Nguồn gốc tục xông đất đầu năm
Từ xưa đến nay, theo quan niệm của người dân Việt Nam, nếu như ngày mồng 1 Tết – ngày khởi đầu của một năm đều diễn ra suôn sẻ thì cả năm gia chủ sẽ may mắn, ấm êm. Vì thế, họ đề cao vai trò của người tới thăm gia đình vào ngày đầu năm mới. Và theo tục lệ, những vị khách đó được gọi là người xông nhà, xông đất hay đạp đất.
Theo Phong thủy Tam Nguyên, xông đất đầu năm là một phong tục xuất phát từ ước muốn một năm đầy bình an, thuận lợi, tránh những điều đen đủi, không may.
Theo ông cha ta, người được chủ nhà mời tới trong khoảnh khắc đầu tiên của năm mới phải là người hợp tuổi, không nằm trong vòng “tứ hành xung” với gia chủ và phải hợp với linh vật đại diện cho năm đó. Vị khách đó thường là những người vui vẻ, sống phóng khoáng, làm ăn phát đạt, cuộc sống gia đình hạnh phúc bởi mong muốn gia chủ cũng bình an, sung túc, gia đạo êm ấm.
Thời gian tuy đã trôi nhanh bao thập kỷ nhưng nét đẹp truyền thống văn hóa trong tục xông đất đầu năm vẫn luôn được giữ gìn, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xông đất đầu năm không chỉ là một phương thức mà nó trở thành một phong tục tốt đẹp, là nét văn hóa Việt Nam đặc trưng mang những giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là sự gắn kết mọi người, là tinh thần nguyện cầu điều may mắn cho các thành viên trong gia đình, là sự quan tâm, hỏi han nhau với những lời chúc đầy ý nghĩa.
Tục xông đất đầu năm diễn ra như thế nào?
Thời điểm xông đất đầu năm thường diễn ra trong vòng ba ngày Tết, nhưng chủ yếu là sau thời khắc giao thoa giữa năm cũ và mới (Giao thừa) hoặc sáng mồng Một.
Khách tới xông nhà thường gửi những lời chúc may mắn đầu năm tới gia chủ, ngồi ăn bánh mứt, uống trà và trò chuyện vui vẻ kèm theo những lời chúc tụng là những chiếc phong bao màu đỏ để nhập tài cho gia chủ, mừng tuổi cho người già, lì xì cho trẻ nhỏ, bạn bè hay đồng nghiệp… Tất cả cùng nhau nhấm nháp hương xuân đầu năm và tận hưởng hương không khí trầm ấm với tâm thế tràn đầy hi vọng của sự bình an, thịnh vượng.
Ngày nay, tục xông đất vẫn là một nét truyền thống văn hóa tốt đẹp trong tiềm thức người Việt.
Bên cạnh đó, người thân trong nhà cũng có thể tự xông đất đầu năm cho nhà mình. Thường những người được chọn xông đất đầu năm cho gia đình sẽ ra ngoài lúc chưa hết giờ trừ tịch và trở về nhà lúc thời gian chuyển giao sang năm mới.
Đối với người Nam Bộ, họ còn có quan niệm chọn những người có tên hay, để mời tới xông đất đầu năm, với mong muốn phát tài, bình an như: Phúc. Lộc, Thọ, Tài,…
Xông đất đúng cách
Chủ nhà xem xét các yếu tố phong thủy (màu sắc, bản mệnh,...) khi tiến hành tục xông đất đầu năm. Theo đó, người xông đất phải có tuổi hợp với gia chủ và tuổi của con vật đại diện cho năm đó để mang đến nhiều tài lộc nhất. Điều này nhằm tránh người xông đất là người có tuổi thuộc nhóm tứ hành xung (bốn con giáp xung khắc nhau về nhiều mặt trong cuộc sống) với chủ nhà.
Bên cạnh chọn người phù hợp, bạn cũng nên lưu ý xông đất đúng cách để đảm bảo nhận trọn vẹn tài lộc, may mắn trong năm mới. Cách xông đất cụ thể như sau:
Người đi xông đất đầu năm nên mặc quần áo màu sắc rực rỡ, tốt nhất là màu đỏ để tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn và sự đủ đầy.
Khi đến nhà xông đất, họ cần phải chào hỏi, chúc gia chủ những điều may mắn trong năm tới.
Bên cạnh đó, người xông đất nên mừng tuổi cho trẻ con trong gia đình gia chủ để cầu chúc may mắn, sức khỏe cho trẻ nhỏ và cả bản thân.
Sau đó, cả khách và gia chủ sẽ cùng ngồi xuống ăn uống, thưởng trà xem như “ăn lộc” đầu năm.
Sau khoảng 10 - 20 phút thì người xông đất rời khỏi nhà gia chủ là hoàn thành.
Những điều kiêng kỵ khi xông đất đầu năm
Đầu năm, người Việt thường kiêng kị xông nhà nếu trong gia đình mình gặp những chuyện không may trong năm vừa qua như:
Nhà có tang: Theo quan niệm của người Việt, gia đình có tang sẽ kiêng tới nhà người khác vào ngày đầu năm mới, để tránh mang vận xui.
Người làm ăn thất bại, gặp tai nạn, xui rủi, có kiện cáo, tranh chấp: Những người này cũng không phải là đối tượng để nhờ xông đất đầu năm. Dân gian quan niệm đó là “vía” xấu
Phụ nữ nên kiêng xông đất: Do phụ nữ mang tính âm, trong khi đầu năm cần nhiều dương khí để mang lại sức khỏe và tài lộc. Nếu hai vợ chồng cùng đến xông đất, người chồng nên bước vào nhà trước.
Không nên mặc quần áo trắng hoặc đen khi tới xông đất đầu năm nhà người khác bởi đó tượng trưng cho tang tóc, chết chóc.
Theo tục lệ năm, người góa vợ góa chồng không tốt để xông đất bởi đối với người Việt có đôi có cặp mới vẹn tròn, viên mãn và nhiều phúc khí.
*Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.