Viên hút ẩm, đuổi côn trùng từ thực vật

GD&TĐ - Nhóm học sinh Trường THPT Hà Trung, Thừa Thiên Huế đã sử dụng lá cây bạch đàn và thân cây lục bình làm viên hút ẩm, khử mùi, đuổi côn trùng.

Viên đa năng khử mùi, hút ẩm, đuổi côn trùng của nhóm học sinh.
Viên đa năng khử mùi, hút ẩm, đuổi côn trùng của nhóm học sinh.

Hoàn toàn từ thực vật

Nhóm học sinh gồm Lê Bá Minh Bằng, Bùi Khắc Quýnh, Đinh Khắc Nhật Trường dưới sự hướng dẫn của giáo viên Lê Thị Quỳnh Lưu, Trường THPT Hà Trung, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế đã sáng tạo viên đa chức năng hút ẩm, khử mùi, đuổi côn trùng từ lá bạch đàn và bèo lục bình.

Lê Bá Minh Bằng, trưởng nhóm cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới nóng ẩm có bờ biển dài 3.260km, độ ẩm không khí thường khá cao, xấp xỉ đến 80%, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới hơn 38 độ C.

Khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để nấm mốc và vi sinh vật có hại sinh sôi và phát triển, làm hư hại nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, giống cây trồng, hay áo quần, vải vóc, chăn màn, hoặc nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt,… cho nên trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong sản xuất các sản phẩm làm ra luôn cần các sản phẩm chống ẩm đi kèm.

Tìm hiểu trên thị trường, nhóm chưa thấy có sản phẩm viên hút ẩm, khử mùi nào có vừa có nguồn gốc từ thực vật, vừa có tính năng hút ẩm, khử mùi, vừa đuổi côn trùng, vừa thân thiện môi trường mà không gây độc hại cho con người mà giá thành lại rẻ.

Chính vì vậy, nhóm học sinh nghĩ ra ý tưởng làm ra sản phẩm tích hợp cả ba tính năng hút ẩm, khử mùi, đuổi côn trùng với nguyên liệu có sẵn tại địa phương dễ kiếm, có nguồn gốc thực vật. Sản phẩm dễ làm, thân thiện với môi trường lại còn không gây hại đến sức khỏe con người.

Tìm hiểu, nhóm được biết đến cây bạch đàn với nhiều công dụng khác nhau như chữa bệnh đau nhức, trị bệnh, khử khuẩn, đuổi côn trùng, chế tạo dầu gió... Thân cây bèo lục bình là vật liệu dùng bện giỏ xách rất bền, chịu nước, hút ẩm…

Trong lá bạch đàn thành phần chủ yếu là tinh dầu. Tinh dầu từ lá bạch đàn có 23 chất được nhận diện, tổng hàm lượng là 99,52% với thành phần chính là 1,8-cineole (38,34%), α-pinene (18,86%), α-Terpinyl acetate (9,00%).

Chất có hàm lượng cao nhất là 1,8-cineole chiếm tới 38,34%, đây là hợp chất chính và được coi như là chất đặc trưng cho tinh dầu bạch đàn trắng. Chất này có tính kháng khuẩn, kháng nấm cao, có nhiều các hoạt tính có tác dụng làm sạch môi trường như diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng, kháng sinh, khử mùi và xua đuổi côn trùng…

Nghiên cứu thêm lá sả, chanh, bưởi

Nguyên liệu tạo viên đa năng của nhóm học sinh là thân cây bèo lục bình và lá cây bạch đàn là nguyên liệu sẵn có, dễ kiếm tại địa phương, bột cây bời lời, baking soda, nước Javen là những sản phẩm thông dụng trên thị trường dễ tìm mua được, giá thành rẻ. Do vậy, đánh giá nguồn nguyên liệu là sẵn có tại địa phương, dễ kiếm, giá thành rẻ, thuận lợi cho việc sản xuất sản phẩm.

Sản phẩm có đủ cả ba công dụng hút ẩm, khử mùi, đuổi côn trùng, nguyên liệu sẵn có tại địa phương, dễ kiếm, quy trình đơn giản, dễ thực hiện, dễ sử dụng phù hợp với mọi người.

Nguyên liệu (thu thập, ngắt bỏ những phần không sử dụng và rửa sạch) được làm khô ở nhiệt độ thích hợp. Nghiền bột hỗn hợp, trộn đều hỗn hợp với nước, đóng khuôn (nặn) sản phẩm. Phơi nắng nhẹ, sấy (bằng máy sấy điện 40 độ C từ 3 đến 4 giờ) sau đó thiết kế bao bì và sử dụng.

Để thử nghiệm tính năng hút ẩm, nhóm học sinh tạo độ ẩm trong một tủ kín bằng cách phun sương và sử dụng nhiệt kế ẩm để đo độ ẩm, độ ẩm trong hộp kín trong khoảng từ 65 - 98%.

Đặt viên sản phẩm hút ẩm vào tủ kín sau một thời gian và dùng nhiệt kế ẩm đo lại độ ẩm trong tủ sau 6 giờ - 12 giờ - 24 giờ Sau đó, mang viên hút ẩm đi sấy khô và tiếp tục đặt vào trong tủ kín với độ ẩm 70 - 98% sau 6 giờ - 12 giờ - 24 giờ và đo lại độ ẩm trong hộp.

Kết quả, sản phẩm “viên hút ẩm, khử mùi, đuổi côn trùng từ thân cây bèo lục bình và lá cây bạch đàn” có tích hợp ba tính năng hút ẩm, khử mùi, đuổi côn trùng và là sản phẩm dễ làm, dễ sử dụng, giá thành rẻ tiết kiệm chi phí, an toàn và có lợi cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường.

Cô Lê Thị Quỳnh Lưu, giáo viên hướng dẫn cho biết, sản phẩm có thể ứng dụng vào công việc vệ sinh, khử mùi nhà cửa, áo quần,... an toàn sức khỏe, tiết kiệm chi phí, giải quyết mối lo ngại của nhiều người.

Ngoài ra, qua việc nghiên cứu đề tài này mà nhóm chúng tôi biết thêm được nhiều kiến thức hữu ích (nghiên cứu cấu tạo của từng thành phần, nguyên liệu) và nâng cao kĩ năng sống (qua việc tìm kiếm, sơ chế các nguyên liệu, tạo thành sản phẩm).

Trong tương lai nhóm học sinh sẽ thực hiện sản xuất thêm sản phẩm đa dạng hơn như viên hút ẩm, khử mùi, đuổi côn trùng bằng các loại nguyên vật liệu khác như lá sả, lá chanh, bưởi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.