GS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT |
Liên quan đến việc Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm học 2014, GS Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Năm nay Bộ GD&ĐT sẽ xem xét cho phép một số trường tuyển sinh riêng, GS nghĩ sao về vấn đề này?
Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, thi “3 chung” vẫn tiếp tục ổn định cho đến hết năm 2015. Song song với đó, năm nay, Bộ cho một số trường tự chủ tuyển sinh theo cách của mình nhưng yêu cầu các trường muốn tuyển sinh riêng phải có đề án trình Bộ, theo đó, phương thức, hình thức tuyển sinh phải phù hợp với pháp luật nói chung, Luật Giáo dục ĐH nói riêng.
Trong đề án trình Bộ về tuyển sinh, các trường phải nêu đầy đủ các điều kiện như: Tổng số giảng viên/sinh viên, cơ sở vật chất, đề thi, đảm bảo an toàn… Và các trường phải đảm bảo có một mức điểm chuẩn để tuyển được đầu vào có chất lượng nhất định. Theo cá nhân tôi, đây là một chủ trương đúng đắn.
Có ý kiến cho rằng, việc cho phép các trường tuyển sinh riêng là sự “lặp lại” của tuyển sinh trước thi “3 chung”, có thể sẽ phát sinh tiêu cực khi mỗi trường thi một kiểu, GS có suy nghĩ gì về ý kiến này?
Hiện nay đã có 17 trường có đề án trình Bộ duyệt về phương án tự chủ tuyển sinh. Chắc là phải chờ sự xem xét của Bộ, vì đến thời điểm này vẫn chưa công bố xem trường nào sẽ được duyệt để tuyển sinh riêng. Quan trọng của việc tuyển sinh riêng là: Tự chủ tuyển sinh phải đảm bảo tuyển được người có trình độ nhất định, học hết THPT có thể vào học được ĐH. Thi chung có điểm sàn làm căn cứ, thi riêng phải có điểm chuẩn nhất định nào đó để đảm bảo đầu vào chứ không phải cứ làm vô điều kiện, tuyển thế nào thì tuyển.
Thế nhưng thi riêng không phải là sự quay lại của thời kỳ tuyển sinh trước. Đây là sự thay đổi cần thiết và phù hợp với phát triển. Mỗi thời có một yêu cầu riêng của nó. Mỗi cách tuyển sinh cũng sẽ có yêu cầu riêng của nó. Theo quy luật biện chứng, cái gì không phù hợp nữa thì cần phải thay đổi. Và sự thay đổi ấy không phải lặp lại, bản chất nó đã khác trước.
Theo GS, khó khăn nhất của vấn đề tuyển sinh riêng là gì?
Theo tôi, khó khăn nhất chính là các trường có làm theo các lời hứa hẹn như trong những văn bản trình Bộ duyệt về phương án tuyển sinh riêng hay không? Nói cụ thể hơn là những người làm công tác tuyển sinh tại các trường có tâm trong sáng hay không. Cái tâm trong sáng ở đây là mong muốn phục vụ thực sự cho sự phát triển của chính trường ĐH đó, cho sự phát triển của GDĐH nói chung, vì lợi ích của giáo dục và của bản thân mỗi sinh viên. Trong thời gian vừa qua, có những trường làm không tốt công tác tuyển sinh là bởi họ đã chạy theo thương mại hóa giáo dục, lợi nhuận hóa tối đa, làm gì cũng quy ra lợi ích kinh tế.
Thực tế là khi Bộ đồng ý phương án xét cho các trường được tuyển sinh riêng thì lại rất ít trường công lập tha thiết với phương án thi riêng, chỉ có những trường NCL khó khăn trong tuyển sinh mới muốn bỏ hẳn “3 chung”, vấn đề này có thể lý giải thế nào thưa ông?
Tuyển sinh nói nghe thì đơn giản, nhưng thực ra là công việc rất phức tạp. Về vấn đề kỹ thuật, chuyện ra đề thi thôi cũng rất phức tạp rồi. Có nhiều trường không đủ điều kiện để ra đề, bởi ra được một bộ đề thi rất khó, phải phải nhờ trường khác ra giúp một bộ đề. Thi xong rồi phải thuê lực lượng của trường khác chấm. Còn về chuyên môn, làm sao giữ được bí mật đề thi, giữ được công bằng khi chấm thi cũng là cả vấn đề, điều đó đòi hỏi cái tâm, quan điểm nghề nghiệp và vấn đề an toàn cao.
Tôi nhắc lại thi không bao giờ là việc đơn giản, đó là việc chuyên môn vô cùng phức tạp trong giáo dục. Không chỉ riêng nước ta, mà cả trên thế giới, mấy chục năm nay việc nghiên cứu hình thức phương án thi và chọn cách thi vẫn diễn ra, có những viện chỉ nghiên cứu về các phương án thi. Bởi vậy, các trường công lập muốn thi “3 chung” cũng là điều dễ hiểu, bởi phần đề thi đã có Bộ GD&ĐT đảm nhiệm.
Xin cảm ơn những ý kiến của GS!
Theo PL&XH
*****
Nhằm giúp ngành Giáo dục có một phương án tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH, vừa tạo điều kiện tối đa cho các nhà trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học của một kỳ thi Quốc gia, báo Giáo dục & Thời đại mở “Diễn đàn trao đổi về phương án tuyển sinh đại học 2014”, đăng tải rộng rãi những ý kiến, chia sẻ, hiến kế tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục.
Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: gdtd.tuyensinh2014@gmail.com.