Việc chấm thi sẽ khách quan, chính xác, phản ánh đúng năng lực học tập của thí sinh

Việc chấm thi sẽ khách quan, chính xác, phản ánh đúng năng lực học tập của thí sinh

(GD&TĐ) - Kết thúc 2 đợt thi tuyển sinh ĐH, các trường bắt tay vào chấm thi để kịp công bố theo đúng lịch của Bộ GD&ĐT. Báo GD&TĐ đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga - Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ - về công tác chấm thi, xác định điểm sàn, cách tính ưu tiên... và lộ trình đổi mới tuyển sinh thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Đề thi ĐH phải bảo đảm tính phân loại

* Thưa Thứ trưởng, đề thi cho các khối thi năm nay được đánh giá là không quá khó, phù hợp với thí sinh các vùng miền, nhưng vẫn đảm bảo tính phân loại cao. Phải chăng đề thi được ra như vậy mục đích có phổ điểm rộng hơn vừa để chọn lựa thí sinh giỏi, nhưng cũng đảm bảo nhiều thí sinh đạt điểm trung bình, đủ điểm sàn để có thêm cơ hội trúng tuyển đại học?

- Không chỉ năm nay, quan điểm của Bộ GD&ĐT về ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm đều phải dựa trên nguyên tắc: Nội dung kiến thức phải nằm trong chương trình phổ thông, không quá dài, quá khó, không đánh đố thí sinh và phải đảm bảo tính phân loại.

Đề thi dễ hay khó phụ thuộc và khả năng làm bài của từng thí sinh nhưng chắc chắn một điều là chỉ những thí sinh thật giỏi và xuất sắc mới làm được tất cả các câu hỏi trong đề thi.

Đề thi có những câu dễ, trung bình, khó, thậm chí có những câu rất khó. Năng lực thí sinh đến đâu làm đến đấy. Đó là điểm khác cơ bản của đề thi tuyển sinh đại học và đề thi tốt nghiệp phổ thông. Sau khi chấm thi xong, xây dựng được phổ điểm chúng ta mới biết được mức độ phân loại của đề thi.

Đề mở, đáp án cũng mở

* Đề thi môn Văn khối C - D năm nay tiếp tục được dư luận xã hội đánh giá cao về tính mở. Tuy nhiên, có những băn khoăn về việc chấm sao cho phù hợp với tính mở của đề. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này? 

- Chủ trương ra đề thi các môn xã hội theo hướng mở nhằm thay đổi cách học ở phổ thông. Thí sinh không cần phải học thuộc lòng, không cần phải nhớ nhiều chi tiết nhưng phải biết ứng dụng những kiến thức đã học và thực tiễn cuộc sống, có đầu óc suy luận, phản biện. Những kinh nghiệm tốt, được xã hội đồng tình ủng hộ trong phương thức ra đề thi những năm gần đây sẽ được tiếp tục áp dụng trong những năm tới.

Với đề mở, đáp án cũng mở, đây là căn cứ để các thầy cô giáo đánh giá tư duy sáng tạo của thí sinh. Những bài làm có tính độc đáo, sáng tạo không giống như đáp án nhưng vẫn đúng thì sẽ được thưởng điểm (mức thưởng không quá 1 điểm - PV).

Năm nay, Bộ GD&ĐT có yêu cầu các trường tổ chức chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận. Các trường ngoài ban chấm thi chính phải thành lập một ban chấm kiểm tra riêng. Quá trình chấm kiểm tra nay được thực hiện song song với quá trình chấm chính. Vì vậy, những sai sót, lệch lạc trong quá trình chấm được cảnh báo kịp thời, không đợi đến khi đoàn chấm thanh tra của bộ thực hiện như mọi năm.

Thêm nữa, đề và đáp án chi tiết của từng môn đã được công khai rộng rãi đến thí sinh sau mỗi môn thi. Nếu thí sinh thấy điểm của mình không đúng thì có thể làm đơn xin chấm phúc khảo.

Sau khi các trường chấm thi xong, Bộ sẽ chấm thẩm định. Chấm thẩm định chỉ được thực hiện xác suất ở một số trường. Do vậy, việc chấm kiểm tra của các trường là rất cần thiết để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh.

Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi
Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi

Điểm sàn năm nay sẽ không thay đổi nhiều

* Việc xây dựng điểm sàn năm nay có thay đổi gì không, thưa Thứ trưởng?

- Việc xây dựng điểm sàn phải chờ sau khi các trường chấm thi xong và Bộ đã có đầy đủ số liệu kết quả tuyển sinh của các trường. Khi đó hội đồng xét điểm sàn của Bộ sẽ họp để tư vấn cho Bộ trưởng quyết định mức điểm sàn phù hợp cho các khối thi.

Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà giáo qua các diễn đàn về cách tính điểm sàn sẽ được hội đồng xét điểm sàn cân nhắc áp dụng.

Điểm sàn nhiều năm nay tương đối ổn định. Vì vậy năm nay chắc cũng không thay đổi gì nhiều. Những thí sinh làm được 50% đề thi trở lên chắc sẽ có nhiều cơ hội trên điểm sàn.

 * Năm nay nhiều trường tiếp tục than vất vả, bù lỗ lớn khi cho các trường khác gửi thí sinh thi nhờ, trường ít thì vài trăm, trường nhiều thì đến con số nghìn thí sinh, cá biệt ĐH Công đoàn có tới hơn 6.000 thí sinh. Vậy quan điểm của Bộ GD&ĐT về việc này như thế nào?

- Bộ GD&ĐT ghi nhận việc nhiều trường đại học không tổ chức thi mà gửi thí sinh thi nhờ. Trong số đó có những trường có đông thí sinh đăng ký dự thi nhưng vẫn không tổ chức thi. Điều này đã gây khó khăn, thiệt hại kinh tế cho trường bạn. Tại Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới, vấn đề này sẽ được đưa ra bàn thảo để tìm giải pháp hợp lý.

Những thay đổi lớn trong tuyển sinh cần có thời gian chuẩn bị

* Kết thúc thành công một kỳ thi theo phương thức “3 chung”, dù thừa nhận tính hợp lý của "3 chung", nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng nên thay đổi cách thức tuyển sinh. Xin Thứ trưởng cho biết chủ trương của Bộ về vấn đề này?

- Bộ GD&ĐT chủ trương sẽ tiếp tục ổn định tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung” cho đến năm 2015. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2015, nếu trường nào có đề xuất phương án tuyển sinh riêng phù hợp, được dư luận xã hội đồng tình thì Bộ GD&ĐT sẽ xem xét cho áp dụng thí điểm.

Phương thức tuyển sinh 3 chung hơn 10 năm qua đã thể hiện nhiều ưu điểm. Tuy nhiên mùa thi không khỏi gây áp lực nặng nề đối với xã hội và thí sinh. Vì vậy Bộ đang cùng với các trường nghiên cứu tìm kiếm các phương án tuyển sinh phù hợp, nhẹ nhàng, hiệu quả.

Những thay đổi lớn trong tuyển sinh cần phải có thời gian chuẩn bị, không thể thay đổi đột ngột được. Không phải chỉ có nước ta mà những nước phát triển cũng đang tìm cách đổi mới tuyển sinh. Nhật Bản đặt kế hoạch 5 năm cho việc đổi mới tuyển sinh của họ để thí sinh có thời gian quen dần với phương thức tuyển sinh mới

* Xin cám ơn Thứ trưởng!

Bạch Ngọc Dư thực hiện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.