Việc làm cho du học sinh về nước - cần thay đổi bản thân

GD&TĐ - Chuyện sốc văn hóa khi du học ở xứ người không hiếm. Nhưng “sốc văn hóa ngược” thì rất nhiều du học sinh mắc phải khi về nước, nhất là vấn đề việc làm, mức thu nhập.

Du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh minh họa
Du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh minh họa

Theo chuyên gia, cần thay đổi bản thân và nhìn nhận đúng năng lực thực sự khi xin việc trong nước.

Sốc vì “nhầm năng lực”

Nhiều du học sinh trở về nước đều mong muốn tìm một công việc ổn định với mức thu nhập cao. Đây là mong muốn chính đáng, tuy nhiên, trong số đó không ít người vẫn nhầm tưởng về năng lực thực sự của mình.

Theo ông Lê Nguyên Minh – Giám đốc Trung tâm tư vấn du học và việc làm MMA: “Du học sinh trở về nước”, nghe thì “xịn” và có vẻ là lợi thế lớn của rất nhiều người. Bởi du học sinh luôn được đánh giá cao về cả kiến thức lẫn kỹ năng. Nhưng thực tế câu chuyện trở về đôi khi không đơn giản chỉ là “về nhà”. Rất nhiều du học sinh sau khi trở về đã mất một thời gian đầu loay hoay và gặp khó khăn với việc hòa nhập lại cùng cuộc sống và cách làm việc ở chính quê hương mình, hay còn gọi là “sốc văn hóa ngược”.

Ông Lê Nguyên Minh cũng cho biết thêm, rất nhiều bạn trẻ không nhất thiết phải du học cũng có kiến thức và kỹ năng tuyệt vời. Hiện nay, trình độ IELTS 7.5 hay 8.0 không còn hiếm. Chưa kể đến khả năng thích nghi với môi trường của người trẻ Việt khá tốt. Sinh viên tốt nghiệp “đầu quân” vào các công ty đã khẳng định được vị thế của bản thân nhanh chóng.

Hầu hết các bạn ấy tự học và lăn lộn với các kiến thức mới và tham gia nhiều cuộc thi uy tín đem lại thành tích cao. Vì vậy, một số nhà tuyển dụng chưa chắc đã “ưu ái” với những hồ sơ của du học sinh. Bởi Profile của nhiều bạn trẻ về nước không có gì quá đặc biệt. Chưa kể đến kinh nghiệm làm ở thị trường Việt Nam không khá hơn gì, thậm chí còn kém với sinh viên trong nước.

Xin việc khi trở về Việt Nam là một trong nhiều băn khoăn của các bạn trẻ. Hầu hết, du học sinh thường quan tâm tới chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, đặc biệt là mức lương. Lê Ngọc Duy – sinh viên tốt nghiệp ngành Sinh học tại ĐH Toulon (Pháp) chia sẻ: Vì là du học sinh nên em cũng muốn làm việc ở công ty nào “có thương hiệu”. Tuy nhiên, rất nhiều công việc thấy “không hợp” và mức lương cũng chưa thỏa đáng nên em đã mất nhiều thời gian để tìm. Lâu dần, nó trở thành áp lực giống như một cú sốc đối với em. Em luôn nghĩ sẽ “có giá” khi trở về, chứ không ngờ lại khó khăn đến vậy.

Lê Ngọc Duy cũng cho biết thêm, nhiều bạn trẻ về nước cũng có sự đắn đo, do dự lúc nhận việc làm. Trong khi các bạn trẻ khác đang lăn lộn tích lũy kiến thức xã hội và kinh nghiệm cho bản thân. Vì vậy, việc làm và mức lương cũng giống như “cú sốc ngược” đối với nhiều du học sinh.

Chưa kể đến, làm việc trong hoàn cảnh bình thường đã là một trải nghiệm khó khăn. Nhưng dịch Covid-19 lại đẩy khó khăn lên thêm. Một số người đã mất khá nhiều thời gian chỉ để thích nghi, chẳng khác thời gian mới sang nước bạn, bỡ ngỡ đủ thứ. Hơn nữa, các mối quan hệ cũng đã thay đổi.

“Bạn về nước và nhận ra mình không biết rủ ai đi chơi, nói chuyện. Nhóm bạn thân có người đã lập gia đình, có người bận rộn với công việc hoặc làm xa. Có người thì bận rộn với những kế hoạch cá nhân nên không mấy ai để ý đến sự xuất hiện trở lại của bạn. Đó là chưa kể đến những mỗi quan hệ xã giao. Điều này khiến bạn sẽ phải đối mặt với sự thật là gần như không có ai để ý đến việc bạn đi du học hay đi đâu cả và cũng không quan tâm đến việc tiếp theo bạn có kế hoạch gì hay muốn làm điều gì” – Lê Ngọc Duy chia sẻ.

Đừng “ngắt kết nối” với… quê hương

Chúng ta có thể không biết nhưng thực tế việc trở về nước của các du học sinh ít nhiều đều gặp những khó khăn nhất định. Đi du học là một hành trình và trở về cũng là một hành trình nhiều gian nan không kém.

Ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc Công ty tư vấn du học và tuyển dụng lao động cho biết: Cơ hội việc làm đối với những người có năng lực rất nhiều. Với du học sinh, môi trường làm việc hay chế độ đãi ngộ còn phụ thuộc vào chính các bạn. Hiện, nhiều du học sinh khi về nước khó xin việc, một trong những lý do mà các nhà tuyển dụng đưa ra chính là các bạn yêu cầu mức lương quá cao. Chưa kể đến việc các bạn khó thích nghi với môi trường làm việc sau một thời gian ở nước ngoài. Vì vậy, còn băn khoăn về vấn đề này để quyết định về nước thì chính các bạn phải thay đổi được bản thân.

Ông Nguyễn Trung Thành cũng cho biết thêm, nhiều sinh viên du học chỉ có điểm mạnh về ngoại ngữ vì họ được đào tạo trong môi trường nước ngoài. Còn về trình độ chuyên môn thì không vượt trội hơn nhiều so với sinh viên được đào tạo trong nước. Đối với một số ngành khó đòi hỏi nguồn nhân lực lớn mỗi năm như chế tạo máy, kỹ thuật lại không có nhiều người học.

Do vậy, nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, cơ hội việc làm giữa du học sinh về nước và sinh viên được đào tạo trong nước là ngang nhau. Điều quan trọng là trong quá trình làm việc bạn sẽ cống hiến những gì và có sự nỗ lực ra sao trong công việc được giao. Vì vậy, du học sinh khi về nước sẽ phải tăng tính cạnh tranh với nguồn nhân lực trong nước, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Ông Thành cũng đưa ra lời khuyên, bất cứ khi nào mảy may có ý định về nước làm việc, thậm chí kể cả đó là tương lai xa, đừng bao giờ ngắt kết nối với Việt Nam. Bạn nên thường xuyên trao đổi với người thân, bạn bè về những thứ diễn ra xung quanh. Nhất là những vấn đề liên quan đến công việc, ngành họ làm, những khó khăn họ gặp phải. Bạn sẽ có một hình dung nhất định về môi trường làm việc ở Việt Nam như thế nào.

Ngoài ra, các bạn trẻ cũng đừng quên kết nối với những du học sinh đã về nước trước đó. Bạn có người để chia sẻ, những người hiểu khó khăn bạn đang gặp phải và có kinh nghiệm hơn bạn. Từ đó cơ hội công việc cũng sẽ đến dễ dàng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.