(GD&TĐ) - Vấn đề việc làm của Người khuyết tật (NKT) đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Nhà nước và cộng đồng xã hội, trong đó có các doanh nghiệp. Thế nhưng, phân tích về tình hình việc làm hiện nay đã cho thấy nền kinh tế nước ta đòi hỏi thị trường lao động phát triển linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. NKT cũng như tất cả những người lao động khác đang gặp phải những hạn chế do thị trường lao động Việt Nam mới hình thành và phát triển chưa đồng bộ, nên đã bộc lộ sự mất cân bằng giữa cung và cầu, năng suất lao động thấp. Để NKT có thể tự tin tham gia thị trường lao động và gắn bó lâu dài với đơn vị tuyển dụng thì một yếu tố bắt buộc phải có là môi trường hoà nhập, không rào cản tại nơi làm việc.
Bà Dương Thị Vân - Hội người khuyết tật Hà Nội – phát biểu tại buổi Tọa đàm việc làm hòa nhập cho Người khuyết tật |
Những rào cản về cơ sở hạ tầng như đường dốc cho xe lăn đi, hệ thống giao thông công cộng hỗ trợ người khuyết tật có thể đi lại mà không cần nhiều đến sự trợ giúp của người khác, công trình xây dựng thiếu phương tiện và trang thiết bị để người khuyết tật có thể sử dụng đã làm cản trở người khuyết tật hòa nhập việc làm, khiến cho NKT đại đa số còn quá mặc cảm, không vượt qua khỏi các trở ngại tâm lý. Không những thế, việc các nhà tuyển dụng luôn đăng yêu cầu quá cao về kinh nghiệm chuyên môn như ứng viên phải có nhiều năm kinh nghiệm và có sức khoẻ trong khi tỷ lệ NKT có việc làm còn rất hạn chế lại làm cho vấn đề càng trở nên thách thức đối với các ứng viên.
Nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật vào thị trường lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế sắp tới triển khai dự án trong ba năm (từ 2012 – 2014) hỗ trợ doanh nghiệp gây dựng môi trường hoà nhập thông qua tuyên truyền về các chính sách dậy nghề, phổ biến kiến thức hòa nhập cho NKT. Đồng thời ILO sẽ kết hợp với các tổ chức trong lĩnh vực lao động để xây dựng một hệ thống thông tin dành riêng cho lao động là NKT. Trên cơ sở đó, Văn phòng Hòa nhập trực thuộc Hội NKT Hà Nội là một đơn vị thành viên.
Khả năng của NKT trong những năm gần đây đã được cộng đồng công nhận ở nhiều lĩnh vực văn hoá xã hội, trong đó có lao động sản xuất. NKT luôn gặp một số hạn chế nhất định trong quy trình công việc. Tuy nhiên theo bà Phạm Thị Cẩm Lý – Điều phối viên của Tổ chức lao động quốc tế ILO cho biết doanh nghiệp có thể hoá giải được bài toán về nhân lực nếu như phân tích sâu đặc tính của công việc, tiến hành phân loại và bố trí phù hợp với khả năng người lao động.
Trên thực tế đã có lãnh đạo doanh nghiệp cho biết việc tuyển dụng lao động là NKT vào làm tại đơn vị được áp dụng chế độ thử việc với thời hạn lâu hơn và được doanh nghiệp bù lương để đảm bảo chi phí sinh hoạt cho người lao động. Ngoài ra, việc dạy nghề và hướng nghiệp cho NKT cũng cần phải có thời gian lâu hơn tuỳ thuộc khả năng của họ trước khi chính thức ra nghề. Đồng thời nhiều doanh nghiệp không còn quan điểm cho rằng nhận lao động là NKT vào làm là mang tính nhân đạo. Thị trường việc làm đã có sự đánh giá công bằng và tạo cơ hội phát triển cho NKT tại các vị trí làm việc
Việc tuyển dụng lao động là NKT vào doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc đơn vị đó phải tiến hành những điều chỉnh cần thiết, và có sự đầu tư cải tạo lại cơ sở vật chất, làm tăng chi phí cố định. Vậy đâu là lợi ích mà doanh nghiệp nhận được?
Một hội viên của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội đã có ý kiến đóng góp mang tính gợi mở cho vấn đề này. Khi doanh nghiệp tuyển dụng NKT vào làm việc lợi ích thấy rõ ở giá trị sản phẩm dịch vụ được nâng cao do tên tuổi của thương hiệu được vinh danh. Mặt khác, theo luật định doanh nghiệp sẽ nhập được những chính sách ưu đãi và sự hỗ trợ của nhiều cơ quan hữu quan. Một minh hoạ cụ thể có thể thấy ở nhiều hội viên Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, mặc dù chưa có một vị trí tuyển dụng chính thức nhưng bằng khả năng và trình độ của mình, những anh chị em này đang nhận làm các công việc thuê ngoài của một số đơn vị, như vậy tính hiệu quả và lợi ích cho cả doanh nghiệp và NKT đã được chứng minh rõ rệt. Trên cơ sở đó, hội viên Trung tâm Sống độc lập Hà Nội cũng kiến nghị hiệp hội các doanh nghiệp nên cân nhắc khả năng tuyển dụng NKT ở gần trụ sở đơn vị vào làm việc. Như vậy, NKT có thể yên tâm làm việc hết mình, gắn bó lâu dài và thăng tiến trên vị trí của mình, để có thêm sự tự tin vươn lên sống độc lập.
Vũ Anh Tú