8 - 10% người Việt mắc viêm gan B
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, viêm gan B là một trong những bệnh mạn tính nguy hiểm. Bệnh gây ra cái chết cho hơn 600.000 người mỗi năm trên toàn thế giới.
Theo thống kê, hiện nay, toàn cầu có hơn 300 triệu người mắc viêm gan B. Con số này không ngừng tăng. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ước tính là 8 - 10% dân số. Điều đó đồng nghĩa là có 8 đến 10 triệu người dân mắc bệnh này.
Theo PGS Cường, viêm gan B có thể gây biến chứng. Người mắc viêm gan B có nguy cơ suy gan. Hoạt động của tế bào gan bị phá hủy từ trong tế bào, dẫn đến tổn thương gan. Lúc này, các chức năng của gan như bài tiết mật, thải độc, chuyển hóa chất... đều bị suy giảm. Trường hợp nặng có thể đi vào hôn mê và tử vong.
Ngoài ra, người mắc viêm gan B cũng có thể gặp biến chứng xơ gan. Viêm gan B nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả sẽ dẫn đến biến chứng xơ gan trong vòng 20 năm hoặc có thể sớm hơn. Một biến chứng khác là ung thư gan.
“Virus viêm gan B làm tăng nguy cơ tăng sinh tế bào gan ác tính trong suốt thời gian diễn biến viêm gan cho đến xơ gan. Biến chứng ung thư thường xảy ra trong vòng 10 năm sau khi bị xơ gan”, PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.
Chuyên gia cho biết, viêm gan B thường ít có những biểu hiện rõ trong giai đoạn đầu. Các triệu chứng viêm gan B xuất hiện rõ khi bệnh đã tiến triển một thời gian dài. Khoảng 30 - 50% người bệnh viêm gan B có các triệu chứng biểu hiện như:
Cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng; Đau nhức xương khớp; Thường xuyên buồn nôn, nôn; Nước tiểu có màu vàng sẫm; Đau bụng âm ỉ vùng hạ sườn phải; Rối loạn tiêu hóa; Vàng da, vàng mắt; Có hiện tượng xuất huyết, bầm tím dưới da; Bụng cổ chướng hoặc phù nhẹ mắt cá chân (xơ gan).
Bệnh thường có thể biểu hiện dưới dạng cấp tính hoặc mạn tính. Để kiểm tra có bị nhiễm virus viêm gan B hay không cần phải thực hiện các xét nghiệm máu (men gan, billirubin, chức năng đông máu, siêu âm và các dấu ấn của virus viêm gan cần thiết).
Nhóm nguy cơ cao
Bác sĩ Hà Hải Nam - Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa 1, Bệnh viện K, Giảng viên bộ môn Ung thư tại Đại học Y Hà Nội - cho biết, những nhóm có nguy cơ cao cần tầm soát ung thư gan bao gồm: Người mắc bệnh về gan và có tiền sử gia đình mắc ung thư gan.
“Những người mắc bệnh viêm gan virus B, C, xơ gan, gan nhiễm mỡ… hoặc trong gia đình có người mắc K gan rất cần được tầm soát. Đặc biệt, nếu không may mắc viêm gan B, C thể hoạt động thì cần điều trị sớm. Từ đó, tránh nguy cơ biến chứng thành ung thư gan. Bởi, virus viêm gan B và C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát”, bác sĩ Nam chia sẻ.
Theo chuyên gia này, các bệnh viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác như đái tháo đường type 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ... Khi đó, người mắc cần điều trị các bệnh tự miễn để tránh biến chứng sang gan về sau. Người chưa tiêm vắc-xin phòng virus viêm gan B được khuyến cáo tiêm phòng sớm nhất để tránh nguy cơ nhiễm bệnh về sau.
Theo bác sĩ Nam, người béo phì, tiểu đường có nguy cơ mắc ung thư gan. Chuyên gia dẫn chứng, trong vài năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường, béo phì kèm ung thư gan trên thế giới tăng đáng kể. Đường máu và mỡ máu cao, sẽ được tích tụ tại gan. Từ đó, dẫn đến tổn thương thoái hóa các tế bào gan và dẫn tới xơ gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Ngoài ra, rượu, bia cũng có khả năng thúc đẩy gen sinh ung thư phát triển nhanh, dẫn đến ung thư sớm. Acetaldehye được sinh ra trong quá trình chuyển hóa rượu cũng làm suy yếu khả năng sửa chữa sai sót tự nhiên DNA của tế bào, gây tăng nguy cơ đột biến tế bào. Từ đó, khối ung thư sẽ hình thành.
“Rượu còn gây tổn thương các tế bào gan. Khi uống quá nhiều rượu, chức năng thải độc của gan sẽ bị quá tải. Các tế bào gan bị tổn thương trầm trọng, hình thành nên các mô sẹo, xơ. Từ đó, hình thành các bè gan xơ và ung thư gan”, bác sĩ Nam giải thích.
Những người ăn thực phẩm nấm mốc, thịt tươi sống nhiễm sán, lạm dụng thuốc, hóa chất gây tổn thương gan và sử dụng chất kích thích cũng có nguy cơ mắc ung thư gan. Bác sĩ Hà Hải Nam nhận định, những nhóm nguy cơ này cần được sàng lọc sớm các bệnh về gan nói chung và ung thư gan nói riêng.
“Việc khám kiểm tra ung thư gan không quá phức tạp. Thông thường, bác sĩ sẽ cho chỉ định làm xét nghiệm chỉ số ung thư gan (Alphafetoprotein-AFP) và siêu âm hình thái gan. Sau đó, nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán xác định, không nhất thiết phải chọc kim sinh thiết vào gan mới khẳng định ung thư”, bác sĩ Nam chia sẻ.