Viện phí được đánh giá kém hài lòng nhất
Mới đây, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Việt Nam công bố báo cáo chỉ số hài lòng người bệnh năm 2018. Kết quả tại các bệnh viện công cho thấy, chỉ số người bệnh hài lòng đã vượt so với năm trước.
Tuy nhiên, chỉ số hài lòng về vấn đề viện phí khám chữa bệnh lại đạt ở hàng thấp nhất. Khảo sát này được thực hiện với trên 7.500 người bệnh và người nhà bệnh nhân sau khi xuất viện ở 60 bệnh viện công tại 23 tỉnh, thành trên cả nước.
Cụ thể chỉ số hài lòng về chi phí khám chữa bệnh là 3,78/5 điểm.
Khá nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh đều phản hồi về giá chi phí viện phí cho việc khám chữa bệnh tại các bệnh viện còn cao. Không ít người băn khoăn, việc khám chữa bệnh theo giá dịch vụ tại các bệnh viện dựa vào những căn cứ nào. Đôi khi giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện cũng khác xa nhau.
Chị Hồng Hà ở Hà Nội cho biết: Trong chuyến tham quan cùng đại gia đình tại Đà Nẵng, không may bố chị bị tại biến, gia đình phải đưa cụ vào Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng để cấp cứu. Sau khi làm xét nghiệm chụp cộng hưởng từ cả não, tim, phổi và xét nghiệm sinh hóa, chị chỉ thanh toán có 410.000đ, cộng tiền khám (cũng theo dịch vụ) để kê đơn thuốc là 40.000đ.
Theo chị số tiền khám bệnh như thế thấp hơn so với các bệnh viện ngoài Hà Nội. Trong khi đó bạn của chị có con bị nổi mẩn đỏ vào khám dịch vụ tại Bệnh Viện Da liễu Trung ương thì số tiền chi trả cho việc khám bệnh (bác sĩ khám là phó giáo sư) lên tới 200.000đ cộng với tiền xét nghiệm là 80.000đ.
Chia sẻ của một bệnh nhân mới mổ cột sống tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cũng cho biết: Nếu không có bảo hiểm thì giá dịch vụ mổ tại đây cũng khá cao. Tiền chi trả cho việc mổ và thuốc men đối với 3 đốt sống cổ và thay đĩa đệm khoảng 160 ngàn đồng và cho cả quá trình điều trị cũng lên tới 5 – 6 trăm triệu đồng. Nếu bây giờ, các bệnh viện lại điều chỉnh và tăng giá viện phí thì sẽ gây khó khăn rất nhiều cho người dân.
Xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tính đúng, tính đủ
Nhiều kỹ thuật hiện đại được áp dụng trong việc khám chữa bệnh |
Trao đổi về vấn đề giá dịch vụ trong khám chữa bệnh, ông, Nguyễn Nam Liên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết: Tiến tới sẽ thực hiện mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Theo đó giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương Theo lộ trình năm 2019 còn 2 bước điều chỉnh: (1) bước 1: điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng; (2) bước 2 : tính chi phí quản lý. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh sẽ phải căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng CPI và điều kiện kinh tế xã hội, nếu điều kiện khó khăn, chưa thuận lợi Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ điều hành giá để xem xét, điều chỉnh trong năm 2020. Như vậy, giá bao gồm cả chi phí khấu hao sẽ thực hiện vào 2021.
Cũng theo ông Nguyễn Nam Liên, để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài theo Nghị quyết TW 20, thực hiện các quy định của pháp luật, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Thông tư sẽ quy định phương pháp tính giá theo nguyên tắc được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để tái đầu tư.