mới của đoàn kết, hữu nghị và hợp tác ở khu vực. Có thể khẳng định rằng, sự hình thành ASEAN-10 là một trong những mốc phát triển quan trọng của Hiệp hội, tạo nền tảng thiết yếu cho ASEAN trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, liên kết sâu rộng và có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương như ngày nay.

Trưởng đoàn các nước ASEAN tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 4/2010 tại Hà Nội.

Trưởng đoàn các nước ASEAN tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 4/2010 tại Hà Nội.

Dấu ấn Việt Nam thể hiện khá đậm nét trong việc tổ chức những hoạt động quan trọng cũng như trong việc xây dựng các quyết sách lớn của ASEAN. Chỉ ba năm sau khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã để lại trong lòng bạn bè ASEAN và quốc tế những ấn tượng sâu sắc với việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (Hà Nội, tháng 12/1998).

Kết quả của Cấp cao ASEAN-6, nhất là việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) để thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020, đã giúp ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác và củng cố vị thế quốc tế trong lúc Hiệp hội đang ở thời điểm khó khăn nhất do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997-1998.

Tiếp đó, Việt Nam cũng đã đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN nhiệm kỳ 7/2000-7/2001, với kết quả ghi đậm dấu ấn Việt Nam là Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển được thông qua tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 34 (7/2001), thể hiện nỗ lực thúc đẩy hợp tác và tăng cường liên kết khu vực, đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững của Hiệp hội.

Việt Nam cũng có nhiều đóng góp cụ thể quan trọng trong bốn lĩnh vực hợp tác chính của ASEAN về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và quan hệ đối ngoại. Đó là kết quả của sự tham gia tích cực và chủ động của các Bộ, ngành liên quan của ta, kể cả việc đăng cai tổ chức nhiều hoạt động quan trọng của ASEAN cũng như việc thúc đẩy các sáng kiến có giá trị.

Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ASEAN chuyển sang giai đoạn mới, đó là hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với 3 trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-xã hội, và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.

Vai trò tích cực và sự đóng góp quan trọng của Việt Nam được thể hiện rõ trong quá trình hình thành ý tưởng, hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các văn kiện cơ bản của ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng như Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II năm 2003, Chương trình hành động Vientaine (VAP) năm 2004, Hiến chương ASEAN năm 2007, Lộ trình xây dựng Cộng đồng cùng với các Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng, và Kế hoạch công tác IAI về Thu hẹp khoảng cách phát triển năm 2009.

Năm 2010, Việt Nam lần thứ hai đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN kể từ khi gia nhập ASEAN. Với chủ đề xuyên suốt của năm Chủ tịch ASEAN 2010 là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”, Việt Nam đang nỗ lực hết mình trong vai trò điều phối, thúc đẩy các hành động và biện pháp hợp tác cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng và Hiến chương ASEAN, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN với các bên Đối tác, củng cố và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực và trong bối cảnh một cấu trúc khu vực đang định hình.

Thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 (Hà Nội, tháng 4/2010) và của các Hội nghị cấp Bộ trưởng mà gần đây nhất là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan (Hà Nội, tháng 7/2010) là minh chứng sinh động cho các nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh hành động hướng tới mục tiêu Cộng đồng ASEAN.

Gia nhập ASEAN - quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước

Thực tiễn 15 năm qua đã khẳng định chủ trương gia nhập ASEAN là quyết sách đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa lịch sử và chiến lược quan trọng. Tham gia hợp tác ASEAN đã và sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và đối ngoại, mà bao trùm là giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như hỗ trợ cho Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế.

Nhiều sự kiện trong năm 2010 - năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.

Nhiều sự kiện trong năm 2010 - năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.

Điều quan trọng hàng đầu là tham gia ASEAN đã giúp duy trì môi trường hòa bình và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á, thông qua việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN thống nhất, liên kết chặt chẽ và có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực cũng như hình thành các mối quan hệ mới về chất giữa các nước thành viên.

Hội nhập và tham gia vào các hoạt động hợp tác của ASEAN cũng giúp Việt Nam tranh thủ được những lợi ích thiết thực về kinh tế-thương mại và văn hóa-xã hội, hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tham gia liên kết kinh tế nội khối ASEAN cũng như các thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN với các Đối tác một mặt giúp Việt Nam thu hút được ngày càng tăng đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài, mặt khác, cũng là cầu nối để Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng trong và ngoài khu vực. Hơn nữa, Việt Nam cũng tiếp nh ận được thông tin, khoa học-công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại và nguồn lực; nâng cao năng lực thể chế và khả năng xử lý các vấn đề xuyên quốc gia như môi trường, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,…

Là thành viên ASEAN cũng tạo thế cho Việt Nam mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế hay liên khu vực rộng lớn hơn như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) , Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tiến trình hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…; qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Hội nhập ASEAN đã giúp Việt Nam đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia các hoạt động đa phương cũng như hội nhập khu vực và quốc tế; góp phần tạo bước chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập.

Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng ASEAN

Đối với Việt Nam, Đông Nam Á và ASEAN có ý nghĩa chiến lược vì khu vực này liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta. Việt Nam luôn xác định một ASEAN liên kết chặt chẽ, đoàn kết và thống nhất, có vai trò và vị thế quốc tế quan trọng là hoàn toàn phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của Việt Nam.

Nhiều hoạt động gắn kết ASEAN chặt chẽ hơn nữa

Nhiều hoạt động gắn kết ASEAN chặt chẽ hơn nữa

Trong giai đoạn phát triển mới của ASEAN, Việt Nam tiếp tục chủ trương tham gia hợp tác ASEAN theo tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm: Chủ động đề xuất các sáng kiến và ý tưởng mới nhằm thúc đẩy hợp tác và tăng cường liên kết ASEAN.

Tích cực cùng ASEAN chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp cũng như các thách thức đang đặt ra nhằm duy trì sức sống cũng như giá trị của Hiệp hội trong hoàn cảnh mới.

Có trách nhiệm cùng ASEAN nỗ lực thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các thỏa thuận và cam kết đã đề ra, với ưu tiên hàng đầu hiện nay là xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, thống nhất và gắn kết.

Với phương châm đó, các Bộ, ngành của ta cần có sự quan tâm và đầu tư thích đáng về nhân lực và tài chính cho tham gia hợp tác ASEAN; chủ động nghiên cứu và đề xuất sáng kiến khả thi để thúc đẩy hợp tác ASEAN trên những lĩnh vực phù hợp, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội và lợi ích thiết thực có được, góp phần nâng dần chất lượng của “sự thống nhất trong đa dạng” của Hiệp hội.

Trên cơ sở chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ, chúng ta cần tăng cường sự phối hợp và điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành. Chúng ta cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền rộng rãi về ASEAN và sự tham gia của Việt Nam trong ASEAN để tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp, người dân, doanh nghiệp, qua đó huy động sự tham gia và đóng góp rộng rãi vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trước mắt, chúng ta đang tập trung mọi nỗ lực và nguồn lực để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, góp phần cụ thể hóa các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN, qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, đề cao hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới và năng động, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Là một bộ phận hữu cơ, không tách rời của ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng ASEAN hướng tới tương lai tươi sáng của Cộng đồng ASEAN.

Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ