Viêm xoang và viêm đa xoang

GD&TĐ - Xoang là những cái hốc nằm trong xương sọ vùng đầu mặt. Viêm xoang và viêm đa xoang là bệnh lý thường gặp của chuyên khoa Tai mũi họng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tác nhân gây viêm

Xương sọ con người không phải là một xương thống nhất mà nó là cái hộp được kết nối bởi 22 xương khác nhau: 8 xương hộp sọ và 14 xương mặt. Tên gọi của các xoang “ăn theo” tên gọi của xương mà nó “định cư”. Các nhà chuyên môn chia xoang thành 2 nhóm:

- Nhóm xoang trước: Là các xoang bao quanh hốc mắt, gồm: Xoang trán, xoang hàm và xoang sàng trước. Nhóm xoang này dễ bị nhiễm khuẩn.

- Nhóm xoang sau: Là các xoang nằm sâu dưới nền sọ, gồm: Xoang sàng sau, xoang bướm. Nhóm xoang này khó bị nhiễm khuẩn hơn.

Về cấu trúc, xoang là một tổ chức rỗng. Bề mặt bên trong xoang được lót bởi một lớp niêm mạc tương tự như niêm mạc của đường hô hấp. Các chất xuất tiết từ niêm mạc xoang được dẫn đến cửa ra hốc mũi nhờ các đường hầm gọi là lỗ thông xoang - mũi.

Nhờ xoang rỗng nên đầu người nhẹ nhàng và linh hoạt. Các xoang có tác dụng làm ấm và giữ ẩm cho các vùng bên trong mũi và đường hô hấp. Nhờ chức năng này mà việc thông khí của đường hô hấp được thuận lợi và dễ dàng. Ngoài ra, các xoang tạo cộng hưởng khi nói hoặc hát. Điều này làm cho sắc thái âm thanh của mỗi người khác nhau.

Các nguyên nhân gây viêm xoang và viêm đa xoang

- Do nhiễm khuẩn: Thường xảy ra ở đường hô hấp trên và nhiễm khuẩn khoang miệng.

- Do dị ứng: Các tác nhân thường gặp như phấn hoa, lông con vật nuôi, khói bụi…

- Do virus: Adenovirrus và virus cúm là các tác nhân gây viêm xoang thường gặp hơn các loại virus khác.

- Do bất thường cấu trúc giải phẫu như vẹo vách ngăn mũi hoặc do khối u, xơ nang, polyp trong mũi làm hẹp và biến dạng cấu trúc của xoang.

- Do nấm: Đặc điểm viêm xoang do nấm thường gặp ở một bên xoang hơn là bị cả hai xoang đối xứng.

- Do nội tiết: Do biến động nội tiết tố trong cơ thể ở người mắc bệnh suy tuyến giáp hoặc ở những người phụ nữ đang mang thai.

Tùy theo sự tiến triển của bệnh mà viêm xoang được chia thành hai loại:

- Viêm xoang cấp tính: Là tình trạng bệnh lý mới diễn ra, rầm rộ trong một thời gian rất ngắn. Loại viêm xoang này thường đáp ứng tốt với điều trị. Người bệnh khỏi hoàn toàn.

- Viêm xoang mạn tính: Tiến triển kéo dài, thường là do viêm xoang cấp tính không được điều trị dứt điểm. Bệnh có nhiều đợt tái phát, các lỗ thông xoang bị tắc do có nhiều dịch tiết hay mủ. Việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Dấu hiệu nhận biết

Do các xoang đều có đường dẫn thông ra mũi nên bệnh viêm xoang có chung đặc điểm nghẹt và chảy nước mũi. Tuy nhiên, tùy theo xoang bị viêm và tùy theo mức độ mà mỗi người bệnh có thể có các biểu hiện mang tính khác biệt.

- Viêm xoang trán: Xoang trán tương ứng với đầu lông mày, nằm ở vị trí cao nhất trong số các xoang. Xoang trán viêm gây đau nhức vùng chân mày và ổ mắt. Nhìn liếc mắt qua lại cũng gây đau. Ấn vùng trên hố mặt đau sẽ gia tăng nhiều hơn.

Cơn đau có xu hướng tăng dần từ sáng đến trưa rồi giảm. Chiều lại tăng đau tùy theo tính trạng dịch tiết nhiều hay ít. Dịch tiết chảy nhiều đỡ đau, dịch tiết không chảy hoặc chảy ít lại đau. Người bệnh thường có các biểu hiện nghẹt, chảy mũi nước và đau đầu kéo dài.

Biến chứng hay gặp của viêm xoang trán là viêm tai giữa. Trường hợp nặng, gây viêm màng não mủ có thể dẫn đến tử vong.

- Viêm xoang hàm: Xoang hàm là xoang lớn nhất. Nó nằm hai bên má và gần cánh mũi. Người bệnh nghẹt mũi, chảy mũi nước, đau nhức hai bên má. Ấn cạnh cánh mũi đau gia tăng. Dịch tiết có mùi khó chịu. Viêm xoang hàm thường đi kèm với bệnh lý răng miệng. Biến chứng nguy hiểm của viêm xoang hàm là áp xe ổ mắt.

- Viêm xoang sàng: Xoang sàng nằm giữa hốc mắt và mũi. Đây là xoang nhỏ nhất, cấu trúc lại phức tạp nên dễ bị viêm. Khi tình trạng viêm xảy ra, dịch xuất tiết nhiều gây nghẹt mũi, chảy mũi nước, đờm ứ đọng ở cổ, nên thường khạc nhổ. Đôi khi gốc mũi khó chịu và đau nhức.

- Viêm xoang bướm: Xoang bướm nằm sâu nhất, ở dưới sàng sọ liên quan đến một thành phần quan trọng là dây thần kinh thị giác. Người bệnh nghẹt mũi, chảy mũi, đau đầu, đau giữa 2 hốc mắt. Độ nhạy mũi kém do dầy thần kinh khứu giác bị ảnh hưởng. Một số trường hợp nhìn mờ do dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Có thể sốt, hôi miệng do biến chứng viêm họng, chảy mủ tai do viêm tai giữa.

- Viêm đa xoang: Ban đầu là viêm xoang này sau đó lan sang các xoang khác tạo bệnh cảnh viêm đa xoang phức tạp, nặng nề hơn với dịch mũi chảy nhiều, kéo dài, màu sắc xanh, vàng đôi khi có máu hoặc mủ, đàm nhiều ở cổ họng nên ho khạc thường xuyên. Đau vùng đầu, thái dương, trán, mắt và thậm chí lan ra sau gáy. Các trường hợp nặng làm giảm thị lực, mất khứu giác, sốt, mỏi mệt nhiều và ăn uống kém ngon.

Viêm đa xoang có thể cấp tính hoặc mạn tính. Viêm đa xoang cấp tính có khả năng tự cải thiện trong vòng 10 ngày. Trường hợp viêm đa xoang mạn tính sẽ kéo dài đến 12 tuần kể cả khi được điều trị.

Một số xét nghiệm và phương tiện chẩn đoán bệnh lý xoang, gồm: Nội soi mũi - xoang, chụp CT hoặc MRI, xét nghiệm dị ứng, nuôi cấy mô mũi, phổ biến nhất là chụp X quang.

Sử dụng kháng sinh uống hoặc tiêm cho các trường hợp viêm xoang do nhiễm khuẩn hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn. Các trường hợp vẹo vách ngăn mũi, polype, xơ nang hoặc khối u cần có chỉ định phẫu thuật. Các loại thuốc khác được sử dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Dù nguyên nhân gây bệnh là gì, người bệnh cần chăm sóc mũi tốt bằng cách rửa mũi với dung dịch nước muối, nhỏ thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Khi có bất cứ biểu hiện nào nghi ngờ viêm xoang hay viêm đa xoang cách tốt nhất là đi khám chuyên khoa và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn. Không tùy tiện mua thuốc sử dụng mà nhiều khi lợi ít, hại nhiều. Phòng tránh bằng cách luôn vệ sinh răng miệng tốt. Dựa theo nguyên nhân mà hạn chế các nguy cơ, nhất là giải quyết sớm các bệnh lý có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...