Viết cho trẻ thơ như niềm đam mê và hạnh phúc

GD&TĐ - Trong khuôn khổ ngày hội kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng, tại Cung văn hóa Thiếu nhi cuối tuần qua, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và nhà văn Ngọc Linh đã có buổi giao lưu “Chúng tôi viết cho thiếu nhi”. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong vòng vây của các bạn trẻ hâm mộ
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong vòng vây của các bạn trẻ hâm mộ

Chia sẻ câu chuyện về nghề, các nhà văn đều khẳng định việc viết lách không ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, mà thậm chí nó như niềm đam mê, là hạnh phúc với họ, là thứ giúp họ giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống.

Hình ảnh, câu chuyện về Trường Sa một thời

Trả lời câu hỏi của một độc giả rằng niềm đam mê viết văn làm thơ có ảnh hưởng đến đời sống riêng, tới gia đình của các nhà văn, nhà thơ hay không, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định là niềm đam mê viết lách của ông “chả có gì ảnh hưởng gì tới cuộc sống gia đình”. Mỗi bài thơ không chỉ là một sáng tạo nghệ thuật, ẩn chứa trong đó những câu chuyện dí dỏm, hồn nhiên của tuổi thơ mà tác giả luôn muốn chia sẻ với các độc giả nhí.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, những câu chuyện kỳ thú về Trường Sa mà ông đã viết trong cuốn sách “Đảo chìm” do NXB Kim Đồng xuất bản nay đã không còn đúng nữa bởi Trường Sa đã thay đổi rất nhiều kể từ sau chuyến đi tới Trường Sa của nhà thơ hàng chục năm trước.

Trường Sa nay đã hoàn toàn khác. Các chú lính đảo hàng ngày có điện thoại di động để gọi điện thoại cho người thân ở đất liền. Có ti vi, đài báo, mở ra có thể xem tất cả các kênh truyền hình, không khác gì đất liền. Trường Sa bây giờ có đầy đủ cả trường học, trạm xá, chùa chiền. Bởi vậy, nhà thơ Trần Đăng Khoa coi những câu chuyện “kỳ lạ” mà ông đã ghi lại về Trường Sa một thời sẽ giống như một bảo tàng nhỏ về Trường Sa.

“Anh sẽ coi nó như là bảo tàng nho nhỏ của Trần Đăng Khoa ghi chép lại những câu chuyện, những vẻ đẹp của một thời đã xa về Trường Sa” - Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Như để tìm một sự chia sẻ ấm áp

Với các em thiếu nhi, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thật thân thiết bởi bài thơ “Làm anh” (SGK lớp 2) cùng nhiều cuốn sách: Xóm đê ngày ấy, Tuổi trăng rằm, Bỏ trốn và gần đây là Học trò lớp chín. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn không chỉ là người có duyên thầm trong thơ, chị còn có duyên kể chuyện. Câu chuyện chị kể được dẫn dắt tự nhiên, có lúc dồn nén, có lúc khiến người đọc hồi hộp chờ đợi…

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho biết: “Nhà tôi có 9 anh chị em. Tôi là con thứ ba trong gia đình, dưới tôi còn 3 em trai và hai em gái. Bố mất sớm nên chúng tôi phải tự bao bọc, yêu thương lẫn nhau. Tuy nhiên cũng có những lúc anh chị em trong nhà “không ai chịu ai”. Tôi viết bài thơ này để tặng các em của mình và cũng để nhắc nhở trách nhiệm của người làm anh, làm chị trong gia đình. Rất vui là bài thơ sau này được các cháu của tôi rất thích”.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết văn làm thơ cho thiếu nhi lại bởi sự không may của số phận cô đơn thiếu vắng tiếng bi bô trẻ nhỏ trong căn nhà của chị. Nhà thơ đã tìm đến trang văn cho trẻ em như để giãi bày, như để tìm một sự chia sẻ ấm áp trong lành giữa cảnh đời còn nhiều nỗi khổ đau.

Tự nhận mình là người nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn xót xa khi chứng kiến biết bao nghịch lý xảy ra trong đời sống. Vì thế, trong những trang viết hóa thân vào nhân vật trẻ thơ, nhà thơ có những góc chiếu, ánh nhìn đa dạng hơn là chỉ riêng một ánh mắt của trẻ.

Nhà văn trẻ Ngọc Linh đồng quan điểm: “Làm thơ hay viết văn cho các em là phải luôn giúp cho các em lớn lên về tâm hồn. Tôi viết cho các em về tất cả những gì tôi đã từng trải nghiệm và yêu thương. Đó không phải là những con chữ bình thường, mà đó là rung động của tâm hồn. Cái chất xanh tươi, trong sáng trong các tác phẩm, theo tôi, như là món ăn tinh thần rất quý, bồi bổ tâm hồn của mỗi người ngay từ thời thơ ấu”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa hấp dẫn, cuốn hút người nghe bởi lối nói chuyện thông minh, dí dỏm, dân dã cùng vốn kiến thức sâu rộng. Nhà thơ đã chia sẻ con đường đến với sáng tác văn học từ khi còn là một chú bé thiếu niên 8 tuổi với những tác phẩm thơ đầu tiên đến khi trở thành nhà thơ nổi tiếng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.