Phân bón vi sinh thay thế thuốc bảo vệ thực vật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phân bón không chỉ đem lại dinh dưỡng cho cây trồng mà còn thay thế thuốc bảo vệ thực vật, giảm nguy hại tới môi trường và sức khỏe con người.

Lô thử nghiệm và lô đối chứng khi sử dụng phân bón vi sinh vật của nhóm nghiên cứu.
Lô thử nghiệm và lô đối chứng khi sử dụng phân bón vi sinh vật của nhóm nghiên cứu.

Phân bón từ các chủng vi sinh vật

TS Dương Nhật Linh, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM cho biết, những hệ lụy của việc lạm dụng hóa học đã và đang đối mặt với việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), làm ảnh hưởng lâu dài tới môi trường sống, nguồn nước ngầm, đất đai; làm giảm đa dạng hệ sinh thái nông nghiệp, dịch hại phát sinh tràn lan.

Cả người sản xuất và tiêu dùng nông sản đang phải gánh chịu những tác hại nghiêm trọng do nền nông nghiệp hóa học gây ra với những bệnh tật nguy hiểm, đặc biệt là bệnh ung thư.

Nền nông nghiệp nước ta đã và đang áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, quản lý để vừa đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nhóm nghiên cứu do TS Dương Nhật Linh đứng đầu đã đưa ra giải pháp sử dụng chế phẩm vi sinh thay thế thuốc BVTV, phân bón hóa học trong canh tác nông nghiệp. Giải pháp giúp người nông dân có thể giảm thiểu đến thay thế hoàn toàn các phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà vẫn đem lại hiệu quả về kiểm soát bệnh, năng suất và kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy nâng cao giá trị của nông sản trong bối cảnh kinh tế hội nhập.

Ở giai đoạn 1, nhóm đã tiến hành đánh giá khả năng tương thích của các chủng vi sinh để hoàn thiện quy trình tạo viên nén các sản phẩm BIOMI-AntiFB 1, BIOMI-AntiN 1, BIOMI-Pest 1; đánh giá mật độ vi sinh trong thời gian bảo quản và đăng ký khảo nghiệm phân bón vi sinh vật BIOMI - NitroFix 1.

Nhóm nghiên cứu đã định danh được 5 chủng vi sinh vật tiềm năng bằng phương pháp truyền thống và sinh học phân tử thu được. Sau đó, nhóm xác định được công thức viên nén của 3 chế phẩm và sau 3 tháng bảo quản, mật độ vi sinh vật trong từng sản phẩm vẫn đạt yêu cầu.

Kết quả khảo nghiệm diện hẹp cho thấy, việc sử dụng phân bón khảo nghiệm (phân bón BIOMI - NitroFix 1) có tác động tốt đến năng suất thực thu cây rau cải ngọt, trong đó CT4 (với lượng bón 4,5 lít/ha) cho kết quả tốt nhất.

Kiểm soát nấm hại rễ

Ở giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đánh giá khả năng kiểm soát nấm gây hại rễ (Fusarium sp., Pythium sp.) và tuyến trùng hại rễ của bộ sản phẩm chế phẩm vi sinh trên vườn thực tế; đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sáng chế “Chế phẩm vi sinh và quy trình phòng trừ sâu xám sử dụng chế phẩm này trong canh tác rau ăn lá theo hướng hữu cơ”.

Các chế phẩm vi sinh đã được thử nghiệm trên vườn cà phê ở Đăk Nông, vườn hồ tiêu ở Gia Lai, vườn sầu riêng ở Bình Phước, vườn thanh long và ruộng lúa ở Bình Thuận. Kết quả cho thấy khả năng kiểm soát nấm gây hại rễ (Fusarium sp., Pythium sp.) và tuyến trùng (Meloidogyne sp.) trên các loại cây trồng thực tế. Tại đây, các nhà vườn cũng được tư vấn hướng dẫn giải pháp, quy trình canh tác sử dụng chế phẩm vi sinh.

Theo kết quả khảo nghiệm, phân bón BIOMI - NitroFix 1 (mức bón 4,5 lít/ha) trên nền phân bón (ure 100 kg/ha + super lân 300 kg/ha + kali clorua 60 kg/ha) tại 2 địa điểm khảo nghiệm ở thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và xã Tuy Lộc, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái cho năng suất cao hơn so với công thức đối chứng trên cây rau cải ngọt.

Kết quả khảo nghiệm ở 2 địa điểm trên cây rau cải ngọt cho thấy, phân bón BIOMI - NitroFix 1 với mức bón 4,5 lít/ha có tác dụng làm tăng năng suất thực thu cao hơn 5% so với đối chứng, đáp ứng được yêu cầu trước khi đăng ký công nhận lưu hành tại Việt Nam.

Từ thành công này, nhóm mong muốn đưa sản phẩm dạng chai 1 lít và dạng viên nén ra thị trường. Các chế phẩm này có tác dụng cung cấp cho đất vi sinh vật cố định đạm, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, giảm chi phí phân hóa học, tăng khả năng chống chịu cho cây trồng; kích thích tăng trưởng, tăng năng suất, khả năng chịu mặn, cải tạo đất bạc màu; phòng và trừ nấm, khuẩn gây bệnh hại cây trồng; phòng trừ đặc trị tuyến trùng tối ưu hơn với sự kết hợp giữa vi sinh vật và dịch chiết thực vật; phòng trừ côn trùng gây hại, ức chế nấm bệnh, diệt các loại sâu (sâu xanh, sâu keo, sâu đo, sâu cuốn lá/lúa, sâu đục quả, sâu đục thân/rau màu,…), hỗ trợ cây phục hồi, sinh trưởng phát triển tốt theo giai đoạn,…

Theo nhóm nghiên cứu, chế phẩm sinh học được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sẵn có; các thiết bị cũng được thiết kế và chế tạo trong nước nên có giá thành thấp, giá bán chỉ bằng 70% chế phẩm tổng hợp nhập ngoại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.
Học sinh Trường Tiểu học Đỉnh Bàn thực hành thuyết minh giới thiệu về lịch sử.

'Giáo án' đặc biệt

GD&TĐ - Nhằm tạo không gian học tập và trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã thiết kế các khu trải nghiệm lịch sử trong khuôn viên.