Viêm não tự miễn là bệnh gì?

GD&TĐ - Đây là bệnh lý có thể gây ra các suy giảm nhanh chóng về cả sức khoẻ thể chất lẫn sức khoẻ tinh thần.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bệnh có thể bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần kinh khác

Viêm não tự miễn là dạng viêm não xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào khoẻ mạnh ở não bộ, là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây viêm não.

Đây là bệnh lý có thể gây ra các suy giảm nhanh chóng về cả sức khoẻ thể chất lẫn sức khoẻ tinh thần. Tự kháng thể liên quan tới viêm não tự miễn có thể được tìm thấy trong máu hoặc dịch não tuỷ của một số bệnh nhân.

Viêm não tự miễn có thể liên quan tới các tình trạng nhiễm vi khuẩn, virus trước đó, các bệnh lý tự miễn hoặc các khối u (khối u buồng trứng, khối u tinh hoàn,...).

Trong nhiều trường hợp, bệnh lý này chưa được nhận diện và chẩn đoán chính xác, có thể bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần kinh khác.

Theo Trung tâm Thần kinh - Bệnh viện Bạch Mai, ngày nay sự phát triển của các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, đặc biệt là xét nghiệm phát hiện các tự kháng thể, đã cải thiện tỷ lệ phát hiện bệnh. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng giúp hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh như tàn phế và tử vong.

Tình trạng viêm não có thể biểu hiện bằng các triệu chứng đa dạng, bao gồm các dấu hiệu về thần kinh và tâm thần.

Triệu chứng có thể thay đổi và rất khác biệt giữa các bệnh nhân, bao gồm suy giảm đột ngột khả năng nhận thức, ảnh hưởng tới khả năng học tập và làm việc, rối loạn các chức năng ngôn ngữ, các cử động cơ thể bất thường hoặc các cơn co giật, giảm/mất thị lực, giảm trí nhớ, yếu liệt vận động tay chân, rối loạn giấc ngủ và các rối loạn tâm thần như lo lắng, thay đổi khí sắc, loạn thần với hoang tưởng, ảo giác hoặc hội chứng căng trương lực.

Các triệu chứng thường diễn biến tương đối nhanh qua vài tuần hoặc vài tháng. Lưu ý, các rối loạn tâm thần kéo dài trước đó (một hoặc nhiều năm) thường không phải là yếu tố hướng tới viêm não tự miễn.

Viêm não tự miễn liên quan tới kháng thể bề mặt (bên trái) và kháng thể nội bào (bên phải).

Viêm não tự miễn liên quan tới kháng thể bề mặt (bên trái) và kháng thể nội bào (bên phải).

Chẩn đoán và điều trị viêm não tự miễn thế nào?

Để chẩn đoán chính xác và kịp thời viêm não tự miễn, bệnh nhân cần được khai thác kỹ lưỡng quá trình diễn biến bệnh và thăm khám tỉ mỉ bởi bác sĩ chuyên ngành thần kinh, cùng với sự hỗ trợ của hệ thống các xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu.

Trong trường hợp nghi ngờ viêm não tự miễn, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dịch não tủy nhằm xét nghiệm tìm kiếm các tự kháng thể, trong đó thường gặp nhất là tự kháng thể kháng thụ thể NMDA.

Chụp X-quang ngực, siêu âm ổ bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực/ổ bụng có thể được thực hiện với mục đích tầm soát các khối u liên quan.

Chụp X-quang có thể được thực hiện với mục đích tầm soát các khối u liên quan. Ảnh minh họa.

Chụp X-quang có thể được thực hiện với mục đích tầm soát các khối u liên quan. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, chụp cộng hưởng từ sọ não và ghi điện não đồ (EEG) cũng là hai phương pháp thăm dò quan trọng trong chẩn đoán viêm não tự miễn. Các nguyên nhân khác dẫn tới viêm não cần được loại trừ bởi bác sĩ chuyên khoa trước khi đưa ra chẩn đoán viêm não tự miễn.

Các phương pháp điều trị được lựa chọn phụ thuộc vào biểu hiện và mức độ nặng của bệnh, bao gồm Corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch khác, thay huyết tương, các thuốc kiểm soát co giật và các thuốc điều chỉnh rối loạn tâm thần...

Trong trường hợp phát hiện khối u buồng trứng hoặc khối u các cơ quan khác, phẫu thuật loại bỏ khối u giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh của bệnh nhân viêm não tự miễn.

Bên cạnh đó, các liệu pháp phục hồi chức năng, bao gồm thể chất, hoạt động nghề nghiệp – xã hội và ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bệnh nhân hoà nhập cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ