Viêm gan mạn tính không do virus

GD&TĐ - Gan là một bộ phận thuộc hệ tiêu hóa. Nó được ví như nhà máy xử lý hóa chất của con người. Viêm gan là bệnh thường gặp của bộ phận này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cấu tạo đặc biệt

Tế bào gan có cấu tạo đặc biệt như là tế bào mầm, vì có khả năng tự phân chia và nhân đôi. Nhờ đặc điểm đặc biệt này mà gan có khả năng tái sinh nếu bị mất một phần trọng lượng. Các nghiên cứu cho thấy, khả năng tái tạo của gan có thể đạt đến mức 25% trọng lượng của gan.

Mật được tế bào gan tiết ra và tập trung ở hệ thống các ống nhỏ chằng chịt gọi là tiểu quản mật. Tiểu quản mật hợp nguồn tạo thành ống mật. Có các ống mật gan trái và ống mật gan phải.

Hai ống mật này hợp thành một ống mật lớn hơn gọi là ống gan chung. Một đoạn ngắn gọi là ống cổ túi mật, nối túi mật với ống gan chung tạo ra ống mật chủ. Lượng mật do gan tiết ra nếu chưa sử dụng hoặc thừa trong quá trình tiêu hóa sẽ được “cất giữ” trong túi mật.

Tế bào gan là đơn vị đảm nhận việc thực hiện chức năng tiêu hóa, chuyển hóa của gan, gồm: Tiết dịch mật tiêu hóa mỡ (lipid); chuyển hóa đạm (protein), chuyển hóa amonia thành urea; chuyển hóa mỡ (lipid) qua việc tổng hợp các cholesterol và chế tạo ra triglyceride; chuyển hóa carbonhydrates qua việc tổng hợp glucose (đường); phân giải glucogen thành glucose hoặc tổng hợp glocogen từ glucose.

Ngoài ra, chúng còn thực hiện chức năng tổng hợp các yếu tố đông máu; giáng hóa hemoglobin, insuline và các hormone khác; kho dự trữ glucose (dưới dạng glucogen), vitamin B12, sắt (Fe) và đồng (Cu); tạo hồng cầu chính cho thai nhi trong 3 tháng đầu tiên; tham gia quá trình miễn dịch cơ thể qua hệ thống lưới nội mô bắt giữ tất cả các kháng nguyên xâm nhập cơ thể và lạc bước vào… gan.

Viêm gan mạn tính

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Tùy theo thời gian diễn biến mà viêm gan được chia thành hai loại: Viêm cấp tính và mạn tính. Riêng về viêm gan mạn tính, có đến 3 nhóm nguyên nhân gây ra, gồm: Virus, thuốc và tự miễn. Viêm gan mạn tính do virus có khả năng lây lan, viêm gan mạn tính do thuốc và do tự miễn thì không có khả năng lây lan.

Trong phạm vi bài viết này, xin chỉ đề cập đến các bệnh viêm gan mạn tính do thuốc và viêm gan mạn tính do tự miễn. Đây là hai bệnh thuộc nhóm bệnh mạn tính không lây. Bệnh cảnh của hai loại viêm gan này tuy không rầm rộ chết người, nhưng diễn biến âm ỉ, kéo dài gây giảm sút chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh.

Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm và hoại tử các tế bào gan diễn ra trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng. Trước khi trở thành mạn tính, viêm gan xảy ra dưới hình thức cấp tính với các biểu hiện diễn ra khá rầm rộ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh viêm gan tiến triển âm thầm, không có dấu hiệu nào điển hình để nghi ngờ cho đến khi phát hiện thì đã bước vào thời kỳ mạn tính.

Nhìn chung, bệnh viêm gan mạn tính có thể điều trị khỏi nhưng cũng có những trường hợp nặng, diễn tiến xấu dẫn đến xơ gan hoặc ung thư tế bào gan.

Sự nhầm lẫn của cơ thể

Tự miễn là sự nhầm lẫn của cơ thể về chính bản thân của mình. Vì một lý do nào đó vẫn hãy còn nằm trong vòng bí mật hệ thống miễn dịch của cơ thể sinh ra các chất chống lại ngay chính bản thân mình.

Bệnh viêm gan mạn tính do tự miễn thường tiến triển phức tạp và liên tục dẫn đến hậu quả cuối cùng là xơ gan và kết thúc cuộc sống trong bối cảnh suy gan, hôn mê gan. Trong vòng 6 tháng nếu không được điều trị, tỉ lệ tử vong của bệnh viêm gan mạn tính do tự miễn cao đến 40%.

Khởi phát của bệnh viêm gan mạn tính do tự miễn có thể bắt đầu một cách đột ngột hoặc diễn ra trong âm thầm ở những người phụ nữ trẻ tuổi hoặc trung niên.

Khác với bệnh viêm gan mạn tính do virus gây ra các biểu hiện chủ yếu tại gan, bệnh viêm gan mạn tính do tự miễn gây ra các biểu hiện nổi trội ở các bộ phận khác gan, như đau các khớp, lách to, rối loạn đông máu, viêm động tĩnh mạch và viêm cầu thận… Người bệnh cần làm các xét nghiệm máu để đánh giá sự gia tăng men gan, tăng bilirubin và tăng globulin, đồng thời phát hiện các loại kháng thể kháng nhân hoặc kháng cơ trơn của tế bào.

Tế bào gan bị nhiễm độc

Viêm gan mạn tính do thuốc là bệnh mà tế bào gan bị tổn thương dưới hình thái nhiễm độc hoặc dị ứng, đôi khi kết hợp cả 2 loại hình thái này. Bệnh xảy ra như là một tai biến của các loại thuốc dùng điều trị hoặc tiếp xúc với các loại hóa chất và thậm chí là các loại chất độc có trong tự nhiên như nấm, sắn độc, nọc độc của các loài vật…

Bệnh cảnh của viêm gan mạn tính do thuốc thay đổi từ nhẹ đến nặng, một số trường hợp tế bào gan bị hoại tử lan tràn. Các loại thuốc là thủ phạm gây ra căn bệnh này là thuốc điều trị lao, các bệnh lý tâm thần, bệnh Basedow (thuốc ức chế chức năng tuyến giáp), thuốc chống chuyển hóa, thuốc gây mê, gây tê, các hormone và các loại kháng sinh.

Hướng điều trị

Việc điều trị căn cứ vào nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu tìm thấy các yếu tố liên quan đến thuốc và độc chất thì ngưng ngay việc sử dụng thuốc và tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại. Nếu nguyên nhân là do tự miễn thì vấn đề sử dụng corticoid sẽ được đặt ra. Việc điều trị cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Quá trình điều trị cần được kiểm soát chặt chẽ để hạn chế tối đa các tác dụng phụ có thể xảy ra. Thời gian điều trị của bệnh viêm gan mạn tính do tự miễn thường kéo dài 6 - 12 tháng bằng corticoid liều dùng duy trì. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và tăng cường bồi dưỡng trong những tuần lễ điều trị đầu tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ